Dân khổ vì ô nhiễm do sản xuất trong khu dân cư

17:40 | 29/03/2012

878 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng, đặc biệt là tại các thành phố lớn với nhiều khu công nghiệp và vô vàn các cơ sở sản xuất ngay trong khu dân cư. Tình trạng này đe dọa nghiêm trọng môi trường sống và sức khỏe của người dân.

Ngày 29/3, tại TP HCM đã diễn ra buổi tọa đàm “ô nhiễm do sản xuất trong khu dân cư ”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, cán bộ y tế và những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự ô nhiễm của: bụi, khói, tiếng ồn… từ các cơ sở sản xuất trong khu dân cư.

Bà Trần Anh, ngụ ở số 28 Phong Phú, P.12, Q.8 bức xúc về sự ô nhiễm mà gia đình bà phải chịu đựng từ khi cơ sở sản xuất bánh mì Tiến Phát mở bên cạnh nhà bà vào tháng 3/2009. Bà Trần Anh chia sẻ “Từ khi cơ sở sản xuất bánh mì này hoạt động, không khí trong nhà tôi lúc nào cũng ngột ngạt mùi bánh mì, dầu mỡ, chất độc hại… khiến sức khỏe người trong gia đình bị giảm sút, thường xuyên bị các chứng bệnh về đường hô hấp, viêm họng, ho kéo dài. Gia đình tôi đã nhiều lần khiếu nại lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, không chịu nổi ô nhiễm gia đình tôi phải đi thuê nhà nơi khác để ở”.

Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết: Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2005, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu đối tượng vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình. Do đó, khi có thiệt hại phát sinh về tài sản, sức khỏe, tính mạng… người bị thiệt hại cần nắm rõ các quy định để yêu cầu đối tượng vi phạm bồi thường thông qua việc khởi kiện hoặc thương lượng với đối tượng vi phạm. Người có hành vi vi phạm pháp luật môi trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vừa qua, trong vụ Vedan, vụ Sonadezi, do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, các doanh nghiệp này đã buộc phải chấp nhận bồi thường thiệt hại cho người dân.

Các chuyên gia cho rằng: Hiện, công tác kiểm tra, thanh tra các hành vi vi phạm về môi trường đối với các cơ sở sản xuất đặt trong khu dân cư còn nhiều yếu kém. Lực lượng thanh tra về môi trường còn mỏng. Một vấn đề khác là các đối tượng vi phạm hiện nay rất chây lì, thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Mặc dù nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường bị xử phạt nhưng sau đó vẫn đâu vào đấy vì mức phạt không đáng bao nhiêu so với việc đầu tư vận hành hệ thống xử lý chất thải nên các đơn vị sẵn sàng đóng phạt khi bị phát hiện.

Theo BS Phan Xuân Trung – Trung tâm Y khoa Medic TP HCM, những cơ sở sản xuất chen lẫn trong khu dân cư đã gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng. Bụi bặm từ các cơ sở này có thể gây ra các bệnh hen suyễn, suy hô hấp; khói xăng dầu để chạy máy có thể gây kích ứng niêm mạc mắt, ngứa da, chàm; đáng lưu ý là tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất có thể làm giảm thính lực, thậm chí gây điếc không hồi phục được.

PGS TS Nguyễn Lê Ninh – Ủy viên ban chấp hành Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM cho rằng: Cần phải đưa những kiến thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường đến từng cơ sở sản xuất, từ chủ cơ sở đến người làm, kể cả những người chịu trách nhiệm quản lý liên quan, coi đó là nghiệp vụ phổ thông.

Mai Phương