Đổi mới việc tiếp xúc cử tri

09:00 | 15/08/2016

352 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã có một thời người ta bố trí các công dân có uy tín ở xã, phường vào trong danh sách cử tri thường xuyên tham dự và chốt luôn một số cử tri được yêu cầu phát biểu trong các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Đây có thể là một cán bộ, nhà giáo hưu trí hoặc một cựu chiến binh mà trên ngực áo kín đặc huân, huy chương… Cử tri đặc biệt có thể là một cán bộ phụ nữ phường thạo đường ăn nói, nhưng cũng có thể là doanh nhân thành đạt trên địa bàn… Những cử tri đặc biệt này được đề nghị phát biểu với ĐBQH một vài ý kiến cụ thể chuẩn bị sẵn để có thể dựa vào đó để nói hoặc đọc trong buổi tiếp xúc.

doi moi viec tiep xuc cu tri

Một nhiệm kỳ là 5 năm có đến 10 lần tiếp xúc cử tri nên ĐBQH và công dân thành quen biết đến nỗi các vị lãnh đạo biết khá đầy đủ về “thân thế sự nghiệp” của các cử tri đặc biệt này. Cánh phóng viên nội chính chúng tôi nhiều lần được chứng kiến màn chào hỏi thân thiết giữa lãnh đạo và cử tri khiến nhiều người ngỡ họ vốn là cán bộ cùng cơ quan. Do bố trí trước ai nói, nói vấn đề gì… khá cụ thể nên nhiều lần chúng tôi còn xin được văn bản ý kiến đại biểu cử tri “chuyên trách” này.

Do được thực hiện như một thủ tục theo luật định nên khá nhiều cuộc tiếp xúc khô cứng, hình thức, không hấp dẫn. Những vấn đề mà các vị lãnh đạo trong vai ĐBQH muốn nghe đều không có cử tri nào đề xuất kiến nghị và ngược lại ĐBQH cũng chỉ thông báo vắn tắt những điều báo đài đã nói về kỳ họp. Các công dân được phân công phát biểu đều nặng về hoan nghênh, tin tưởng, còn nếu có kiến nghị thì cũng chung chung hoặc giống như ý kiến của ĐBQH tại nghị trường. Vì vậy, các cuộc tiếp xúc ĐBQH với các cử tri theo “quy trình” đều ít kết quả thiết thực.

Buổi tiếp xúc cử tri của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn ĐBQH TP Hải Phòng mới đây cũng được thực hiện theo quy trình bài bản khi cử tri cuối cùng trong danh sách đã phát biểu, có thể theo lớp lang dự kiến. Tuy nhiên, có bất ngờ khiến khán phòng nóng lên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại muốn nghe thêm tiếng nói của người dân về những bức xúc từ cuộc sống.

Được lời như cởi tấm lòng, cử tri Nguyễn Trọng Lô lên tiếng: “Về công tác cán bộ, Thủ tướng đã nói chúng ta phải tìm người tài chứ không phải tìm người nhà. Nhưng TP Hải Phòng cũng có hiện tượng tìm người nhà mà không tìm người tài. Rất nhiều người nhà chứ không phải là người giỏi. Tôi có thể kể ra hàng loạt…”. Tiếp tục đề tài chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Trọng Lô cho rằng, tại thành phố quê ông có nhiều cán bộ lương không cao, thậm chí không bằng lương ông nhưng họ lại rất giàu nên chắc chắn là họ có tham nhũng.

Một cử tri khác đề nghị Thủ tướng đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu công khai các bản kê khai tài sản của các cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý để người dân biết và giám sát.

Đây là những ý kiến ngoài dự kiến theo chương trình của buổi tiếp xúc. Thế nhưng, nhờ phá lệ mà Thủ tướng cũng như cử tri Hải Phòng mới nghe được ở thành phố Cảng cũng có tình trạng chọn người nhà, không chọn người tài và thành phố Cảng cũng có cán bộ, công chức tham nhũng cần làm rõ và xử lý.

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng nói ông rất thấm thía những góp ý về công tác cán bộ, chống tham nhũng. Thủ tướng cho rằng, để có bộ máy đủ sức đưa đất nước đi lên thì phải chọn lựa được cán bộ giỏi. Do vậy, dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng với tinh thần cầu hiền. Tìm người tài chứ không phải tìm người nhà!

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ nhiệm kỳ này quyết tâm xây dựng bộ máy liêm chính, tức là bộ máy không tham nhũng. Liêm chính cũng là phải làm hài lòng người dân, phục vụ nhân dân, chứ không phải là nhũng nhiễu nhân dân, đồng thời cam kết thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, đề cao đạo đức của cán bộ, công chức. Đặc biệt là phải kiểm tra, giám sát thường xuyên đội ngũ cán bộ, công chức.

Dư luận đánh giá cao cuộc tiếp xúc cử tri của Thủ tướng và các ĐBQH Hải Phòng đạt kết quả tốt đẹp. Việc để cử tri được nói và Thủ tướng muốn nghe thêm đã đáp ứng lòng dân, ý Đảng.

Cũng trong không khí đổi mới các hoạt động của ĐBQH, buổi tiếp xúc cử tri của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh và các ĐBQH Đà Nẵng đã có một diễn biến mới, động thái tích cực. Lắng nghe những phản ánh của cử tri tại huyện Hòa Vang về ô nhiễm môi trường, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thẳng thắn đề nghị, ngay sau buổi tiếp xúc này, các vị đại biểu trong Đoàn ĐBQH sẽ cùng với Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang về ngay bãi khai thác đất, đá ở thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn) nơi đang là “thủ phạm” gây ô nhiễm kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của bà con trong xã.

Tại đây, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh và các ĐBQH cùng lãnh đạo huyện đã xác nhận thực trạng đường sá dẫn vào các bãi khai thác bị xe trọng tải lớn phá hỏng nghiêm trọng. Sau khi nghe báo cáo nhanh của lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang về tình trạng ô nhiễm môi trường do các xe chở đất, đá gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Phải khai thác thì mới có vật liệu để phát triển, nhưng làm thế nào để hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống của nhân dân. Đề nghị chính quyền địa phương phải thường xuyên tưới nước mặt đường để khắc phục nhanh tình trạng bụi bặm ở các mỏ khai thác đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Cử tri huyện Hòa Vang rất hài lòng về buổi tiếp xúc giữa các ĐBQH với cử tri trong huyện. Nhờ lắng nghe và thực sự quan tâm các kiến nghị của nhân dân, đồng chí Đinh Thế Huynh đã tạo “cú hích” đối với chính quyền huyện Hòa Vang trong công tác bảo đảm an toàn môi trường…

Điểm qua hai cuộc tiếp xúc cử tri có đổi mới này, chúng ta nhận thấy các cơ quan của Quốc hội và địa phương cần đổi mới phương thức tiến hành công việc quan trọng theo luật định này sao cho thiết thực và ý nghĩa, tránh hình thức không hiệu quả!

Thọ Vinh

Năng lượng Mới 548