Dầu mỏ Afghanistan: “Khó nhai” hơn người ta tưởng

17:05 | 20/08/2012

3,054 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các công ty dầu mỏ quốc tế như Exxon đang quan tâm đến nguồn tài nguyên của Afghanistan. Tuy nhiên, với những khó khăn do chiến tranh, nạn tham nhũng và chia rẽ sắc tộc, một số công ty khác còn tỏ ra do dự đầu tư vào nước này.

 

Mỹ đổ nhiều tỉ USD vào cuộc chiến Afghanistan nhưng rồi việc đấu thầu các mỏ dầu ở đây lại không hề dễ

Chakib Khelib, cựu Bộ trưởng dầu mỏ Algeria, giải thích với hãng tin Reuters: “Exxon sẽ không đầu tư vào Afghanistan trừ khi thị trường này có nhiều tiềm năng. Nếu gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ nhòm ngó nguồn tài nguyên của Afghanistan, chính là bởi việc khai thác tại nước này dễ hơn khai thác tại Bắc Cực”. Vì vậy, tập đoàn Exxon sẽ quan tâm đến nguồn tài nguyên dầu mỏ của Afghanistan, điều đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng nói tới hồi tháng 7 vừa qua. Thách thức chính nằm ở các cuộc đấu thầu để bắt đầu giai đoạn khoan thăm dò tại bồn địa Afghanistan - Tajikistan. Khu vực phía Bắc Afghanistan này có thể chứa nhiều mỏ vàng đen có trữ lượng khổng lồ.

Trong đánh giá mới nhất, Cục thăm dò địa chất Mỹ (USGS) dự báo khu vực trên có trữ lượng 1,9 tỷ thùng. Đợt gọi thầu cho khu vực trên diễn ra đến cuối tháng 10 và kết quả sẽ được công bố vào giữa tháng 12. Công ty trúng thầu có quyền tham khảo các tài liệu từ Bộ Tài nguyên mỏ Afghanistan và USGS. Các tài liệu đánh giá các mỏ chứa hàng triệu thùng dầu nằm tại 6 lô khác nhau. Các hoạt động khai thác dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2013. Lúc này, chỉ có Bộ tài nguyên mỏ Afghanistan ra thông báo về hoạt động đấu thầu khai thác. Các ban ngành khác vẫn tỏ ra kín đáo. Đối với Chính phủ Afghanistan, triển vọng khai thác dầu mỏ là rất lớn. Bộ Kinh tế Afghanistan đánh giá dầu mỏ có thể mang lại 9,75 tỷ euro/năm cho đất nước. Đó là một nguồn thu lớn trong khi GDP của Afghanistan năm 2011 ở mức 16,4 tỷ euro và phải phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ của quốc tế.

Hiện có 8 công ty đang cạnh tranh đấu thầu các mỏ tại bồn địa Afghanistan - Tajikistan. Ngoài Exxon còn có 7 công ty nhỏ hơn gồm: Dragon Oil (Arập Xêút), Kuwait Energy (Koweit), ONGC Videsh (Ấn Độ), Petra Energia (Brazil), Pakistan Petroleum (Pakistan), PTT (Thái Lan), TPAO (Thổ Nhĩ Kỳ).

Ông Chakib Khelib đánh giá sự hiện diện của một công ty như Exxon sẽ là một cam kết trấn an các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Tướng Ricky Waddell, phụ trách ủy ban chống tham nhũng của NATO, đánh giá: “Exxon là một công ty lớn. Sự hiện diện của công ty này đồng nghĩa nói không với tham nhũng”.

Người Mỹ và đồng minh hiểu rõ tầm quan trọng của Afghanistan và an ninh của nước này phụ thuộc vào khả năng của các đối tác quốc tế. Washington cùng với các đồng minh khác đang cổ vũ các tập đoàn lớn của mình thâm nhập Afghanistan.

Trong đợt gọi thầu trên, Bộ trưởng tài nguyên mỏ Afghanistan Wahidullah Shahrani đã nhiệt liệt chào đón các công ty nước ngoài qua tuyên bố: “Sự hiện diện đông đảo các đối tác chứng minh sức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong lĩnh vực dầu khí của Afghanistan. Thành công này nối tiếp bản hợp đồng mà công ty dầu khí Trung Quốc CNPC đã ký kết cuối năm 2011 để phát triển cơ sở hạ tầng khai thác dầu khí tại bồn địa Amu Darya”.

 

ExxonMobil đang dự tính tham gia đấu thầu dầu và khí đốt sáu lô ở miền bắc Afghanistan

Dana Rohrabacher, đại diện của đảng Cộng hòa Mỹ, tỏ ra không hài lòng khi thấy Bắc Kinh chiếm chỗ tại Afghanistan, và nói "người Trung Quốc đang vơ vét tài nguyên kinh tế khi lợi dụng một cuộc chiến do Mỹ phát động”. Tuy nhiên, Exxon không phải là công ty lớn duy nhất dự định đầu tư lớn vào Afghanistan. Trước đó, JP Morgan Chase đã quan tâm tới các mỏ vàng của Afghanistan với khoản đầu tư 32,5 triệu euro. Một số nhà phân tích tỏ ra ngạc nhiên khi không thấy tập đoàn Total của Pháp đầu tư vào Afghanistan. Tuy nhiên, Total cũng đang chăm chú theo dõi sát các trữ lượng dầu mỏ của Afghanistan. Giai đoạn 2009-2010, Total dự định tham gia vào đợt đấu thầu một số mỏ dầu nhỏ hơn tại khu vực Kashkari. Do tham gia muộn, Total đã không thể cạnh tranh được với các đối tác khác.

Năm 2011, nghị sỹ Pháp Françoise Hostalier đồng thời là một chuyên gia về Afghanistan đã soạn thảo một báo cáo của nghị viện trình Tổng thống Sarkozy khi đó, trong đó đề cập đến mối quan hệ đối tác kinh tế tiềm năng giữa Pháp và Afghanistan. Pierre Olinger, nhân vật số 2 của Total, đánh giá: “Total đang chăm chú theo dõi những gì đang diễn ra tại Afghanistan. Vấn đề đặt ra, đó là luật pháp của nước này không thích hợp chút nào với việc quản lý và khai thác của một công ty như Total. Luật pháp cấm việc tách hoạt động thăm dò và khai thác. Những rủi ro trên là quá lớn đối với các công ty chuyên về những lĩnh vực trên”.

Người Trung Quốc đã phải liên kết với tập đoàn Watan thành một liên doanh để được khai thác lô đầu tiên. Những thùng dầu đầu tiên tại bồn địa Amu Darya sẽ được hút lên vào mùa thu tới, với mức độ 5.000 thùng/ngày trong giai đoạn đầu. Afghanistan sẽ được hưởng 70% lợi ích từ hoạt động này, hơn nhiều các khoản thuế khai thác khác. Tuy nhiên, mỏ này chỉ có trữ lượng từ 70-80 triệu thùng, rất khiêm tốn so với bồn địa Afghanistan - Tajikistan. Việc liên doanh với một công ty địa phương là một cản trở thực sự đối với các tập đoàn quốc tế muốn đầu tư vào Afghanistan.

Trong trường hợp của Trung Quốc, việc liên minh với công ty Watan không mang tính trung lập bởi công ty của Afghanistan này thuộc phe nhóm của Tổng thống Karzai. Những thành phần lãnh đạo của tập đoàn này gồm cặp anh em ruột Ahmad và Rashid Popal là họ hàng của tổng thống trong khi người em ruột của tổng thống có tên Quayum Karzaï lại là cổ đông chính. Tuy nhiên, liên doanh này không thể là một sự bảo đảm cho CNPC. Người Trung Quốc đã đánh giá thấp khoảng cách xa giữa Kabul với mỏ dầu, nằm tại vùng đất của nhận vật Abdul Rachid Dostom. Vị thủ lĩnh địa phương này đã thành công trong việc liên kết với Liên Xô cũ, sau đó với tướng Massoud rồi phản bội trước khi gia nhập Liên minh phương Bắc năm 2001. Abdul Rachid Dostom sẽ có thể cử binh sỹ đe dọa các công nhân Trung Quốc để đỏi một phần lợi ích. Các biện pháp như vậy rất khó bị trừng trị khi người dân Afghanistan luôn nghe theo các thủ lĩnh địa phương để bảo vệ lợi ích khu vực hơn là theo các nhà lãnh đạo Kabul.

Theo Johan Freckaus, ngoài vấn đề an ninh, các thói quen địa phương trên cũng làm nản lòng các nhà đầu tư, cả người Pháp lẫn người Mỹ. Người Afghanistan sẵn sàng đón tiếp cả thế giới, họ tạo mọi cơ hội nếu kết quả làm mình hài lòng. Còn không, họ sẽ xua đuổi. Những nguy cơ như vậy cũng làm các công ty tư nhân lo ngại. Mặc dù được các chính phủ phương Tây khuyến khích, các công ty đa quốc gia đang tiếp tục do dự khi đầu tư và một đất nước xếp thứ 4 trong số các nước tham nhũng nhất thế giới. Nếu vốn có thể là phương tiện hỗ trợ nền kinh tế Afghanistan đang yếu kém thì các nhà quan sát cũng tỏ ra hoài nghi khi phần lớn các nước giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên vẫn tiếp tục bị tàn phá, như trường hợp Iraq, CHDC Congo hay Sudan.

H.Phan (Theo AP)