Đức đang dần trở thành bản sao của Tây Ban Nha

15:49 | 27/06/2014

572 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Joachim Loew đang dần biến tuyển Đức giống hệt như Bayern Munich của Pep. Xem cách chuyền bóng qua lại ở giữa sân trong trận gặp tuyển Mỹ, chúng ta tưởng như đang xem Bayern đang đá ở Bundesliga. Nhưng lối chơi này, đã làm mất đi những gì được gọi là thế mạnh đặc trưng của đội tuyển Đức, và đang dần biến Die Mannshaft thành bản sao của Tây Ban Nha.

Sút xa quá tệ

Đội tuyển Đức trong quá khứ luôn là đội bóng hàng đầu ở Châu Âu về khả năng sút xa, bất kể đó là từ tiền đạo, tiền vệ hay cả hậu vệ cánh tham gia tấn công. Những Michael Ballack, Torsten Frings hồi trước đã không ít lần quyết định trận đấu bằng những pha sút xa mang đầy sức mạnh của mình. Nhưng có một thực tế, với tuyển Đức bây giờ chúng ta hiếm được chứng kiến điều như thế thường xuyên. Trong cách chơi hiện nay, Loew đang bắt các cầu thủ vào một cách đá mà ở đó ai cũng có thể là người phân phối bóng, và điều tiết trận đấu.

Với lối đá đặt nặng khả năng cầm bóng như hiện nay, các cầu thủ có tố chất sút xa tốt nhất của tuyển Đức như Toni Kross hay Schweinsteiger có vè như đã đánh mất cảm giác tự tin khi thực hiện điều này. Ngay cả Philipp Lahm, những cú xộc từ cánh vào gần trung lộ rồi sút xa cũng hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một Philipp Lahm cần mẫn nhận và chuyền bóng ở khu vực giữa sân.

Loew có lẽ cần phải nhận thức lại vấn đề này. Trong bóng đá, sự đa dạng dựa trên các thế mạnh của từng cầu thủ là điều rất cần thiết và hơn nữa, khi trận đấu bế tắc sút xa chính là phương pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề. Nếu theo dõi Bayern Munich thường xuyên, thì chúng ta có thể nhận thấy sự khác nhau giữa Toni Kross của Jupp Heynkes và Toni Kroos của Pep Guardiola là: Một sát thủ ngoài vòng cấm (Jupp Heynkes) và một chuyên gia chỉ biết chuyền bóng(Pep Guardiola).

Ngay cả Podolski hiện giờ cũng thiếu đi những pha sút xa mang đầy uy lực đã thành thương hiệu

Đánh đầu quá kém

Người Đức đánh đầu kém? Nghe có vẻ khôi hài, khi đánh đầu chính là vũ khí thực sự, đôi khi là chủ lực của đội tuyển Đức. Qua các thời ký Đức đã sản sinh ra rất nhiều những tiền đạo danh thủ chơi đầu tốt, như Oliver Bierhoff hay Carsten Jancker... Cách sắp đặt các pha đánh đầu của Đức trước đây không được sắp đặt cầu kỳ, nó thực hiện một cách đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.

So sánh với cách vận hành lối chơi hiện nay của đội tuyển Đức, khi đã dùng quá nhiều các đường chuyền ở khu vực giữa sân, vô hình chung đội tuyển Đức cũng khiến đối thủ không có bóng, nên sẽ lùi về sâu phần sân nhà, và tạo ra một bức tường phòng thủ trên không trong vùng cấm địa, ở đó các tiền đạo rất khó có khoảng trống bật nhẩy để dứt điểm.

Chưa kể là chất lượng các đường tạt cánh từ 2 biên, hãy nhìn cách Boateng dâng lên cánh trong trận gặp Đức, việc bố trí một cầu thủ không có kỹ thuật lật cánh tốt như vậy, sẽ khiến cho các pha mở cánh sang biên trở lên vô tác dụng, có vẻ như Boateng chỉ dâng lên bởi vì anh phải phục vụ một cách bất đắc dĩ cho khoảng trống mà Lahm để lại. Nếu trong trận gặp Mỹ đêm qua Philipp Lahm dâng cánh thường xuyên, và Boateng là người trong vùng cấm địa, thì tình hình có vẻ sáng sủa hơn.

Mặc dù trận đấu với Mỹ đêm qua chưa phải là lúc Đức tung ra hết sức, nhưng nó cũng đã chỉ ra những điểm yếu cơ bản của đội tuyển Đức. Khi đối đầu với các đội bóng lớn hơn cần có nhiều sự đột biến hơn. Nếu Joachim Loew không rút kinh nghiệm kịp thời thì số phận của tuyển Đức cũng có thể như Barcelona hay Bayern mùa giải qua.

Tú Cẩm