Đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu: Giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng

21:03 | 24/04/2023

10,555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại tọa đàm “Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần bảo đảm nguồn cung - Những vấn đề đặt ra” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, các diễn giả đã khẳng định giải pháp căn cơ chống đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu là tăng cường đầu tư hệ thống dự trữ xăng dầu trên cả nước.
Đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu: Giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội: Hoàn thiện thể chế pháp lý

Trong thể chế pháp lý, điều cần bàn là vấn đề quy hoạch. Chúng ta đã có Luật Quy hoạch. Các lĩnh vực có quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành... đã quy định rõ trong phụ lục I và II của Luật Quy hoạch. Dự trữ xăng dầu là vấn đề chiến lược.

Nhưng rõ ràng, một vấn đề quan trọng như thế, chỉ cần buông lỏng quản lý sẽ dẫn đến hậu quả không sửa chữa được. Ví dụ, nếu đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng rồi đột ngột dừng thì toàn bộ công trình, máy móc thiết sẽ bị hư hỏng, gây lãng phí lớn liên quan đến Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chứ không chỉ đơn giản là vấn đề thực hiện hợp đồng.

Chúng ta có thể chế chính trị, pháp lý, có quy hoạch riêng về dầu khí, mỗi dự án dầu khí đều phải xin ý kiến của các bộ, ngành, Chính phủ.

Điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là chỉ đạo điều hành từ Nhà nước, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cân đối bao nhiêu. Tiền của ngân hàng thương mại là tiền của dân, nhưng vào trong tay ngân hàng, họ phải có trách nhiệm bảo toàn vốn, có lãi và phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được kinh doanh theo cảm tính. Quốc hội cũng cần xem xét lại Nghị quyết về nợ xấu, có những người lợi dụng để làm hại nền kinh tế. Trước đây, chúng tôi cũng rất ủng hộ việc thu hồi nợ xấu, nhưng chính sách tín dụng như hiện nay nếu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu: Giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng
Giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng

Đối với lĩnh vực xăng dầu, dự trữ xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại các hợp đồng tín dụng có liên quan. Cần thiết phải thanh tra, giám sát thì mới quản lý chặt chẽ, đánh giá rõ thực tế hiện trạng, tránh tình trạng “ông nói xuôi, bà nói ngược”. Cần nới lỏng chính sách tín dụng, có chính sách ưu tiên, ưu đãi, đánh giá hợp lý, không cảm tính. Cần có chính sách tín dụng riêng về lĩnh vực dự trữ xăng dầu.

Đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu: Giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Hệ lụy lớn trong phát triển kinh tế

Có thể nói, chống “đứt gãy” chuỗi cung ứng xăng dầu là hết sức quan trọng. Bộ Chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước đã có rất nhiều nghị quyết, luật, nghị định, thông tư, các quy định khác liên quan đến an toàn về dự trữ xăng dầu.

Điển hình là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Hiện nay, Nghị quyết 41 cũng đang được Ban Kinh tế Trung ương tổng kết và chắc chắn sẽ có nghị quyết mới.

Sau đó, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chúng ta đều biết rằng, Luật Dự trữ quốc gia đã có một điều khoản riêng quy định về dự trữ xăng dầu. Năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi). Trong Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng có các cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống khai thác và dự trữ xăng dầu, trong đó có 4 khâu được nhấn mạnh bao gồm: Khai thác, chế biến, dự trữ và phân phối xăng dầu.

Nói về hệ lụy của sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng xăng dầu, ông Lưu Bình Nhưỡng đã đề cập: Nếu thiếu xăng dầu, hệ lụy vô cùng lớn, ngay chỉ “đứt gãy” cục bộ cũng gây ảnh hưởng rất lớn.

Trước hết là về kinh tế, những ngành trực tiếp sử dụng xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng lớn đầu tiên, trong đó có các ngành giao thông vận tải, thủy sản, khai thác khoáng sản... Hoặc một loạt các ngành khác sử dụng các máy móc, thiết bị dùng xăng dầu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, nếu giao thông vận tải bị gián đoạn sẽ gây ra hệ lụy cho tất cả các lĩnh vực sản xuất khác, từ đó sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng GDP.

Với bối cảnh sau đại dịch Covid-19, chúng ta đặt ra mục tiêu phục hồi kinh tế rất cao. Thế nhưng, việc “đứt gãy” chuỗi cung ứng xăng dầu vừa qua cũng làm cho đà tăng trưởng chậm lại và gây ra những hệ lụy rất lớn trong phát triển kinh tế.

Dưới góc độ xã hội, chúng ta thấy rằng, khi không có sản xuất thì sẽ không có việc làm, gây ra bất ổn, niềm tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng bị lung lay. Thực tế, thời gian qua, khi nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, tại những điểm bán xăng dầu có rất nhiều phản ứng gay gắt của người dân.

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Sơn Hải: Bảo đảm mạch máu của nền kinh tế

Theo tôi, để các doanh nghiệp đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng dự trữ xăng dầu rất khó bởi cần nguồn lực tài chính rất lớn. Vì đầu tư rất lớn, không ngân hàng nào dám tài trợ vốn. Nếu doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thì phải trả lãi suất rất cao, vì giá trị mặt hàng xăng dầu rất lớn.

Do đó, theo tôi, Nhà nước nên đầu tư dự trữ hệ thống xăng dầu, nhằm bảo đảm “mạch máu” của nền kinh tế được thông suốt.

Nhà nước nên sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Có thể ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu như Nhật Bản ban hành luật dự trữ và luật giám sát chất lượng xăng dầu.

Bản thân doanh nghiệp của tôi, năm 2022 loay hoay hơn nửa năm làm kho dự trữ xăng dầu 35.000-40.000m3 với tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng, nhưng khi cân đối tài chính, cân đối dự trữ xăng dầu, vay vốn ngân hàng rất khó, các ngân hàng không chấp nhận, vì đầu vào hoàn toàn theo kinh tế thị trường nhưng đầu ra do Nhà nước hoàn toàn điều hành. Lợi nhuận kinh doanh xăng dầu rất mỏng, rất thấp, nhưng rủi ro rất cao. Mặt hàng xăng dầu nếu một vài ngày không bán được là lỗ, rất khắc nghiệt, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mấy năm nay rất khó khăn.

Theo Bộ Công Thương, 30 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng sức chứa trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa, chủ lực là Petrolimex, PVOIL và MIPECORP. Các doanh nghiệp ngoài dân doanh có tổng sức chứa khoảng 2 triệu m3, chiếm 37%.

Tùng Dương (ghi)