Điều hành giá điện - 2 mục tiêu lớn

12:45 | 31/05/2019

365 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Điều hành giá điện phải bảo đảm kiểm soát lạm phát và có mức giá hợp lý để kêu gọi đầu tư vào ngành điện - đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 30-5.
Điều hành giá điện - 2 mục tiêu lớn
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Quốc hội ngày 30/5.

An ninh an toàn điện là một yếu tố trọng yếu của nền kinh tế. Để tăng trưởng 1% GDP thì điện phải tăng tối thiểu 1,5%. Trong 3 năm qua, mức tăng trưởng bình quân về điện là 10,15%/năm. Trên cơ sở kịch bản GDP năm 2019 tăng 6,8%, điện phải tăng trưởng ít nhất 11,23%.

Theo quy định tại Luật Điện lực và Luật Giá, điện là mặt hàng vận hành theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước. Khung giá, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trên cơ sở rà soát tổng cơ cấu nguồn điện và các yếu tố đầu vào dự kiến tăng 20.032 tỉ đồng, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất 3 kịch bản tăng giá điện gồm: 7,31%; 8,36% và 9,26% để bù đắp chi phí đầu vào của ngành điện.

Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Chính phủ quyết định chọn phương án điều chỉnh giá điện tăng 8,36%.

Lý do tăng giá điện vào tháng 3 là: CPI thường giảm trong tháng 3 sau khi tăng mạnh trong 2 tháng trước đó. Trên thực tế, trong 10 lần điều chỉnh giá điện, đã có 4 lần điều chỉnh trong tháng 3. Nếu điều chỉnh muộn hơn, giữa năm hoặc sau tháng 7, tỉ lệ tăng giá điện sẽ phải cao hơn, để bù đắp các chi phí đầu vào đã tăng trên 20.000 tỉ đồng.

Về nguyên nhân hóa đơn tiền điện của khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng cao, theo báo cáo của Bộ Công Thương trên cơ sở kết quả kiểm ra của các đoàn kiểm tra liên ngành, có 3 nguyên nhân chính: Do điều chỉnh giá từ ngày 20-3-2019; kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 4 dài hơn tháng liền kề trước đó 3 ngày; nhu cầu dùng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, không có sai phạm trong cách tính và thu tiền điện của EVN.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN tiếp tục tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất điện năng, minh bạch các yếu tố chi phí đầu vào.

Năm 2017, EVN đã tiết kiệm được 2.228 tỉ đồng; năm 2018 tiết kiệm khoảng 2.326 tỉ đồng. Tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2018 cũng giảm còn 6,83%, vượt trước 1 năm so với kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trên cơ sở ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN sớm nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung biểu giá điện hiện hành cho hợp lý, vừa bảo vệ người có thu nhập thấp, vừa phù hợp hơn với nhu cầu, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN cần làm tốt hơn công tác truyền thông, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp với sự điều hành của Chính phủ.

Chính phủ cũng sẽ sớm công bố kết quả thanh tra giá điện và xử lý nghiêm sai phạm, nếu có.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất 3 kịch bản tăng giá điện gồm: 7,31%; 8,36% và 9,26% để bù đắp chi phí đầu vào của ngành điện. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Chính phủ quyết định chọn phương án điều chỉnh giá điện tăng 8,36%.

Thùy Lê (lược ghi)

EVN trao đổi thông tin với báo chí về tình hình cung ứng điện năm 2019
Năm 2017 đã kiểm toán giá điện nhưng không phát hiện sai phạm
ĐBQH Dương Quang Thành: “Bậc thang đại biểu đưa ra tính toán không đúng”
Phó thủ tướng: "Giá điện không gánh chi phí đầu tư ngoài ngành thua lỗ"