E3G: Thế giới đang đến rất gần mục tiêu “không điện than”

18:50 | 14/09/2021

194 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 14/9, tổ chức độc lập nghiên cứu về khí hậu và môi trường thế giới E3G công bố báo cáo mới nhất về tình hình cắt giảm các dự án nhiệt điện than mới. Báo cáo này được công bố trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại cuộc Đối thoại cấp cao về năng lượng.

Một báo cáo mới của E3G đã thống kê, đánh giá các dự án mới trên toàn cầu cho thấy số lượng dự án điện than giảm 76% kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015, mang đến tia hy vọng về việc chấm dứt xây dựng các nhà máy điện than mới trong tương lai.

E3G: Thế giới đang đến rất gần mục tiêu “không điện than”
Trung Quốc đang tài trợ tới 55% dự án điện than trên thế giới

Như chúng ta đã biết, điện than là nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu. Theo một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc (IPCC SR1.5), việc sử dụng than đá cần phải giảm 79% vào năm 2030 so với năm 2019 để đáp ứng những cam kết mà các quốc gia đã ký trong Thỏa thuận Paris.

Báo cáo của E3G nêu bật việc 44 quốc gia không có dự án tiền xây dựng và sẵn sàng cho cam kết “không xây dựng thêm nhà máy điện than mới”, đồng thời 40 quốc gia khác đã thực hiện cam kết này kể từ năm 2015. Như vậy đã có 84 quốc gia trên thế giới hưởng ứng lời kêu gọi “không xây dựng thêm nhà máy điện than mới vào năm 2021” của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres.

Báo cáo cho thấy chỉ cần thêm hành động của 6 quốc gia nữa tham gia chương trình này là có thể giúp loại bỏ 82% dự án đang trong quá trình tiền xây dựng còn lại trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 55% số dự án toàn cầu, tiếp theo là Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh.

Các dự án còn lại nằm rải rác trên 31 quốc gia khác, 16 quốc gia trong số đó chỉ cần loại bỏ thêm một dự án nữa là có thể nắm trong tay một tương lai không có điện than. Các quốc gia này có thể tiếp bước đà phát triển toàn cầu và các quốc gia cùng khu vực trong việc chấm dứt theo đuổi sản xuất năng lượng bằng nhiệt điện than.

Đặc biệt, nếu Trung Quốc nối gót các nước láng giềng tại Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc chấm dứt tài trợ điện than ở nước ngoài, thì điều đó sẽ tạo điều kiện cho việc loại bỏ hơn 40 GW dự án đề xuất trên 20 quốc gia.

Hội nghị COP26 sắp tới, được Chủ tịch Alok Sharma, nhận định là “Hội nghị COP khiến điện than trở thành dĩ vãng”. Đây cũng là thời điểm quan trọng để chứng minh động lực loại bỏ dự án điện than mới, và để các quốc gia giàu có hơn viện trợ cho các quốc gia khác hướng tới một tương lai không có điện than.

Báo cáo được công bố trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và cuộc Đối thoại cấp cao về năng lượng, nơi các quốc gia sẽ thúc đẩy các cam kết hành động của cá nhân và tập thể.

Số dự án điện than được đề xuất đã giảm 76% kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015, mang đến tia hy vọng về việc chấm dứt xây dựng các nhà máy điện than mới.

E3G là một tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu độc lập, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một thế giới với khí hậu an toàn. E3G chuyên về lĩnh vực ngoại giao khí hậu, rủi ro khí hậu, chính sách năng lượng và tài chính khí hậu.

Tùng Dương

Trung Quốc mở lại điện than do thiếu hụt năng lượng Trung Quốc mở lại điện than do thiếu hụt năng lượng
Nên chấm dứt ngay việc xây dựng nhà máy điện than mới? Nên chấm dứt ngay việc xây dựng nhà máy điện than mới?
Dự án nhiệt điện than của Trung Quốc có mức độ phát thải gấp 7 lần Dự án nhiệt điện than của Trung Quốc có mức độ phát thải gấp 7 lần
Các nhà môi trường phản đối Trung Quốc xuất khẩu ô nhiễm ra nước ngoài Các nhà môi trường phản đối Trung Quốc xuất khẩu ô nhiễm ra nước ngoài