Dự án đê Tả Lam - một kiểu thi công gian dối

07:08 | 23/09/2015

2,557 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được đầu tư với số vốn hơn 234 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước, dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê Tả Lam nhằm bảo vệ dân sinh, kinh tế, cơ sở hạ tầng của 4 huyện, thành phố… Tuy nhiên, dự án đang bị nhà thầu thi công theo kiểu “cắt xén” để trở thành cái “bẫy” lũ rất nguy hiểm.
du an de ta lam chong lu hay cai bay dai hong thuy Thi công đê Tả Lam kiểu "5 không"

Hàng loạt dấu hiệu sai phạm của nhà thầu trong quá trình thi công đã bộc lộ ngay khi dự án được đưa vào sử dụng. Câu hỏi đặt ra: Tuyên đê Tả Lam được xây dựng nhằm phòng chống lũ lụt sông Lam, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, nhưng nhà thầu thi công kiểu “cắt xén” thì có chống được lũ không…?

du an de ta lam chong lu hay cai bay dai hong thuy
Những bê tông mái kè được đúc theo kiểu "cắt xén", chưa sử dụng đã rũa vữa vòng quanh.

Ngay tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư và kế hoạch đấu thầu công trình củng cố, nâng cấp tuyến đê Tả Lam (thuộc địa phận huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh) do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng ký, đã nêu rõ nhiệm vụ của công trình: Cụ thể: Một là dự án nhằm bảo vệ dân sinh, kinh tế, cơ sở hạ tầng của huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP Vinh.

Hai là bảo đản an toàn cho tuyến đê chống lũ, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Nhà nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Ba là hình thành tuyến đường giao thông trên đê, đảm bảo giao thông thông suốt trong thời kỳ mưa lũ, đảm bảo hoạt động ứng phó, cứu hộ đê khi có tình huống khẩn cấp.

Bốn là tạo hành lang quản lý đê, chống lấn chiếm hành lang đê.

Năm là an toàn trong công tác phóng chống lũ sông Lam, đặc biệt do biến đổi khí hậu xảy ra bất lời...

Như quyết định thì đây là một dự án có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống lũ lụt cũng như thúc đẩy kinh tế phát triển vùng. Tuy nhiên, trong quá trình mục sở thị dự án cho thấy, quá trình thi công lại mang tính “xuề xòa”.

Cụ thể, gói thầu do Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng CDC (ở đường Lê Hoàn, phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An), tại thời điểm chúng tôi có mặt ghi nhận, cho thấy công trình đang được công nhân thi công, nhưng không một biển báo giới thiệu về dự án cũng như hành lang an toàn lao động. Thay vào đó là một hiện trường ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng.

Cũng tại đây, từng nhóm công nhân đang mặc sức thi công theo kiểu “5 không”: Không đại diện chủ đầu tư; không tư vấn giám sát; không biển báo an toàn lao động; không có bảng tỷ lệ cấp phối và không theo quy định thiết kế.

du an de ta lam chong lu hay cai bay dai hong thuy
Những bê tông mái kè được đúc theo kiểu "cắt xén", liệu có chắn được sóng.

Do chủ đầu tư và đơn vị giám sát vắng mặt… nên công nhân mặc sức dùng xẻng đưa cát, đá, xi măng vào máy trộn bê tông để đổ hồ keo đúc dầm bê tông mái kè, mà không theo tỷ lệ cấp phối quy định.

Không những vậy, nhà thầu còn sử dụng loại vật liệu xây dựng không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đá dăm, có kích thước to hơn loại 1x2 như quy định - PV) để thi công phần dầm bê tông mái kè. Càng nghiêm trọng hơn, hệ thống thép mái dầm bê tông này đã bị nhà thầu “cắt xén” vật liệu.

Chính sự tắc trách của các đơn vị liên quan, cũng như chủ đầu tư dự án, khiến niềm tin của người dân đối với chính quyền bị mai một. Một người dân sinh sống tại phường Hưng Phúc nói: Chẳng hiểu cơ quan chức năng nghĩ gì về dự án nâng cấp, củng cố tuyến đê này? Không hiểu họ có biết đây là tuyến đê rất quan trọng trong mùa mưa lũ hay không mà để công nhân thi công cẩu thả như vậy? Thế nhưng, nhiều hạng mục vừa đi vào sử dụng đã xuống cấp. Các cấu kiện tấm lát bong tróc, chỉ lấy chân giẫm nhẹ cái là vụn vỡ…(!)

Được biết, phần bê tông khung mái đê này được đổ thủ công, mác 200, đá 1x2cm, cốt thép khung mái đê đường kính 18cm và lót dưới cùng một lớp bạt xác rắn, nhưng nhà thầu đã cắt bỏ phần lớp bạt xác rắn trước khi đổ bê tông. Các đai thép khung mái đê này bị “rút ruột”.

Nhiều hạng mục do Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng CDC thầu đã hoàn thành, nhưng hàng loạt biểu hiện của sự xuống cấp lộ rõ. Điển hình, hệ thống dầm bê tông này lồi lỏm nhiều chỗ. Các cấu kiện tấm lát (bê tông đúc sắn đá 1x2, mác 200) phần lát mái đê nhiều miếng bị vỡ vụn do không đạt tiêu chuẩn mác vữa 200.

Với cách làm như thế này, sẽ không biết bao nhiêu người dân cũng như tài sản phải đứng trước mối đe dọa tử thần đại hồng thủy. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng cần nhớ rằng, tỉnh nhà là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra lũ lụt. Nếu như không chú trọng vào công tác củng cố, nâng cấp, bảo vệ đê điều thì vẫn còn hàng nghìn người dân rơi vào cảnh trắng tay sau mưa lũ.

Việc thi công tắc trách, bòn mót vật liệu, làm ăn cẩu thả của các đơn vị liên quan… mong được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trả lời!

PetroTimes sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc...!

Thiên Minh

Năng lượng Mới