Giải ngân vốn đầu tư công: Kiểm toán sớm để phát hiện rủi ro

10:44 | 23/09/2020

373 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ông Nguyễn Văn Thùy - Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng, Kiểm toán Nhà nước nên kiểm toán trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công, thậm chí ngay sau khi hồ sơ thiết kế được hoàn thành, chứ không chỉ kiểm toán sau khi hoàn thành dự án nhằm sớm phát hiện rủi ro.

Vẫn còn quá nhiều vướng mắc

Số liệu của Bộ Tài Chính cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020 mới đạt 221.768 tỷ đồng, bằng 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch. Số vốn giải ngân tuy tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân vẫn thấp so với kỳ vọng.

1259-giao-thong
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp so với kỳ vọng

Hiện có một số địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao. Trong 8 tháng năm 2020, tỉnh Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm đầu các tỉ̉nh, thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao; tính đến ngày 31/8/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 66,4% kế hoạch vốn được giao, xếp thứ 11/63 tỉ̉nh thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân.

Tỉnh Nghệ An cũng là số ít tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã thành lập những tổ công tác đặc biệt, phân công chỉ đạo các dự án trọng điểm cho từng Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngoài các nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch, tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” vừa mới được tổ chức, nhiều đại biểu tham dự đã chỉ rõ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn do nhiều yếu tố chủ quan. Thể hiện rõ nhất là những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

Cụ thể như chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm… Một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.

Giải thích nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho hay, giải ngân chỉ là bước cuối cùng của đầu tư công bởi trước đó còn nhiều công đoạn với các quy trình, thủ tục rất phức tạp. Ngay bước đầu tiên, xác định chủ trương đầu tư cũng phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Rồi sang bước hai, quyết định đầu tư với nhiều công đoạn như thiết kế, dự toán cụ thể chi tiết, đánh giá tác động môi trường… cũng phải mất thêm 6-12 tháng. Đó là chưa kể khâu giải phóng mặt bằng ách tắc cùng với nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh khác cũng có thể kéo dài thêm vài năm.

“Các bước như vậy không làm sớm thì câu chuyện giải ngân là một vấn đề lớn. Chậm giải ngân vốn đầu tư công chính là chúng ta có tiền rồi, nhưng vì các công đoạn của dự án chưa đảm bảo, nên tiền không thể chui ra khỏi kế hoạch, không thể chui ra khỏi kho bạc được”, ông Phương nói.

Cũng nêu lên quan điểm về những rào cản khiến việc giải ngân chậm trễ, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, Luật Đầu tư công mới có tiến bộ khi tách phần chuẩn bị đầu tư và tách phần giải phóng mặt bằng riêng đối với dự án nhóm A. Nhưng dự án nhóm B và C lại không được tách, nên gây nhiều khó khăn cho việc phân bổ nguồn vốn. Nút thắt này cần phải sớm được điều chỉnh. Cùng với đó, cơ chế giao lập điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng thiếu linh hoạt, gây khó khăn cho các địa phương, các ngành; đơn giá định mức đặc thù cũng chưa được ban hành phù hợp, dẫn đến không được phê duyệt, quyết toán như trường hợp dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Nên kiểm toán sớm dự án đầu tư công

Phát biểu tại hội thảo, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ cho biết, qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều tồn tại hạn chế trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư; công tác phân bổ kế hoạch vốn; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác lựa chọn nhà thầu dẫn đễn chậm tiến độ thực hiện; việc tổ chức thực hiện dự án đầu tư… làm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

1330-no-xau-tang-sau-kiem-toan-ngan-hang-noi-gi1599194727
Thúc đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công trở nên cấp bách hơn bao giờ hết

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cũng kiến nghị ưu tiên kiểm toán một số chuyên đề phạm vi rộng và các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng, quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về quản lý thu ngân sách, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường công khai kết quả kiểm toán những lĩnh vực, vấn đề, dự án được xã hội quan tâm, các công trình bị thất thoát, lãng phí. Ngoài kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, Kiểm toán Nhà nước nên chuyển trọng tâm sang kiểm toán hoạt động; tăng cường kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư.

Để giải quyết tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Hoàng Phú Thọ đề xuất, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu kiến nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị được kiểm toán trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, thu thập thông tin để xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu, từ đó áp dụng các phương pháp kiểm toán và bố trí lực lượng kiểm toán thích hợp; nghiên cứu cách thức, giải pháp phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn quy trình và thời gian kiểm toán tại các địa phương. Nghiên cứu cơ chế phối hợp để Kiểm toán Nhà nước tham gia cùng với các địa phương trong công tác xây dựng hoàn thiện cơ chế, quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương; Tăng cường mở các lớp tập huấn về công tác quản lý ngân sách địa phương, giúp các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý vốn, ngân sách Nhà nước cũng như giải ngân vốn đầu tư công…

Cùng quan điểm tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước, ông Nguyễn Văn Thùy (Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng, Kiểm toán Nhà nước nên kiểm toán trong quá trình thực hiện dự án, thậm chí ngay sau khi hồ sơ thiết kế được hoàn thành, chứ không chỉ kiểm toán sau khi hoàn thành dự án nhằm sớm phát hiện rủi ro.

Đầu tư công chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng mức đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế. Từ đầu năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và nước ta nói riêng chịu tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19. Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Mặc dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, số vốn đầu tư công giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân sáu tháng đầu năm 2020 vẫn thấp so với yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công. Bởi vậy, việc thúc đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Điều này càng được thể hiện rõ trong tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 được tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công.

“Tinh thần hội nghị là rất thẳng thắn, chân tình chứ không phải xuê xoa, dễ dãi, tinh thần là phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương mà nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn. Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Minh Lê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc