Dự định xây dựng hồ sơ UNESCO làng cổ Đường Lâm: Đường dài còn lắm gian nan

09:26 | 29/06/2011

665 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Như một hình thức tôn vinh di sản, góp phần nâng cao ý thức và hành động bảo tồn làng cổ, dự định xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa thế giới cho làng cổ Đường Lâm đã được đưa ra trong một cuộc hội thảo quốc tế diễn ra vào cuối tháng 52011 vừa qua.

Ngay lập tức, dự định này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các nhà quản lý, người dân địa phương và những người nặng lòng với di sản. Song, điểm lại, để được chạm tay vào danh hiệu quý giá kia, phía trước là cả một chặng đường dài…

Những bước đầu tiên…

Ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, từ nay đến cuối năm 2011, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hà Nội bắt tay vào xây dựng một hồ sơ có tính chất đăng ký vào danh sách các di sản sẽ đề nghị với UNESCO trong tương lai. Nếu được UNESCO nhất trí, công việc xây dựng hồ sơ khoa học để đệ trình mới chính thức tiến hành. Tiếp theo đó, việc xây dựng hồ sơ di sản phải được tiến hành thận trọng, tỉ mỉ, qua nhiều cấp thẩm định và quan trọng hơn cả, nội dung hồ sơ phải chứng minh được giá trị nổi bật của Làng cổ Đường Lâm. Không giống như Di sản Hoàng thành Thăng Long, Đường Lâm là di tích sống. Vì thế, sự thành bại của hồ sơ phần lớn phụ thuộc vào mức độ đồng thuận của người dân. Di sản có được bảo tồn như một “thực thể sống động” với các giá trị kiến trúc, mỹ thuật, phong tục, lối sống… hay không cũng phụ thuộc vào ý thức của người dân làng Việt cổ này.

Theo nhà văn Hà Nguyên Huyến, một người con làng Đường Lâm, hiện vẫn cùng gia đình lưu giữ một trong những ngôi nhà cổ giá trị nhất của làng, nếu di sản được công nhận ở cấp thế giới sẽ là niềm tự hào cho người dân. Đặc biệt là lâu nay người làng được hưởng lợi từ du lịch cũng không nhiều, nếu du lịch được nâng cấp từ danh hiệu di sản thế giới thì thu nhập của bà con sẽ được cải thiện hơn. Nhất là khi mà người làng vẫn sống chủ yếu bằng cây lúa thì các cánh đồng xung quanh làng cần được bảo vệ để vừa giữ đất cho dân canh tác, vừa đảm bảo về cảnh quan, vừa có thể phát triển các mô hình du lịch sinh thái phù hợp.

Khó khăn trước mắt

Tháng 12-2010, BQL Làng cổ Đường Lâm và UBND xã Đường Lâm đã phải làm một việc cực chẳng đã, là cưỡng chế phá dỡ một ngôi nhà xây mới tại thôn Mông Phụ (diện bảo tồn cấp 1). Tuy nhiên, việc xây dựng của gia đình này không phải là trường hợp đầu tiên kể từ khi UBND thị xã Sơn Tây ra Quy chế về việc xây nhà trong khu vực di sản vào năm 2007. Theo quy chế, khu vực 1 gồm toàn bộ thôn Mông Phụ chỉ được xây nhà cấp 4, khu vực 2 gồm 4 thôn còn lại là Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm được phép xây nhà hai tầng, tất cả đều phải được xây bằng vật liệu truyền thống, tầng 2 mái dốc, lợp ngói ta. Tuy nhiên, từ khi có quy định cho tới nay, theo thống kê, làng Việt cổ đã xuất hiện thêm 20 ngôi nhà cao tầng. Bà Hà Thị Khanh – chủ nhân ngôi nhà từng bị cưỡng chế tháo dỡ vào tháng 12-2010 phân bua, nếu chỉ cho xây nhà cấp 4 trong khi diện tích đất đai chật hẹp, cả nhà bà với 8 nhân khẩu thì không đủ chỗ để sinh sống. Cái khó của nhà bà Hà Thị Khanh cũng là cái khó chung cho nhiều gia đình ở Đường Lâm.

Làng cổ Đường Lâm hiện có 6.000 dân với khoảng 1.500 hộ gia đình. Nhu cầu về diện tích đất ở là hết sức cần thiết. Trong khi, mọi quy định của làng cổ đều phải tuân theo Luật Di sản Văn hoá. Có một mâu thuẫn mà ai cũng nhìn thấy, nhưng lại chưa có cách gì khắc phục được, đó là, Luật Di sản Văn hoá lâu nay vẫn chỉ áp dụng cho các di tích đình, chùa, những danh thắng không có dân sống trong đó. Còn với trường hợp của làng cổ Đường Lâm, lại là một di tích sống. Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị cổ, thì vẫn phải đảm bảo cuộc sống tiện nghi cho người dân.

Không thể bắt người dân cứ ở mãi trong những ngôi nhà từ thế kỷ XVII-XVIII cùng những tiện nghi, đồ dùng sinh hoạt từ mấy trăm năm nay, trong khi đi ra khỏi cổng làng vài trăm mét thôi là đã thấy phố xá, nhà cửa hiện đại bày ra dọc hai bên đường.

Sống trong nhà cổ cũng khổ

Hiện tại, để được cấp phép sửa lại một đoạn tường rào thôi (chứ chưa nói là xây cả một ngôi nhà) người dân làng Đường Lâm phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục sau, đầu tiên là làm đơn, xin chữ ký của trưởng thôn, rồi xác nhận của chính quyền xã, tiếp đó lá đơn ấy được gửi lên chính quyền thị xã Sơn Tây (phải thông qua đủ các ban ngành từ xây dựng cho đến ban quản lý di tích). Sau khi xin được dấu và chữ ký của Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, lá đơn này tiếp tục được chuyển lên Sở VHTT&DL xin ý kiến thoả thuận. Sau khi đã có thoả thuận của Sở thì được chuyển lên cấp cao hơn là Cục Di sản Văn hoá, rồi lại vòng về Sở Xây dựng… Điểm qua đường đi của lá đơn xin tu sửa nhà của người dân Đường Lâm đã đủ thấy vòng vèo muôn hướng và phải là người trong cuộc thì mới cảm nhận hết sự gian nan này.

Từ năm 2008 đến nay, có tới 100 gia đình có nhu cầu xây dựng cơi nới nhà cửa, dựng vợ gả chồng cho con và cũng khoảng chừng ấy số hộ gia đình nhà cửa xuống cấp có nhu cầu tu sửa… Mọi thứ đều cấp bách cả. Trong khi làng cổ Đường Lâm lại chưa có cơ chế đặc thù. Hơn 5 năm được công nhận làng cổ, đã đến lúc các nhà quản lý phải có cái nhìn thấu đáo hơn nữa, vừa để bảo tồn vừa để phát triển. Phải xác định rõ cái cần bảo tồn nhất hiện nay, còn nếu cứ bảo tồn toàn bộ theo tinh thần của Luật Di sản sẽ là duy ý chí. Ông Phạm Hùng Sơn cho biết thêm: Trước đây, UBND thị xã Sơn Tây cũng đã tiến hành cấp đất cho một số hộ gia đình đông nhân khẩu, khó khăn về đất ở. Nhưng việc làm này đến nay gần như thất bại, vì nhiều hộ dân, không có tiền để nộp lệ phí chuyển đổi quyền sử dụng đất. Sau khi được cấp đất là bán luôn, lấy tiền về làng xây… nhà(!) Vì thế, để giải quyết tận gốc vấn đề này cần có một quy hoạch tổng thể cho Đường Lâm, chứ không phải một vài quyết định manh mún.

Từ khi đón nhận danh hiệu di sản Làng Việt cổ, mỗi năm làng Đường Lâm đón tới vài vạn khách tham quan, chủ yếu là người nước ngoài. Song, sau hơn 5 năm phát triển du lịch, các loại hình dịch vụ của Đường Lâm vẫn cứ nằm trong thế “tiềm năng” và “chờ khai thác”. Sản phẩm lưu niệm không có, chỗ ăn nghỉ ở mức cực kỳ hạn chế, nhà vệ sinh dành cho khách du lịch cũng không… Và bài toán hiện nay đang được đặt ra, nếu chuyển dịch được cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, người dân có được lợi ích từ việc làm du lịch, có lẽ, làng cổ sẽ được bảo tồn bền vững hơn. Và chỉ khi đã và đang được bảo tồn một cách bền vững, lúc đó cơ hội để Đường Lâm được vinh danh ngoài Việt Nam mới thực sự khả thi.

Theo Năng lượng Mới