Đường ống khí đốt mới có giúp EU giảm phụ thuộc vào Nga?

14:22 | 01/05/2022

552 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hãng thông tấn AP đưa tin một đường ống dẫn dầu mới nối Hy Lạp - Bulgari sẽ đảm bảo lượng lớn khí đốt để sản xuất điện, sưởi ấm các hộ gia đình.
Đường ống khí đốt mới có giúp EU giảm phụ thuộc vào Nga?

Đường ống mang tên "Kết nối" được thi công trong giai đoạn dịch COVID-19, đã hoàn thành trong tháng 4, được thử nghiệm đồng thời và dự kiến đi vào hoạt động thương mại từ tháng 6.

Tuyến đường ống trị giá 240 triệu euro sẽ vận chuyển 3 tỷ m3 khí đốt mỗi năm và có khả năng mở rộng lên 5 tỷ m3. Dự án này được đầu tư tài chính từ Bulgari, Hy Lạp, EU đồng thời nhận được ủng hộ chính trị mạnh mẽ của Mỹ.

Ngày 27/4, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã trao đổi với người đồng cấp Bulgari Kiril Petkov. Sau đó, ông Petkov chia sẻ trên mạng xã hội Twitter: "Bulgari và Hy Lạp sẽ tiếp tục hợp tác về an ninh và đa dạng năng lượng, vốn quan trọng đối với cả hai quốc gia và khu vực. Chúng tôi đều tự tin về việc hoàn thiện dự án đúng thời gian".

Tuyến đường ống này trở nên vô cùng quan trọng sau khi Nga quyết định ngừng cung khí đốt tự nhiên đến Ba Lan và Bulgari. 90% khí đốt của Bulgaria là nhập khẩu từ Nga nhưng nước này chỉ tiêu thu 3 tỷ m3 mỗi năm, ít hơn 30 lần so với Đức.

Đường ống nối Hy Lạp-Bulgari dài 180 km là dự án đầu tiên trong số những đường ống khí đốt được lên kế hoạch để tạo điều kiện cho các thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như những nước muốn trở thành thành viên EU có thể tiếp cận thị trường khí đốt toàn cầu.

Tuyến "Kết nối" sẽ giúp Bulgari tiếp cận với các cảng ở nước láng giềng Hy Lạp đang nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và mang khí đốt từ Azerbaijan đến qua hệ thống đường ống mới kết thúc ở Ý. Hệ thống nối giữa thành phố Komotini (Hy Lạp) và Stara Zagora (Bulgari), tạo điều kiện để những nước này tiếp cận với thị trường khí đốt toàn cầu.

Một số thành viên EU đang nỗ lực thay đổi để tránh phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga. Đức, nhà nhập khẩu năng lượng Nga lớn nhất thế giới, đang tìm cách xây dựng các cảng nhập khẩu LNG nhưng dự kiến sẽ mất nhiều năm. Trong khi đó, Ý đã đạt được thỏa thuận cùng về nguồn cung khí đốt từ Algeria, Azerbaijan, Angola và Congo.

Bình An