Gia đình các thuyền viên tàu Vinalines Queen kêu cứu

22:40 | 03/01/2012

426 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên quan đến vụ chìm tàu Vinalines Queen khiến 22 thuyền viên mất tích, chiều ngày 3/1, đại diện gia đình các thuyền viên đã đến Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp.

>> Tìm thấy phao bè, xuồng cứu sinh của tàu Vinalines Queen

>> Một cách giải thích vụ đắm tàu Vinalines Queen

Họ hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện mọi biện pháp, sử dụng mọi phương tiện để tiếp tục tìm kiếm các thành viên còn mất tích.

Theo đại diện các gia đình thuyền viên, thời gian tìm kiếm từ khi tàu gặp nạn đến nay đã kéo dài quá lâu và không thu được nhiều kết quả.

“Cứ mỗi giờ phút trôi qua, hy vọng mong manh của chúng tôi cũng đang giảm dần” – chị Nguyễn Thị Tâm, vợ thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện rơm rớm nước mắt.

Những người ở lại ngóng thân nhân ngoài biển xa ngày ngày vẫn cứ bám vào những tín hiệu mong manh nhất để đợi chờ. Mọi người không ngừng gọi vào số điện thoại của các thuyền viên với hy vọng bắt được tiếng chuông đổ dài.

Thân nhân của các thuyền viên tàu Vinalines Queen mất tích (Ảnh: VNE).

Người nhà của thủy thủ Trần Đình Thư cho hay, từ ngày nhận được tin tai nạn, thi thoảng, anh em họ hàng vẫn gọi điện vào số sim của anh Thư (sim đăng ký tại Indonesia – PV) vẫn thấy đổ chuông, nhưng không có người nhấc máy.

Thời gian đợi chờ quá lâu, những hy vọng cũng mong manh dần. Đến chiều nay, 3/1, đại diện các gia đình cac thuyền viên mất tích trên tàu Vinalines Queen đã có đơn đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn giúp đỡ tìm kiếm các thuyền viên còn mất tích.

Trong đơn, thân nhân các thuyền viên đề nghị cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp, phương tiện tốt nhất tiếp tục tìm kiếm khẩn cấp, cứu nạn 22 thuyền viên tàu Vinalines Queen, mở rộng tìm kiếm bằng các phương tiện khác ngoài máy bay, và mở rộng phạm vi tìm kiếm ở trên các đảo hoang, đảo nhỏ, đảo san hô xung quanh khu vực tàu Vinalines Queen gặp nạn.

Đồng thời, đại diện gia đình có người mất tích yêu cầu cơ quan chức năng cần mời thêm lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Nhật Bản tham gia, bởi họ có phương tiện hiện đại, có năng lực tìm kiếm cứu nạn tốt.

Bên cạnh đó, người nhà thuyền viên cũng tỏ ý băn khoăn những người bị nạn có thể rơi vào vùng biển nhạy cảm, đang tranh chấp và bị giữ lại, vì vậy họ đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn liên lạc với các nước để hỏi rõ tình hình của thuyền viên.

Chia sẻ với những lo lắng của gia đình thuyền viên, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục Tìm kiếm cứu nạn (Bộ Quốc phòng), kiêm Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: “Ủy ban đã chỉ đạo rất quyết liệt, bằng mọi cách phải tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên”.

Tại buổi họp báo chiều 3/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định: Việc tìm kiếm tàu Vinalines Queen và 22 thủy thủ còn lại không phụ thuộc chi phí bao nhiêu, chỉ khi nào quá thời hạn không thể tìm kiếm mới dừng lại. Quan điểm của bộ là kiến nghị Chính phủ đề xuất các nước can thiệp để có giải pháp tìm kiếm hiệu quả hơn.

Ông Lê Anh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty hàng hải Việt Nam cho biết thêm, từ khi bắt đầu tìm kiếm đến nay, toàn bộ số tiền đều do Tổng công ty đã bỏ chi phí trước. Theo ông Sơn, Vinalines đã mua bảo hiểm tàu trị giá 27 triệu USD, và mua thêm bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên với mức 25-40.000USD/người.

Liên quan đến việc tàu mất tích từ 7 giờ song đến 12 giờ Vinalines mới báo cho trung tâm tìm kiếm cứu nạn, ông Sơn thừa nhận có sự chậm trễ là do Vinalines không ngờ sự cố diễn ra với một tàu hiện đại như thế. “Tàu được đóng năm 2005, có hệ thống tự động, cảnh báo phát tín hiệu tự động, khi chìm thì không phát tín hiệu nữa nên khi đột ngột mất tín hiệu thì công ty đưa ra nhiều phương án, như giả thiết có thể bị rơi vào vùng quân sự, bị niêm phong hoặc phương án khác. Việc chậm liên lạc là sự cố ngoài tầm kiểm soát, vì chưa bao giờ có sự cố với tàu hiện đại gần như tối tân này”, ông Sơn thừa nhận.

Thiên Minh