Điều gì khiến Mỹ bất ngờ trong vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên?

09:39 | 17/09/2021

77 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đã đến Tokyo để thảo luận về tình hình khu vực, vốn trở nên tồi tệ hơn đáng kể sau khi Triều Tiên thử nghiệm một tên lửa hành trình mới. Vụ phóng do Bình Nhưỡng tổ chức này đã khiến Mỹ và các đồng minh bất ngờ.
Điều gì khiến Mỹ bất ngờ trong vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên?
Triều Tiên phóng tên lửa từ một đoàn tàu hỏa vào ngày 15/9/2021 tại một địa điểm không được tiết lộ

Việc Triều Tiên làm chủ công nghệ quân sự mới, trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bế tắc, có thể thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và thúc đẩy các quốc gia láng giềng phát triển vũ khí cùng đẳng cấp. Điều này sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với quy định không phổ biến công nghệ đạn đạo.

Đây là chuyến thăm lần thứ hai trong vài tuần của người giám sát chính sách của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên tới khu vực châu Á. Tháng trước, ông Sung Kim, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Triều Tiên, đã đến thăm Seoul để thảo luận về các cách tiếp cận mới nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong cuộc hội đàm tại thủ đô Nhật Bản, ông Sung Kim "tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và giải quyết càng sớm càng tốt vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc bởi các lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên”.

Đồng thời, chuyến thăm Tokyo là một sứ mệnh mới của Sung Kim, đảm nhận một nhiệm vụ rất khó khăn là thay đổi chính sách của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Chuyến đi này vượt ra ngoài một chuyến thăm thông thường trong bối cảnh các sự kiện gần đây trong khu vực, vốn đã trở thành một cái gai mới đối với Washington, Seoul và Tokyo. Cuộc đàm phán ba bên giữa ông Sung Kim, Vụ trưởng Vụ Châu Á và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Takeshiro Funakoshi, và đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, Noh Kyu-duk, đã được diễn ra trước đó.

Hãng thông tấn KCNA đưa tin: Vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày 15/9 được tiến hành từ một đơn vị tên lửa đường sắt và tên lửa được bắn lên từ một đoàn tàu hỏa. KCNA còn nói rõ Triều Tiên đã bắn trúng mục tiêu trên vùng biển phía Đông. Trên các ảnh do hãng tin Triều Tiên phổ biến cũng cho thấy các tên lửa đã được phóng đi từ một đoàn tàu lửa chứ không phải trên một bệ phóng riêng. Những vụ bắn thử được thực hiện để khẳng định tính linh hoạt dễ điều khiển của hệ thống tên lửa đường sắt được đưa vào hoạt động lần đầu tiên. Vụ thử cũng nhằm đánh giá tình hình sẵn sàng chiến đấu để có thể làm chủ tình hình trong trường hợp có chiến tranh, truyền thông Triều Tiên bình luận.

KCNA còn cho biết thêm, vụ bắn thử tên lửa này do ông Park Jong Chon, Ủy viên Bộ Chính trị đảng Lao động chỉ đạo cùng các sĩ quan cao cấp. Lãnh đạo Kim Jong Un không tham dự vào vụ bắn thử. Ông Park cho biết việc triển khai hệ thống tên lửa đường sắt, theo chủ trương hiện đại hóa quân đội đề ra trong Đại Hội Đảng lần thứ 8, mang ý nghĩa lớn để nâng cao khả năng răn đe chiến tranh của đất nước. Theo KCNA, "các tên lửa hành trình tầm xa đã bay qua lãnh thổ và lãnh hải của Triều Tiên trong 7.580 giây và đến mục tiêu ở cự ly 1.500 km". Hãng tin còn cho biết "các cuộc thử nghiệm các bộ phận của tên lửa, động cơ, điều khiển và hệ thống dẫn đường, sức mạnh đầu đạn đã thành công”. KCNA còn chỉ ra rằng việc chế tạo một "vũ khí chiến lược có tầm quan trọng quan trọng đã được thực hiện trong 2 năm".

Trước vụ thử tên lửa hành trình tầm xa mới này, ngày 9/9, Bình Nhưỡng đã tổ chức một cuộc duyệt binh để kỷ niệm quốc khánh lần thứ 73 của Triều Tiên. Không giống như những màn thể hiện sức mạnh quân sự trước đây, cuộc duyệt binh chỉ kéo dài gần 1 giờ. Không có mẫu vũ khí mới nào được trình làng, trong khi các đơn vị quân chính quy của quân đội Triều Tiên được thay thế bằng các công nhân và nông dân. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần này cũng không có bài phát biểu nào. Tuy nhiên, vụ thử tên lửa sau sự kiện trên khẳng định việc Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện các bước đi khiến Washington và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bất ngờ.

Nhớ lại rằng trước đó, các vụ thử tên lửa đạn đạo cuối cùng được Triều Tiên tổ chức vào cuối tháng 3, với việc phóng 2 tên lửa hành trình tầm ngắn về phía Hoàng Hải và 2 tên lửa về phía biển Nhật Bản. Tuyên bố của các nhà chức trách Nhật Bản hôm thứ Hai cho thấy rõ họ không rõ đợt này Triều Tiên phóng thử loại tên lửa gì. Như cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản Toshimichi Nagaiwa đã nói, "không giống như tên lửa đạn đạo, có rất ít thông tin về tên lửa hành trình của Triều Tiên, điều này gây khó khăn cho việc đánh giá". Tuy nhiên, nếu tên lửa mới của Triều Tiên có khả năng tiêu diệt mục tiêu cách xa 1.500 km và bay ở độ cao rất thấp, thì khả năng nó vẫn có thể đến được Tokyo và nằm ngoài tầm với của các hệ thống phòng không.

Tuyên bố từ Bộ Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ấn Độ - Thái Bình Dương lưu ý rằng các vụ thử mới của Triều Tiên chứng tỏ Bình Nhưỡng tập trung phát triển chương trình quân sự và về "các mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Triều Tiên và cộng đồng quốc tế". "Chúng tôi đang tiếp tục tăng cường các biện pháp để chống lại các mối đe dọa trên không, năng lực phòng thủ và phòng không", Bộ Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ấn Độ - Thái Bình Dương cho biết.

Về phần mình, Seoul cho rằng quốc tế đang không có cơ chế gây sức ép với Bình Nhưỡng nhằm ngăn cản các chương trình chế tạo tên lửa hành trình mới. Nên biết rằng các vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. "Hội đồng Bảo an đã không đưa ra bất kỳ hạn chế nào đối với việc Triều Tiên phát triển hoặc thử nghiệm tên lửa hành trình, loại tên lửa có nguy cơ thấp hơn tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đặc biệt là đi qua đại dương", một nguồn tin quân sự ở Seoul cho biết.

Các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên đã được thắt chặt vào tháng 8/2017, khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra quyết định hạn chế thêm đối với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong 14, theo đó cấm Triều Tiên xuất khẩu các loại khoáng sản, sắt, chì và hải sản. Sau đó, vào ngày 11/9/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng vì một vụ thử hạt nhân mới được tiến hành vào ngày 3/9/2017. Tuy nhiên, không giống như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình của Triều Tiên không phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế.

Việc Triều Tiên thử tên lửa hành trình mới đánh dấu một bước quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh quân sự của nước này. Việc làm chủ công nghệ này có khả năng thay đổi cán cân quyền lực trên bán đảo Triều Tiên, tạo ra những rủi ro lớn mới cho quy chế không phổ biến công nghệ tên lửa đạn đạo.

Hàn Quốc: Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật BảnHàn Quốc: Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật Bản
Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa mới sau duyệt binhTriều Tiên bất ngờ phóng tên lửa mới sau duyệt binh
Tập trận chung Mỹ - Hàn vẫn diễn ra bất chấp cảnh báo từ Triều TiênTập trận chung Mỹ - Hàn vẫn diễn ra bất chấp cảnh báo từ Triều Tiên

H.Phan

AFP