Đầu xuôi, đuôi có lọt?

19:00 | 20/05/2013

347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những “điểm sáng” hiếm hoi của kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm. Nhiều dự án tỉ “đô” đã được cấp phép và đi vào hoạt động tạo ra sự lạc quan về triển vọng thu hút FDI hiện nay. Tuy nhiên, sự lo lắng về việc “giữ chân” doanh nghiệp FDI lại một lần nữa xuất hiện khi những than phiền của khối doanh nghiệp (DN) ngoại về môi trường kinh doanh chậm cải thiện, thủ tục hải quan, chính sách thuế rườm rà, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển… đang ngày một tăng lên. Làm gì để giữ được các dự án tỉ “đô” ở lại và hoạt động hiệu quả là vấn đề đáng quan tâm hơn việc “hút” vào rồi để đó.

Chưa vội mừng

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 4 tháng đầu năm 2013 có thêm rất nhiều dự án FDI lớn đầu tư vào Việt Nam. Tiêu biểu như Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 2 tỉ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử; Dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center của Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định; Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,8 tỉ USD lên 9 tỉ USD…

 Ngoài ra còn rất nhiều dự án lớn đang trong giai đoạn thăm dò như Dự án Lọc hóa dầu Bình Định với quy mô 28,7 tỉ USD của nhà đầu tư Thái Lan; Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô cũng dự định nâng tổng vốn đầu tư từ 1,7 tỉ USD lên 3,6 tỉ USD vào tháng 5, tháng 6 tới.

Một dây chuyền sản xuất của Công ty Samsung Việt Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước bộn bề khó khăn, việc nhiều DN nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong “cơ có nguy”, việc “hút” được vốn đầu tư đã khó, nhưng “giữ chân” được các DN ngoại, để các dự án FDI hoạt động hiệu quả lại càng khó hơn.

Đã có không ít dự án đầu tư nước ngoài vào nước ta rồi “nằm im” chờ ngày bị “rút phép”. Nhiều trường hợp là do dự án “ảo”. Xong cũng không hiếm dự án chỉ vì vướng thủ tục hành chính, vướng khâu giải phóng mặt bằng nên không thể giải ngân, không thể hoạt động. Đơn cử như Dự án thép Tata steel tại Hà Tĩnh của nhà đầu tư Ấn Độ với số vốn lên tới 5 tỉ USD, nhưng đã 6 năm (từ 2007) đến nay chính quyền địa phương và nhà đầu tư vẫn chưa đạt được thỏa thuận trong việc bỏ ra chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư…

“Đừng vội vui mừng khi nhìn vào các dự án FDI tỉ USD đăng ký vào Việt Nam. Điều đó chưa thể chứng tỏ được rằng môi trường đầu tư Việt Nam đã thực sự hấp dẫn, các nhà đầu tư nước ngoài đã hoàn toàn tin tưởng, hài lòng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam” - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo.

Thực tế lâu nay, các vấn đề về bất ổn kinh tế vĩ mô, chất lượng nguồn lao động thấp, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thủ tục hành chính chậm được cải thiện, chậm giải phóng mặt bằng… vẫn được các nhà đầu tư quốc tế nói đến như một “thủ phạm” làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các chuyên gia cũng liên tục đưa ra các cảnh báo, nếu không sớm khắc phục những vấn đề trên, Việt Nam sẽ khó thu hút được FDI chứ chưa nói đến giữ chân nhà đầu tự ngoại ở lại.

Còn nhiều bất cập

Nhìn lại 25 năm mở cửa đón đầu tư nước ngoài, đến nay Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như BP, Total, Toyota, Canon, Samsung, Intel, Unilever… với những sản phẩm chất lượng quốc tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá, sự phát triển của các DN FDI đã tạo động lực cạnh tranh cho các DN trong nước nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Dòng vốn FDI cũng đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ quá trình cải cách doanh ghiệp Nhà nước, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường…

Tuy nhiên, đứng ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, thời điểm này, thay vì thái độ lạc quan, tin tưởng vào sự đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam vài năm trước, nhiều DN tỏ ra bi quan về thị trường trong nước. Các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển… vẫn là các “điểm nghẽn” khiến DN đau đầu.

Mới đây, phát biểu tại buổi tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI do Bộ Công Thương tổ chức, Tổng giám đốc Canon Việt Nam, ông Soma Katsu Yoshi cho biết, mặc dù Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 105/2011/TT-BTC, theo đó những DN ưu tiên sẽ được miễn kiểm tra trực tiếp hàng hóa, thực hiện hải quan điện tử 24/24 giờ suốt các ngày trong tuần; hoàn thuế trước, thanh khoản trước, kiểm tra sau; khai hải quan một lần để xuất nhập khẩu nhiều lần... nhưng trong thực tế, Canon vẫn phải làm rất nhiều thủ tục hải quan.

Sự rườm rà trong thủ tục hành chính cũng là một thử thách đối với nhiều nhà đầu tư khác. Đại diện Công ty LG Việt Nam kêu ca: “Chúng tôi muốn đơn giản hóa thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu nhưng cơ chế hải quan còn nhiều chỗ chưa đồng bộ”.

Bên cạnh đó, nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài dù đã được cấp phép nhưng sau khi đi vào hoạt động vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhân công và trình độ lao động chuyên nghiệp. Nếu không sớm khắc phục, đây sẽ là một “điểm nghẽn” lớn chặn dòng FDI chảy vào Việt Nam trong tương lai.

Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Samsung cho biết công ty đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nhân lực cho kế hoạch dài hơi. “Hiện chúng tôi có 33.000 công nhân đang làm việc tại công ty ở Bắc Ninh. 50% trong số đó đến từ các tỉnh khác và đa phần đang trong độ tuổi lập gia đình. Nhiều công nhân thường nghỉ việc sau khi kết hôn nên công ty luôn bị động về nhân lực”…

Trước những lo lắng của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế đang chuyển đổi, pháp luật và cơ chế chính sách dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn những điểm chưa hợp lý. “Chủ trương của chúng tôi là kiên quyết đấu tranh và loại bỏ dần những bất hợp lý này, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các DN đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bộ Công Thương cam kết luôn luôn sẵn sàng lắng nghe, trao đổi, đối thoại và cùng với các DN FDI tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các DN gặp phải trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam” - ông Quang khẳng định.

Đức Minh