“Đại dịch chưa qua mà bong bóng tài sản đã tới thì sẽ là một thảm họa”

07:02 | 08/09/2020

867 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyên gia Quách Mạnh Hào lo ngại lạm phát dần trở nên quá cao. Nếu tính thêm mặt bằng các lãi suất điều hành giảm, vô tình sẽ đẩy kinh tế vào trạng thái kích thích bong bóng tài sản nhiều hơn.

Lạm phát - giảm phát, điều gì chờ nền kinh tế Việt Nam?

Nền kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao khi dịch bệnh bùng phát lần 2, lạm phát liệu có đáng lo ngại hay giảm phát mới là nguy cơ hiện hữu, đâu sẽ là những điều đáng lo ngại nhất…?

Trao đổi với Dân trí, TS. Quách Mạnh Hào, PGS về Ngân hàng - Tài chính, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln đã có những nhận định xung quanh các vấn đề trên.

Với sức cầu yếu như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát không đáng lo ngại. Họ cho rằng giảm phát mới đáng lo ngại. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS. Quách Mạnh Hào: Lạm phát trong giai đoạn hiện tại phụ thuộc nhiều vào cầu trong nền kinh tế. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị phá vỡ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không hoặc ngừng hoạt động, người lao động mất việc hoặc giảm thu nhập, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm và do vậy mức giá cả nói chung trong nền kinh tế có thể sẽ giảm.

“Đại dịch chưa qua mà bong bóng tài sản đã tới thì sẽ là một thảm họa” - 1
TS. Quách Mạnh Hào, PGS về Ngân hàng - Tài chính, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln.

Một cuộc điều tra doanh nghiệp mà báo chí đăng tải hồi đầu tháng cho thấy mức độ nghiêm trọng của thực trạng nền kinh tế: Chỉ 3% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng trong khi 20% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 75% doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng dòng tiền hoạt động âm, còn 2% thì đã giải thể. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết hai khó khăn lớn nhất mà họ phải đối mặt là không có khách hàng (81%) và gánh nặng chi trả các khoản phí liên quan tới người lao động (72%).

Số người thất nghiệp tăng lên. Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong 8 tháng đầu năm tăng tới 70,8% với cùng kỳ năm 2019.

Những thực tế đó dẫn tới cầu trong nền kinh tế giảm, ví dụ, tổng mức bán lẻ hàng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng 7 và tính chung 8 tháng đầu năm giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước.

Mức giá cả trong nền kinh tế vì vậy cũng có xu hướng giảm, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng 0,05% so với tháng trước và giảm 0,12% so với cuối năm trước. Tính trung bình 8 tháng đầu năm, chỉ số giá vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của Chính phủ.

Mặc dù quá sớm để kết luận nhưng có vẻ chỉ số giá có xu hướng giảm. Nhưng điều này khác với giảm phát. Nếu nhìn vào con số và xu thế hiện tại, tôi không nghĩ rằng có thể xảy ra giảm phát.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được Chính phủ kỳ vọng không âm là tốt, thì việc chỉ số giá vẫn đang gần mức mục tiêu cho thấy nền kinh tế có gì đó chưa ổn. Dường như nó đang chuẩn bị đối mặt với chu kỳ tiếp theo của chi phí tăng cao khi mà rủi ro kinh doanh sẽ là nhân tố chính đẩy giá các yếu tố đầu vào.

Hướng đi nào phù hợp?

Vậy chúng ta cần có những giải pháp gì thưa ông để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay?

-Mặc dù chỉ số giá có xu hướng giảm, nó vẫn là khá cao nếu xét tương quan giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát đặt ra hồi đầu năm của chính phủ.

Nói cách khác, khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bất cứ chính phủ nào cũng đều phải tính toán mức lạm phát mục tiêu đủ để kích thích tiêu dùng sớm, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.

Lạm phát quá cao hoặc quá thấp đều không tốt bởi nếu nó quá thấp sẽ dẫn tới hạn chế tiêu dùng, các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, trong khi nếu quá cao sẽ dẫn tới tiêu dùng quá mức và xuất hiện bong bóng tài sản thậm chí đổ vỡ kinh tế khi mặt bằng lãi suất được kéo lên tương ứng.

Giá sử mức lạm phát 4% được tính toán hợp lý dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP mục tiêu 6,8% và căn cứ vào mức tăng GDP khoảng 6-7% trong những năm gần đây, thì khi tăng trưởng GDP được mong đợi không âm, tỷ lệ lạm phát mục tiêu cần phải được điều chỉnh giảm để đảm bảo sự cân bằng tương đối.

Nói cách khác, mặc dù chỉ số giá có xu hướng giảm, lạm phát hiện tại đang dần trở nên quá cao một cách tương đối. Nếu tính thêm cả việc mặt bằng các lãi suất điều hành đã giảm, thì điều này vô tình đã càng đẩy nền kinh tế vào trạng thái kích thích bong bóng tài sản nhiều hơn. Đó rất có thể là lý do tại sao chúng ta nhìn thấy thị trường chứng khoán tăng mà không giải thích được bằng các nền tảng kinh tế.

Tóm lại, với thực trạng kinh tế khó khăn hiện tại, giải pháp chính sách cần sao cho để hoặc là chỉ số giá không tăng hoặc tập trung kích thích cầu tiêu dùng. Tôi tin rằng chính sách tiền tệ đã hết dư địa vì lý do nêu ở phần trên. Việc cố giảm lãi suất sẽ dẫn tới đầu tư quá mức và đổ vỡ. Chính sách tài khóa là phù hợp nhưng tôi không nghĩ rằng mở rộng các khoản chi tiêu công thông thường là một giải pháp.

Chính phủ vừa đề xuất trình quốc hội nới trần nợ công thêm 2-3% GDP để có thêm tiền là một động thái đúng đắn khi mà các khoản thu bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc chi cần tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình miễn giảm thuế, hỗ trợ các chi phí liên quan tới người lao động cho doanh nghiệp và có thể thực hiện bảo lãnh các khoản vay phục vụ mục đích chi trả lương nhân sự của doanh nghiệp.

Đại dịch chưa qua mà bong bóng tài sản đã tới thì đó là một thảm họa

Hàng loạt báo cáo đều chỉ ra nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng lâm vào khó khăn, suy giảm bởi tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên cũng có chuyên gia lạc quan cho rằng kinh tế Việt Nam năm nay suy giảm nặng nhưng không đến mức suy thoái, ông nghĩ sao về vấn đề này? Nhìn nhận của ông về mức độ tàn phá đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế?

-Việc cho rằng chúng ta không suy thoái thực ra là một cách nhìn lạc quan. Nếu lấy trung bình tăng trưởng GDP hàng năm trong 10 năm qua quanh mức 6% và 5 năm gần đây ở mức 6,5% làm căn cứ, có thể thấy nếu năm nay tăng trưởng kinh tế không âm, tức là bằng 0%, thì tăng trưởng GDP của chúng ta giảm khá nhiều.

“Đại dịch chưa qua mà bong bóng tài sản đã tới thì sẽ là một thảm họa” - 2
Việc tàn phá của đại dịch là không thể bàn cãi và nó là rủi ro hệ thống mang tính toàn cầu.

Việc tàn phá của đại dịch là không thể bàn cãi và nó là rủi ro hệ thống mang tính toàn cầu. Các con số thể hiện mức độ thiệt hại có lẽ tôi không cần nhắc lại thêm.

Điều tôi lo ngại lúc này là nếu phản ứng chính sách của chúng ta vận hành theo lối mòn sẽ có thể ảnh hưởng tới diễn biến sau này. Đại dịch chưa qua mà bong bóng tài sản đã tới thì đó là một thảm họa.

Ông đánh giá thế nào về cách thức chống dịch của Chính phủ lần này khi chọn cách ly theo cụm chứ không giãn cách toàn xã hội như trước? Hướng đi nào cho Việt Nam để “giảm đau” nhất có thể về ảnh hưởng kinh tế trước đại dịch?

-Lần này chính phủ đã hành động hợp lý khi không thực hiện giãn cách cả nước như trước đây. Tôi luôn cho rằng phòng chống dịch bệnh cần song hành với các chính sách đảm bảo đời sống kinh tế. Như đã trả lời ở phần đầu của bài, số người lao động bị ảnh hưởng thu nhập và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là rất lớn.

Đó là chưa kể với những người nghèo, những người mà đời sống kinh tế của họ gắn liền với việc phải ra đường chứ không làm ở nhà được, thì việc giãn cách xã hội thực sự sẽ làm họ bị bần cùng hóa. Đói nghèo thực ra đã và đang là thảm họa về dài hạn, so với đại dịch rất có thể là ngắn hạn.

Tôi cho rằng nếu ai đó theo đuổi quan điểm không đánh đổi kinh tế với đại dịch thì đó hẳn là những người không biết thế nào là nghèo.

Đói nghèo mới chính là điều đáng sợ!

Điều gì khiến ông lo lắng nhất trong những tác động mà đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ mang lại?

-Ở khía cạnh nền kinh tế, điều tôi e ngại nhất là tư duy lối mòn trong phản ứng chính sách. Việc sử dụng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất để kích thích kinh tế là đúng lý thuyết nhưng quên rằng mức độ rủi ro đã cao hơn và lạm phát tương đối cao hơn.

Còn với chính sách tài khóa, việc đề xuất tăng trần nợ công nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu công tăng thêm cũng là đúng sách khi mà tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức chấp nhận được (dưới 65% là mức trần 5 năm gần đây). Nhưng tôi e ngại rằng việc chi tiêu công lại được thực hiện không đúng chỗ hoặc khả năng triển khai kém. Việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch là việc làm mang tính ngắn hạn, thời vụ, nhanh, kịp thời mà kéo dài thì tính hiệu quả của gói cứu trợ không còn.

Ở khía cạnh xã hội, điều tôi e ngại nhiều nhất là sự xuất hiện của đói nghèo sẽ gia tăng sau đại dịch. Đừng nhìn vào đội ngũ cán bộ nhà nước hay công chức công sở mà hãy nhìn vào đội ngũ công nhân trong các nhà máy, những người làm thuê cho các cửa hàng, nhà hàng bên đường… Họ sẽ ra sao khi nhà máy đóng cửa, giảm giờ làm còn các cửa hàng và nhà hàng thì đóng cửa hoặc không có khách. Đói nghèo mới chính là điều đáng sợ!

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Nguyễn Mạnh (Dân trí)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc