Đánh giá 3 năm thực hiện hoạt động bồi thường của Nhà nước

07:42 | 13/10/2012

987 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau gần 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã giải quyết 122/168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại được thụ lý, chi trả hơn 16 tỷ đồng tiền bồi thường.

Toàn cảnh tọa đàm - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ngày 12/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm đánh giá tình hình thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN). Bên cạnh ý nghĩa, tác động tích cực của Luật vào đời sống xã hội, các đại biểu cũng thẳng thắn phản ánh một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện tại các Bộ, ngành và địa phương mình.

Phó Vụ trưởng Vụ 1 (Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) Nguyễn Duy Giảng khẳng định, việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong ngành Kiểm sát 3 năm vừa qua không có vấn đề vướng mắc lớn. Số vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của ngành đã được tiếp nhận, thụ lý là 65 trường hợp, trong đó đã kiểm tra, thẩm định và đề nghị cấp kinh phí bồi thường 60 trường hợp với tổng số tiền bồi thường gần 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng một số vụ việc chưa giải quyết xong bởi người bị thiệt hại chưa thống nhất về mức bồi thường, dẫn đến việc khiếu nại kéo dài.

So với ngành Kiểm sát, số vụ việc yêu cầu bồi thường ở các Bộ, ngành khác không nhiều. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) Trần Vi Dân, đến nay Bộ mới giải quyết bồi thường 2 trường hợp với số tiền 180,5 triệu đồng.

Tương tự, Bộ Tài chính cũng chỉ tiếp nhận có 7 trường hợp, đã giải quyết 5 trường hợp và các công chức liên quan đã hoàn trả 19 triệu đồng tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước…

Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh, tại một số địa phương, các trường hợp thiệt hại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN gặp khó khăn trong thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Một trong những nguyên nhân được nhiều đại biểu chỉ ra là, Điều 4, Luật TNBTCNN, nêu rõ người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Như vậy, quy định trên đã đặt thêm thủ tục đối với người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình.

Bên cạnh đó, Luật TNBTCNN quy định, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ ngày có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là gây bất lợi cho người bị thiệt hại. Vì trên thực tế có những trường hợp người bị thiệt hại không nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật hoặc khi nhận được thì văn bản này đã hết thời hiệu, khiến yêu cầu bồi thường của họ không được thụ lý.

Cũng liên quan đến công tác hoàn thiện pháp luật về bồi thường Nhà nước, ông Dân đề xuất phải rà soát tổng thể các thuật ngữ pháp lý trong Luật TNBTCNN bởi nhiều thuật ngữ trong Luật không tương thích với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Đơn cử, Luật TNBTCNN sử dụng khái niệm “không thực hiện hành vi phạm tội”, trong khi hai Bộ luật trên không có thuật ngữ này mà chỉ có thuật ngữ “hành vi không cấu thành tội phạm”, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu xem xét trong thời gian tới liệu đã đủ điều kiện mở rộng đối tượng được yêu cầu bồi thường, hay tính toán thế nào với thủ tục phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, thậm chí có thể tiến tới tập trung cơ quan giải quyết bồi thường vào một đầu mối thay vì thủ trưởng cơ quan có cán bộ có hành vi trái pháp luật chịu trách nhiệm bồi thường như hiện nay…

chinhphu.vn