Kỳ vọng năm 2021 sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông qua một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam.
![]() |
9 tháng có hơn 1.900 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư |
Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hóa việc dịch chuyển của mình, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia tới Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, điều này có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước.
Thực tế trong 9 tháng qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tình hình thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam vẫn có những kết quả khả quan. Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 9 tháng vừa qua đã có hơn 1.900 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số vốn đầu tư.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,9 tỉ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nếu xét theo số lượng dự án mới, Hàn Quốc đứng thứ nhất với 499 dự án, Trung Quốc thứ hai với 271 dự án, Nhật Bản thứ ba với 209 dự án, Singapore thứ tư với 173 dự án.
Đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố; trong đó, tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore) có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 3,25 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư; Hà Nội đứng thứ ba với 2,92 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng...
Với những thuận lợi đến từ yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng cao, tiền tệ ổn định, nhân lực dồi dào… cùng với những kết quả đạt được trong hoạt động thu hút dòng vốn nước ngoài thời gian qua cho thấy, Việt Nam có những lợi thế nhất định để sẵn sàng đón sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại. Đặc biệt, với tình hình kiểm soát dịch bệnh đang rất khả quan như hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ "nhắm" đến Việt Nam nhiều hơn.
Đức Minh
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4