Đấu khẩu bằng loa trên biên giới

07:18 | 22/02/2016

6,349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược (1979-1989), ngoài đấu tranh vũ trang còn có một cuộc chiến song hành là chiến tranh tâm lý. Dọc biên giới Việt –Trung trải dài qua 6 tỉnh, phía Trung Quốc đặt những cụm loa nén, công suất cao, hướng sang đất Việt Nam để tuyên truyền chiến tranh tâm lý.

Ở những cửa khẩu chính, Trung Quốc dựng trên sườn núi những khung bê tông vững chắc như cổng chào và gắn trên đó 10-12 chiếc loa nén. Ở những con đường mòn, hai bên là vách núi đá, cụm loa thường có 2-4 chiếc. Có nơi loa phát 2-3 lần một ngày nhưng có những vị trí quan trọng, chúng phát ra rả ngày 6-8 lần. Mỗi chương trình phát loa kéo dài 30 phút.

Mở đầu chương trình là bản nhạc của bài hát “Tình hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (sáng tác từ năm 1966). Bài hát có đoạn lời ca: “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông… Nhân dân ta ca muôn năm Hồ Chí Minh – Mao Trạch Đông”.

cuoc chien tranh tam ly doc duong bien viet trung

Tiếp đó là những bài viết với nội dung sặc mùi kích động. Bài đầu tiên tập trung nói xấu ban lãnh đạo Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bài tiếp theo công kích Quân đội nhân dân Việt Nam và quáng bá sức mạnh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Một nội dung mà các cụm loa tâm lý chiến này không thể thiếu là đánh vào tâm lý bộ đội ta đang chịu khó khăn, vất vả trên các điểm tựa; trong khi ở hậu phương đang cần có các anh gánh vác việc gia đình khi bố mẹ, vợ con phải lo toan đồng áng trên các sào ruộng khoán.

Cuối cùng là bài tuyên truyền cho nhân dân vùng biên giới, hòng khiến họ hiểu sai cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược.

Với công suất cực mạnh, gặp những hôm có gió bấc, tiếng loa phóng theo hai triền núi đá vào sâu trong đất Việt Nam gần chục cây số. Nhờ có lực lượng thám báo vốn là dân gốc Hoa sinh sống bên đất Việt Nam, phía Trung Quốc nắm được khá chi tiết tình hình bên biên giới Việt Nam.

Có điểm đóng quân của bộ đội Việt Nam, chúng còn biết được cả họ tên và cấp bậc của cán bộ chỉ huy đơn vị và phát lên loa. Có điểm phát thanh, chúng dùng những lời lẽ rất thô tục, chợ búa để bôi nhọ cán bộ của ta.

Một ngày loa phát nhiều lần và hết tháng này sang tháng khác như vậy trở thành nhàm chán, cũng chẳng có ai quan tâm.

Về phía Việt Nam, để chống lại cuộc chiến tâm lý ấy của Trung Quốc, Cục địch vận (Tổng cục chính trị, QĐNDVN) đã bố trí những xe lưu động, gắn loa, chạy dọc đường biên để phát những cuốn băng đã được thu sẵn, hướng sang phía Trung Quốc.

Nội dung các cuốn băng đó vạch trần bộ mặt phản bội của nhà cầm quyền Bắc Kinh, miệng nói hữu nghị anh em nhưng đã lật lọng, phát động cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược Việt Nam.

Đồng thời khẳng định quyết tâm của quân và dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nếu quân Trung Quốc còn liều lĩnh xua quân sang xâm lược. Cứ như vậy, những cuộc đấu khẩu bằng loa công suất lớn giữa hai bên trở thành một cuộc chiến kéo dài nhiều năm dọc đường biên.

Ngoài phát loa, Trung Quốc còn in truyền đơn, thường xuyên đem rải dọc đường biên giới. Những tờ truyền đơn khổ 10x20 cm, mặt trước in hình các cô gái xinh đẹp đang hái táo hoặc hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân Trung Quốc. Còn mặt sau in nội dung nói xấu Việt Nam, lấp liếm những tội ác dã man trong cuộc chiến tranh xâm lược.

Đáp lại, phía Việt Nam cũng dùng loại súng chuyên dụng, bắn truyền đơn sang đất Trung Quốc, chỉ rõ cho lính Trung Quốc biết rằng, họ đang nghe theo mệnh lệnh của nhà cầm quyền Bắc Kinh, bất chấp luân thường đạo lý, đã tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa, phá vỡ tình hữu nghị lâu đời của hai nước anh em.

Cuộc chiến tâm lý trên biên giới Việt – Trung (1979-1989) đã diễn ra như thế!

Đức Toàn