Dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại Hà Nội: Bao giờ cấp vốn?

22:46 | 29/11/2011

1,769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được tiếng là Dự án mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần làm “sạch” bộ mặt Thủ đô nhưng đến nay Dự án xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2010 vẫn “im hơi lặng tiếng”. Hầu hết các chủ đầu tư đều tỏ ra bế tắc vì bước sang năm thứ 6 nhưng vẫn không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ phía TP.

Mặc dù có trong danh sách các cơ sở giết mổ được đầu tư theo Quyết định của TP nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào.

Mỏi mắt… chờ tiền

Ai cũng thừa hiểu tình trạng ô nhiễm tại các lò giết mổ hiện nay trên địa bàn Thủ đô đang trầm trọng ở mức độ nào. Việc UBND Hà Nội quyết định cho xây dựng các cơ sở giết mổ đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), hạn chế tối đa hoạt động của những cơ sở nhỏ lẻ, ô nhiễm là hết sức đúng đắn. Hơn 6 triệu dân đang ngóng chờ từng ngày. Thế nhưng, đến nay nhiều người tỏ ra lo lắng, liệu chính quyền có “đánh trống bỏ dùi”?

Năm 2006, Kế hoạch 66/KH-UBND TP Hà Nội về việc xây dựng 7 cơ sở giết mổ, chế biến gia súc gia cầm (GSGC) theo hướng tập trung, hiện đại có hiệu lực. Dự kiến đến hết năm 2010, TP Hà Nội sẽ chấm dứt việc giết mổ GSGC nhỏ lẻ phân tán, xen kẽ trong khu vực nội thành, nội thị, các khu đô thị mới tại quận Hoàng Mai, Long Biên và Hà Đông.

Tham gia Kế hoạch này, nhiều DN đã tỏ rõ sự e ngại bởi Dự án có vốn đầu tư lớn, thiết kế xây dựng công phu nhưng thời gian thu hồi vốn chậm. Đấy là chưa kể đến việc, sau khi hoàn thiện đi vào hoạt động, để cạnh tranh với những lò mổ tư nhân cũng là một thử thách. Dù biết chắc rủi ro cao nhưng các DN tiếp tục dốc sức, dốc tiền của vào đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ GSGC hiện đại. Có lẽ cũng bởi vì lần này UBND TP Hà Nội đã dành những chính sách ưu đãi cho DN nào muốn đầu tư. Được giảm 50% đơn giá thuê đất hiện hành theo quy định của UBND TP. Và đặc biệt, ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư các hạng mục: Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải…

Ngoài ra, đối với hỗ trợ tín dụng các DN có phương án đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn điều lệ của quỹ đầu tư phát triển TP để đầu tư các hạng mục: Xây lắp, mua sắm dây chuyền thiết bị công nghệ.

Theo đó, mức vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án được duyệt. Thời hạn vay vốn tối đa là 15 năm, trong đó 1 năm ân hạn. Với những cam kết trên, nhiều DN đã đăng ký tham gia. Tuy nhiên, 5 năm qua tất cả các DN chưa nhận được một đồng vốn hỗ trợ nào. Một số Dự án gần như “án binh bất động”.

Trong đó, chỉ có Dự án xây dựng nhà máy giết mổ GSGC và chế biến thực phẩm tại xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) do Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Gia súc gia cầm thuộc Tổng Cty Thương mại Hà Nội làm chủ đầu tư đã xây dựng xong một phần công trình nhưng hiện vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa thể tiếp tục triển khai do số tiền đầu tư cho Dự án lên đến 77 tỉ đồng mà tự thân Công ty không kham nổi.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm Vinh Anh, chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm tại khu công nghiệp Hà Bình Phương (huyện Thường Tín) cho hay, hiện DN mới chỉ hoàn thành được 30% kế hoạch đề ra. Không phải do DN làm chậm tiến độ mà do không được cấp vốn để làm. Nếu tập trung Dự án này có thể hoàn thành trong vòng 6 tháng.

Khả quan nhất vẫn là Cơ sở giết mổ do Công ty TNHH Minh Hiền làm chủ đầu tư. Mặc dù chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía TP, nhưng do tự bỏ vốn ra đầu tư từ trước nên hiện cơ sở đã đi vào hoạt động được 1 năm, có 8 hộ tham gia (1 hộ vừa bỏ ra ngoài). Tuy nhiên, cơ sở giết mổ này vẫn chưa thể áp dụng theo dây chuyền hiện đại, lí do là vì bao giờ cả TP hoạt động đồng bộ theo quy trình công nghệ hiện đại thì mới có thể thực hiện còn không các hộ tham gia sẽ bỏ ra ngoài hết.

Mãi vẫn là lời hứa

Hầu hết các DN đầu tư vào Dự án giết mổ GSGC theo Kế hoạch 66 của TP đều phản ánh tình trạng ì ạch trong việc giải quyết cơ chế. Thủ tục rườm rà, trưng cầu quá nhiều ý kiến của quá nhiều cơ quan ban ngành liên quan. Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền cho biết, cho đến nay Cơ sở giết mổ GSGC đã đi vào hoạt động được 1 năm. Mặc dù có trong danh sách các cơ sở giết mổ được đầu tư theo Quyết định của TP nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào.

Từ năm 2007 đến năm 2009, lãnh đạo công ty đã mang hồ sơ đến Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Quỹ hỗ trợ Thành phố … để mong được xem xét nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm tích cực nào. Lúc chưa xây dựng lãnh đạo Sở hứa rằng, cứ làm đi nếu không vay được tiền lãnh đạo sẵn sàng mang nhà đi thế chấp để cho công ty vay nhưng đến khi xây xong, cơ sở hoạt động rồi, mọi lời hứa vẫn “án binh bất động”.

Theo lãnh đạo Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, hiện Công ty cũng đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để vay vốn. Tuy nhiên, do ngân hàng bắt thế chấp tài sản giá trị lên 54 tỉ đồng mà hiện Công ty mới có 37 tỉ đồng nên chưa thể đủ vốn để đảm bảo tiến độ Dự án. Nếu TP không cho vay thì rất khó vì đây là công trình khó thu hồi vốn.

Lãnh đạo Công ty Hapro cũng cho rằng, hiện nay thủ tục vay tại Quỹ còn nhiều vướng mắc. Ngân hàng thương mại không mấy mặn mà với những dự án khó hoàn vốn trong khi đó Công ty làm chủ đầu tư lại là công ty thành viên của Hapro nên việc thế chấp tài sản cũng hết sức khó khăn. Nếu như không có sự hỗ trợ của TP thì không thể hoàn thiện công trình. Trong cuộc họp gần đây nhất, lãnh đạo các sở ban ngành liên quan của TP vẫn cam kết sẽ hỗ trợ vốn cho các DN. Tuy nhiên, có một vài thay đổi. Do thực hiện chính sách giảm đầu tư công của Thủ tướng Chính phủ nên những Dự án chưa triển khai phải dừng lại còn các dự án đã xây dựng sẽ được đầu tư để hoàn thiện, riêng Dự án đã xây dựng xong thuộc Công ty TNHH Minh Hiền sẽ nhanh chóng được hoàn vốn.

Tuy nhiên, thời gian cụ thể là bao giờ thì vẫn chưa có bất cứ một văn bản nào. Gần bước sang năm thứ 6 nhưng tình trạng TP cứ hứa, DN cứ chờ vẫn chưa có tín hiệu chấm dứt!

Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, hằng năm thành phố tiêu thụ khoảng gần 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm (bình quân 564 tấn/ngày). Trong số đó, các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung chỉ đảm bảo được 2,9%, các cơ sở giết mổ thủ công tập trung đảm bảo được 27,8%, các hộ giết mổ nhỏ lẻ đảm bảo được 50,8%, số còn lại là nguồn thịt từ các tỉnh khác và nhập khẩu khoảng 18,5%.

Đức Minh