Di dời hàng vạn dân khỏi nơi nguy hiểm trước khi bão đổ bộ

12:44 | 28/10/2012

714 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo dự báo, chiều nay (28/10), bão số 8 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Thái Bình. Các địa phương đang triển khai gấp rút các biện pháp ứng phó với bão.

>> Bão Sơn Tinh đang tiến gần bờ biển miền Trung

Thanh Hóa: Di dời 12 vạn dân khỏi vùng nguy hiểm

Ngay từ tối ngày 27/10, Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã triệu tập cuộc họp để triển khai công việc phòng tránh hậu quả của bão số 8, bàn phương án di dân trong đêm. Theo đó, phương án thống nhất là di dời gần 12 vạn dân đang sinh sống trong phạm vi cách mép nước ven biển 200 m của các huyện, thị như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia đến các công trình kiên cố.

Ngay sau cuộc họp kết thúc, các ngành các cấp cũng như các địa phương triển khai ngay việc việc tuyên truyền cho nhân dân và chuẩn di dời dân. Theo đó, ngay sau khi có lệnh của UBND tỉnh Thanh Hóa, các lực lượng chức năng và chính quyền các xã tiến hành vận động bà con chấp hành nghiêm chủ trương di dân.

Di dân khỏi vùng mép nước.

Công tác di dân sẽ ưu tiên các đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ đi trước để đảm bảo an toàn. Đối với 7 tàu cá của ngư dân do hỏng hóc, gẫy bánh lái... vẫn còn neo đậu ven biển sẽ được cho đánh chìm, sau bão sẽ cho trục vớt, kiên quyết đưa người trên tàu vào bờ. Ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phân công cụ thể từng thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách từng địa phương, về các xã ngay trong đêm để kịp thời chỉ đạo.

Ông Nguyễn Văn Ấp, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Số lượng dân phải di dời rất lớn nên huyện đang ưu tiên đưa người già, trẻ em đi trước, những thanh niên sẽ thu dọn, dọn dẹp gia cố nhà cửa và sẽ rút sau. Những người dân nào không chịu di dời sẽ được các lực lượng chức năng cưỡng chế đưa vào sâu trong đất liền. Bảo đảm trong sáng nay, Hậu Lộc sẽ hoàn thành công tác di dời”

Các ngành chức năng, các cấp chính quyền và từng thành viên đã được giao chỉ đạo phải chú trọng các biện pháp an toàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chết người do bão.

Đồng thời, chỉ đạo Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai ngay lực lượng, bố trí 10 chiến sỹ công an, 10 chiến sỹ bộ đội về ngay mỗi xã để giúp người dân di dời đến nơi an toàn theo lệnh

Nam Định: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi

Trước khi bão đổ bộ, hơn 2.000 tàu thuyền của tỉnh Nam Định đã đi vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh Nam Định cũng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi khi bão số 8 đang có diễn biến phức tạp. Hiện hơn 8.000ha lúa mùa, lúa đặc sản còn lại trên địa bàn tỉnh cũng đang được đôn đốc thu hoạch với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”.

Giúp ngư dân đưa tàu xuồng vào bờ tránh bão.

Để gia cố thêm các điểm đê xung yếu, công trình đang thi công như đê Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) lực lượng chức năng đã chuyển bạt chống sóng, rọ thép, huy động nhân lực ứng trực tại chỗ...

Người dân cũng tổ chức chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn tình mạng và tài sản.

Ông Đỗ Văn Khánh - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết: Đối với những vùng sơ tán dân, dân cư tập trung ở khu vực cửa sông, ven biển, nằm ở phía ngoài đê chính sẽ hoàn thành muộn nhất vào 9h ngày 28/10. Công tác di dời đang được triển khai khẩn trương để đảm bảo an toàn. Đối với các công trình đang thi công trên các tuyến đê biển cũng đã triển khai theo phương châm an toàn về người, về thiết bị và an toàn về công trình.

Thái Bình: Hơn 12.000 ha lúa mùa vẫn chưa thu hoạch

Trong buổi họp khẩn chiều qua (27/10) của Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Thái Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Sinh đã có Công điện khẩn chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo và triển khai các kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời đối phó với Bão số 8. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu, BCH phòng chống lụt bão các cấp phải khẩn trương thực hiện nghiêm túc Công điện số 11 hồi 14h ngày 27/10 của BCH phòng chống bão lụt tỉnh.

Thái Bình hiện có 1.287 tàu thuyền, với 3022 lao động. Đến chiều nay (27/10), các phương tiện này đều đã liên lạc được với các đồn biên phòng. Toàn tỉnh còn hơn 12.000 ha lúa mùa vẫn chưa thu hoạch, gần 30.000 ha cây rau màu vụ đông đã trồng.

Đóng bao cát để gia cố những đoạn đê xung yếu.

Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ chiều ngày 27/10. Bố trí sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập và gây vỡ chìm tàu. Kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền nơi neo đậu. 

Các địa phương đang tích cực triển khai phương án bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; kiểm tra và chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, các nhà yếu, trên các đầm chòi canh nuôi trồng thủy sản; kiên quyết không để người dân ở lại ngoài đê biển khi bão đổ bộ vào bờ. Tổ chức các lực lượng canh gác bảo đảm an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân cư. Thực hiện ngay phương án bảo vệ công trình đê kè cống xung yếu, các công trình đang thi công. Huy động nhân lực tối đa để thu hoạch lúa mùa đã chín. Đồng thời kiểm tra các trạm bơm tiêu để chủ động triển khai tiêu úng khi có mưa to.

Hải Phòng: Huy động cả xe thiết giáp tham gia phòng chống bão

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bãi – Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) Thành phố, đến 16h ngày 27/10, toàn thành phố đã tổ chức thu hoạch được 33.433 ha lúa/tổng diện tích gieo cấy 40.679 ha, đạt 82,2%. Các địa phương đang gấp rút thu hoạch diện tích lúa còn lại.

Hiện các ngành, địa phương đã huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia PCLB&TKCN, với nhân lực gần 30.000 người, 336 xe ôtô các loại, 152 tàu và xuồng cao tốc, 04 xe thiết giáp.

Cũng theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến 14h30 ngày 26/10/2012: các lực lượng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho trên 4.400 phương tiện, lồng bè, chòi canh với 14.465 lao động đang hoạt động và nuôi trồng hải sản trên khu vực biển Hải Phòng. 


Nhóm PV thời sự