Xung đột Israel-Hamas:

Dùng 1.000 quả rốc-két đổi lấy 1 mạng người

06:00 | 17/07/2014

2,144 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 1.000 quả rốc-két đã được Hamas bắn vào lãnh thổ Israel trong hơn một tuần xung đột vừa qua. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một người Israel thiệt mạng trong khi con số thương vong phía Palestine đã lên đến hàng nghìn do những đợt đánh trả của Israel. Vì sao phía Israel lại bị ít thương vong đến vậy?

Xung đột Israel-Hamas: thường dân chết vô tội vạ

Người Palestine biểu tình phản đối các đợt oanh tạc của Israel ở Gaza

Các cuộc đấu pháo và đạn rốc-két giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza nổ ra từ ngày 8/7.

Ngày 14/7, Israel tuyên bố ngừng bắn đơn phương theo đề nghị của Ai Cập nhưng ngày hôm sau cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas thất bại. Các trận đấu rốc-két và tên lửa giữa hai phe lại tiếp tục trở lại.

Tính đến nay, đã có khoảng 660 quả rốc-két được lực lượng Hamas bắn vào lãnh thổ Israel. Đáp trả, Israel mở chiến dịch oanh kích mang tên “Rào cản” nhắm vào những nơi xuất phát các vụ bắn pháo ở Gaza. Ngày 13/7, Israel nói họ đã đánh trúng hơn 1.100 mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza kể từ khi cuộc không kích bắt đầu.

Theo Liên Hiệp Quốc, sau hơn một tuần giao tranh đến nay đã có trên 190 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, 80% trong số này là thường dân vô tội, và hơn 1140 người bị thương do các vụ pháo kích của Israel, trong đó có 296 trẻ em và 233 phụ nữ.

Trong khi đó, con số thương vong tại Israel lại rất thấp, chỉ chừng hơn một chục người bị thương, do trúng đạn rốc-kết của phe Hamas. Ngày 14/7, lần đầu tiên có một người Israel bị chết sau khi trúng phải đạn pháo bắn từ Dải Gaza. Nạn nhân là một tình nguyện viên cung cấp thực phẩm cho lính Israel tại trạm biên giới Erez.

Giải thích lý do cho tình trạng trên, tờ báo Le Figaro của Pháp cho rằng không chỉ được bảo vệ bằng hệ thống chống tên lửa Vòm sắt, người dân ở những thành phố giáp Dải Gaza của Israel còn đặc biệt tôn trọng hệ thống báo động. Tờ báo đưa ví dụ, lúc 13 giờ ngày 14/7, một quả rốc-kết từ Palestine rơi ngay giữa trung tâm thành phố Ashdod, cách Dải Gaza 40 km về phía bắc. Nhưng chẳng có ai ở ngoài phố cả: người dân đã nhận được báo động nhờ các tiếng còi hụ nhưng đồng thời thông qua ứng dụng “Báo động đỏ” được cài đặt trên điện thoại thông minh.

Tại sao Israel bị thương vong rất ít?

Hệ thống đánh chặn Vòm Sắt của Israel

Vòm Sắt là hệ thống phòng thủ tên lửa ba lớp. Ngay khi rốc-két của đối phương được phóng đi, các radar của Vòm Sắt dò đường bay của rốc-két và bắn hạ nó. Hệ thống Vòm Sắt được thiết kế để tạo ra một “cái lồng” an toàn bao úp lên một diện tích khoảng 150 kilômét vuông. Tính đến thời điểm hiện tại, Israel đã triển khai sáu hệ thống bắn chặn Vòm Sắt.

Được thiết kế để bắn chặn rốc-két lẫn đại bác có tầm 4-70 km, hệ thống Vòm Sắt nằm dưới sự điều khiển của MPrest Systems. Hệ thống máy tính của Vòm Sắt có thể quan sát không lưu, phân loại mục tiêu, tính toán chương trình can thiệp, xử lý bắn chặn…

Được tài trợ một phần từ Bộ quốc phòng Mỹ, Vòm Sắt thuộc quản lý của tập đoàn quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems (nơi chế tạo tên lửa bắn chặn Tamir của Vòm Sắt). Hệ thống radar do Elta Systems (thuộc tập đoàn Công nghiệp không gian Israel) sản xuất. MPrest là đối tác thứ ba, phụ trách kỹ thuật liên quan kiểm soát chỉ huy và điều khiển toàn bộ hệ thống. Bộ não của Vòm Sắt là phần mềm xử lý do MPrest thiết lập, giúp phân biệt hàng chục nghìn vật thể trong vài giây. Vòm Sắt bắt đầu được đưa vào hoạt động vào ngày 27/3/2011 khi được triển khai gần Beersheba (thành phố lớn nhất tại sa mạc Negev ở Nam Israel).

Israel đang có kế hoạch đầu tư gần 1 tỉ USD cho hệ thống Vòm Sắt để triển khai 10-15 dàn khắp Israel và sự kiến sẽ nâng cấp Vòm Sắt với khả năng bắn chặn được tên lửa tầm 250 km.

Trong khi đó, phía Palestine không có gì bảo vệ nên các cuộc oanh kích trả đũa của Israel đã gây thương vong lớn cho người dân ở Dải Gaza. Hành động xem thường mạng sống thường dân Palestine của Israel đã được báo Le Monde (Pháp) minh chứng trong bài phóng sự: “Tại Gaza, để giết chết một thành viên Hamas, Israel hủy diệt cả một gia đình người dân Palestine”.

Lúc này, người Palestine chỉ còn biết chạy khỏi vùng chiến sự. Dòng người di tản từ Gaza về phía Ai Cập ngày càng đông với hy vọng có thể vượt qua bên kia biên giới. Nhưng hiện chỉ có 19 người bị thương là được phép đi vào lãnh thổ Ai Cập. Những cánh cửa chỉ được mở cho những ai có quốc tịch nước ngoài, sau nhiều ngày chờ đợi.

Đứng trước cuộc leo thang vũ trang tại Gaza có thể dễ dàng bùng nổ thành cuộc chiến tranh lớn, nhiều cố gắng quốc tế đang được thực hiện để tìm một giải pháp hòa bình.

Nh.Thạch