Dòng vốn đầu tư cho năng lượng sạch đang tăng mạnh

11:00 | 24/10/2020

219 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vốn đầu tư khu vực nhà nước tăng mạnh, Singapore vươn lên dẫn đầu đổ vốn đầu tư vào Việt Nam và lĩnh vực năng lượng sạch đang thu hút đầu tư lớn là những điểm nổi bật về dòng vốn đầu tư vào nước ta trong 9 tháng qua.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô 9 tháng năm 2020 do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công bố, tăng trưởng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đang tăng mạnh. Riêng trong quý 3/2020, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 595,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ - yoy, tăng 23,4% so với quý trước - qoq, cao hơn so với Quý 3/2019 (9,85% (yoy) và 19,8 (qoq)).

ha-tinh-chap-thuan-chu-truong-dau-tu-du-an-dien-gio-120mw
Năng lượng sạch đang là lĩnh vực thu hút đầu tư lớn nhất vào nước ta.

Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư đạt 265,6 nghìn tỷ, chỉ tăng 0,04% (yoy). Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng mạnh, đạt 211,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,14% (yoy) (cùng kỳ năm 2019 tăng 0,53%).

Tính chung 9 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,8%; vốn khu vực Nhà nước tăng 13,4%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 2,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,5%. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới quý 3 lại có xu hướng giảm, đạt 1,96 tỷ USD, giảm 45% (yoy), giảm 33% (qoq) (quý 1 giảm 4,8% (qoq); quý 2 giảm 46,6% (qoq)). Vốn FDI thực hiện tăng, đạt 5,15 tỷ USD, tăng 8,4% (qoq) (quý 2 đạt 4,75 tỷ USD, tăng 21,8 % (qoq)).

Tình hình dịch bệnh tại các quốc gia là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn trong tình trạng xấu gây ảnh hưởng mạnh tới tăng trưởng vốn đầu tư FDI của các quốc gia này tại Việt Nam. Trong chín tháng qua, Singapore là quốc gia có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 4,65 tỷ USD, tăng 2,17% (yoy). Tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,08 tỷ USD, giảm 46,6% (yoy); Hàn Quốc đạt 1,07 tỷ USD, giảm 46,8% (yoy); Nhật Bản đạt 0,14 tỷ USD, giảm 70,7% (yoy)…

Trong 9 tháng năm 2020, có 1.947 dự án được cấp phép mới với vốn đăng ký đạt 10,4 tỷ USD, giảm 29,4% về số dự án và giảm 5,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư FDI thực hiện chín tháng ước tính đạt gần 13,8 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút đầu tư FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 4,71 tỷ USD, chiếm 45,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp theo ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt gần 4,34 tỷ USD, chiếm 41,9%; các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 12,6%.

Ngành sản xuất và phân phối điện (năng lượng sạch) là một trong những ngành có tiềm năng lớn do nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam ngày càng gia tăng và đang được Chính phủ ưu tiên hàng đầu trong đầu tư.

Một số dự án đầu tư nổi bật tính đến hết tháng 9 năm 2020 bao gồm dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu của Singapore với vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng; dự án Victory tại Hà Nam của Đài Loan với tổng vốn đầu tư 273 triệu USD cùng các dự án trang trại điện gió của Philipines….

Tùng Dương

Kỳ vọng năm 2021 sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam Kỳ vọng năm 2021 sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam
Việt Nam cần tới 133,3 tỷ USD cho các dự án điện đến năm 2030 Việt Nam cần tới 133,3 tỷ USD cho các dự án điện đến năm 2030
Những tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài Những tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài "chảy" vào Việt Nam
Giải ngân vốn đầu tư công: Kiểm toán sớm để phát hiện rủi ro Giải ngân vốn đầu tư công: Kiểm toán sớm để phát hiện rủi ro