Nhiều khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng được giảm 50%

17:37 | 03/07/2025

13 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 64/2025/TT-BTC ngày 30/6/2025, quy định giảm 50% mức thu của nhiều khoản phí, lệ phí thuộc các lĩnh vực xây dựng, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy và một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động cấp phép, thẩm định hạ tầng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026 và áp dụng đối với cả các trường hợp nộp hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến. Sau thời gian này, các mức thu sẽ quay trở lại theo quy định tại các Thông tư gốc hoặc các văn bản thay thế, sửa đổi liên quan.

Trong số hơn 40 loại phí, lệ phí được giảm, đáng chú ý có nhiều khoản trực tiếp liên quan đến hoạt động xây dựng và các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu.

Nhiều khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng được giảm 50%
Ảnh minh họa.

Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không, hàng loạt loại phí được điều chỉnh giảm một nửa so với quy định hiện hành. Bao gồm: phí thẩm định để cấp Chứng chỉ, Giấy phép, Giấy chứng nhận trong lĩnh vực hàng không dân dụng; phí cấp Giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay; lệ phí ra, vào cảng hàng không đối với chuyến bay của nước ngoài đến Việt Nam; phí hải quan đối với các chuyến bay nước ngoài; và phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay. Các mức giảm này được căn cứ theo các Thông tư đã ban hành từ năm 2016 như Thông tư 193, 194 và 247 của Bộ Tài chính.

Ở lĩnh vực đường thủy, phí trình báo đường thủy nội địa cũng được giảm 50%. Đây là loại phí có tính định kỳ đối với các doanh nghiệp hoạt động vận tải đường sông, nên việc giảm phí được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực chi phí vận hành và kích thích vận chuyển nội địa bằng đường thủy.

Liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, một khâu không thể thiếu trong quy trình cấp phép xây dựng Bộ Tài chính cũng quyết định giảm 50% phí thẩm định, phê duyệt thiết kế PCCC và phí kiểm định phương tiện PCCC. Các mức thu mới áp dụng theo Thông tư số 258/2016/TT-BTC và Thông tư số 02/2021/TT-BTC.

Trong lĩnh vực đường sắt, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cũng giảm một nửa so với mức thu tại Thông tư số 295/2016/TT-BTC. Đối với đường bộ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cũng được giảm 50%, áp dụng theo Thông tư số 36/2022/TT-BTC.

Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng, một trong những lĩnh vực thường xuyên phải tiếp cận các dịch vụ công có thu phí, Bộ Tài chính đã quyết định giảm 50% lệ phí cấp chứng nhận năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức và chứng chỉ hành nghề xây dựng cho cá nhân. Đây là nội dung quan trọng giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp xây dựng, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát…

Không chỉ vậy, các khoản phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng và thẩm định dự án đầu tư xây dựng – vốn là những khâu bắt buộc trong các quy trình triển khai dự án – cũng được giảm 50% theo Thông tư 27 và 28/2023/TT-BTC. Việc cắt giảm này không chỉ giúp tiết giảm chi phí hành chính mà còn góp phần thúc đẩy tiến độ chuẩn bị đầu tư, tạo thuận lợi cho các dự án khởi công đúng hạn trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Việc giảm đồng loạt các khoản thu này nằm trong chủ trương chung của Chính phủ về việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao và áp lực tài chính lớn sau dịch COVID-19. Bộ Tài chính kỳ vọng với chính sách điều chỉnh mang tính chủ động và thiết thực này, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất, tái đầu tư và tăng sức cạnh tranh.

Cũng theo quy định tại Thông tư 64, kể từ ngày 1/1/2027 trở đi, các khoản phí, lệ phí nêu trên sẽ được thực hiện lại theo mức thu quy định tại các Thông tư gốc hoặc các Thông tư sửa đổi, bổ sung, thay thế tương ứng.

Đây được xem là một trong những bước đi quan trọng của cơ quan quản lý tài chính trong việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật và thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, ổn định. Trong bối cảnh cần phục hồi và phát triển hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia, việc giảm chi phí đầu vào cho khâu cấp phép, thẩm định sẽ góp phần rút ngắn quy trình, tạo động lực thúc đẩy các dự án sớm đi vào triển khai.

Đình Khương

  • bidv-14-4