Đức nhờ Snowden điều tra về chương trình do thám của Mỹ

19:32 | 02/11/2013

382 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đức cho biết họ muốn nói chuyện với Edward Snowden để xem người này biết gì về các chương trình do thám qui mô lớn của Mỹ, trong đó có việc nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong một cuộc họp báo tại Berlin vào ngày 1/11/2013, ông Hans-Christian Stroebele, thành viên Green Party và Quốc hội Đức giơ cao một lá thư mà Edward Snowden, cựu nhân viên NSA, đã đưa cho ông ngày hôm trước tại Matxcơva.  Stroebele cho biết ông đã trình lá thư chứa các thông tin liên quan đến cáo buộc NSA nghe lén điện thoại của bà Angela Merkel và các thành viên khác của chính phủ Đức.

Tại cuộc họp giữa một nhà lập pháp Đức và Snowden tại Matxcơva, Snowden đề nghị sẽ cung cấp cho Đức những kiến thức nội bộ về hoạt động gián điệp của Mỹ, một đề nghị mà Bộ trưởng Nội vụ Đức, ông Hans-Peter Friedrich cho biết Berlin rất thích thú.

"Nếu ông Snowden muốn cung cấp thông tin cho chúng tôi, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng chấp nhận"- ông Friedrich nói với báo giới.

Ông Friedrich phát biểu như thế sau khi nhà lập pháp Đức Hans-Chritian Stroebele gặp Snowden tại Matxcơva ngày hôm qua. Ông Stroebele nói rằng Snowden trao cho ông một lá thư gởi cho chính phủ Đức. Trong thư đó, Snowden đả kích việc chính phủ Mỹ truy bức ông về điều mà ông gọi là “ngôn luận chính trị”.

Trước những lời đồn đãi và suy đoán rằng Snowden muốn trao đổi bí mật tình báo Mỹ để xin tị nạn ở Đức, phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, Berlin đã từ chối một yêu cầu tị nạn từ Snowden đầu năm nay, với lý do là mọi đơn xin tị nạn phải được nộp từ trong nước.

“Tình hình hiện giờ nó là như thế"- ông Seibert tuyên bố như thế tại một cuộc họp báo khi được hỏi liệu Đức có sẽ cho Snowden được tị nạn hay không.

Các giới chức Đức và Mỹ đã thảo luận với nhau trong tuần này tại Washington về chương trình theo dõi của Mỹ.

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng các hoạt động theo dõi của Mỹ đã “đi quá đà” trong một số trường hợp, và hứa là điều đó sẽ không xảy ra nữa.

Cũng trong ngày hôm qua, Ủy ban Tình báo Thượng viện thông qua một dự luật để siết chặt sự kiểm soát đối với những gì mà các cơ quan tình báo có thể làm với những hồ sơ về truyền tin liên lạc mà họ thu thập được. Dự luật này qui định các hồ sơ đó chỉ được lưu trữ tối đa là 5 năm.

Nh.Thạch

AFP