“Cú sốc” Trung Quốc và nguy cơ “chiến tranh tiền tệ”

10:44 | 14/08/2015

3,495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc (TQ) đã khiến cả thế giới choáng váng khi liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) trong những ngày vừa qua. Nói đúng hơn, Bắc Kinh đã khiến một phần thế giới đã từng “ngây thơ” tin rằng, nền kinh tế của cường quốc đông dân này vẫn ổn bị “sốc” nặng. Vì sao người ta phải lo ngại và không thể không nghĩ đến nguy cơ xảy ra một cuộc“chiến tranh tiền tệ”trong tương lai gần?  

Trung Quốc phá giá đồng tiền, ai bị thiệt?

Trung Quốc phá giá đồng tiền, ai bị thiệt?

Để tăng xuất khẩu, Trung Quốc (TQ) đã phá giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Động thái trên của TQ cùng với sự sụt giảm của kinh tế nước này sẽ gây ra thiệt hại gì cho thế giới và nước nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?

“Cháy nhà mới ra mặt chuột”

Những năm gần đây, kinh tế TQ đã phát triển chậm lại với mức độ tăng trưởng khoảng 7%, trong khi, vào giai đoạn phát triển “nóng” hồi những năm 2000, kinh tế nước này luôn tăng trưởng liên tục ở mức trên 9%/năm. Mặc dù, không ai thực sự biết được những con số tăng trưởng của Bắc Kinh là chính xác hay không, do tính minh bạch không được đánh giá cao của hệ thống điều hành cũng như môi trường kinh doanh của nước này, nhưng sự suy giảm của kinh tế TQ thì có thể nhìn thấy rõ ràng qua những vụ “sủi bọt” của “bong bóng” nhà đất và chứng khoán gần đây.

“Cú sốc” Trung Quốc và nguy cơ “chiến tranh tiền tệ”

Sự lao dốc của thị trường chứng khoán TQ hồi tháng trước và việc “bốc hơi” một khối lượng tiền khổng lồ - ước tính từ 3.500 đến 4.000 tỉ USD chỉ trong 3 tuần lễ - sau hơn một năm tạo cơn “sốt” nhà nhà chơi “chứng”, người người chơi “chứng”, dù phải vay tiền để chơi, đã minh họa sinh động sự suy giảm, cũng như không chắc chắn của kinh tế nước này. Những biện pháp giải cứu sau đó của Bắc Kinh như “bơm” một lượng tiền khổng lồ để ổn định thị trường chứng khoán (theo dự đoán của Goldman Sachs, các quỹ đầu tư được chính phủ TQ hậu thuẫn đã bơm khoảng 144 tỉ USD để hỗ trợ thị trường chứng khoán, trong khi nguồn tin của Bloombergs cho hay, Bắc Kinh đã dành sẵn 483 tỉ USD để ổn định thị trường), mặc dù cần thiết, nhưng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, bởi “bong bóng” một khi đã căng lên lại có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Bởi, trên thực tế, chính Bắc Kinh thổi lên một quả bóng chứng khoán khi thị trường nhà đất bị ứ đọng hồi năm 2014. TQ lúc này đã chuyển hướng, kêu gọi tư nhân làm giàu nhờ thị trường chứng khoán, tức là trực tiếp dồn vốn cho các doanh nghiệp quốc doanh. Nhờ vậy, không chỉ các doanh nghiệp được tăng vốn mà một số ngân hàng nhà nước TQ cũng tạm thời xua tan đe dọa nợ khó đòi.

Quả bóng mới đó đã đẩy cổ phiếu của các tập đoàn TQ tăng vọt. Tuy nhiên, “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma” - tính toán của các nhà lãnh đạo TQ vẫn được thuận buồm xuôi gió cho tới khi tăng trưởng bị chững lại và mọi người nói tới hiện tượng “hạ cánh” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tỷ lệ tăng trưởng rơi xuống còn có 7,4% cho năm 2014 đang đạt mức thấp nhất từ 3 thập niên qua. Thậm chí, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo GDP của TQ năm nay sẽ chỉ tăng 6,8%.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ TQ lại phá giá đồng tiền riêng của mình một lần nữa. Đồng NDT được giao dịch tại TQ đã chạm mức 6,4010 NDT/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 8-2011.

Việc làm này hoàn toàn trái ngược với những nỗ lực ghìm giá nhân dân tệ mà TQ đã làm trong quá khứ. Bắc Kinh từng cố định đồng tiền của mình so với đồng USD, từ chối không để cho nó tự do điều chỉnh theo tỷ lệ thị trường. Chỉ đến vài năm trở lại đây, dưới áp lực của Mỹ và Nhật Bản - hai nước cho rằng, TQ đã để giá đồng NDT quá rẻ và cung cấp cho nó một lợi thế thương mại không lành mạnh, Bắc Kinh mới “rụt rè” cho phép đồng NDT dần dần tăng giá so với các đồng tiền khác. Điều này được xem như là một bước đầu tiên hướng tới việc đưa đồng NDT trở thành đồng tiền trong thanh toán quốc tế và cuối cùng là trở thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu, đối thủ của đồng USD.

Chiến thuật “ăn miếng, trả miếng”?

Điều đáng nói hơn cả là TQ đã phá giá đồng NDT trong bối cảnh các nền kinh tế lớn của thế giới như châu Âu, Anh, Nhật đều đang hoặc vừa kết thúc áp dụng các chương trình nới lỏng tiền tệ để “mua” tăng trưởng kinh tế.

Do đó, việc TQ thả nổi đồng NDT đang gây ra những lo ngại về nguy cơ xảy ra “một cuộc chiến tiền tệ” toàn cầu. Việc làm của TQ bị chỉ trích là thao túng đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu của mình một cách không công bằng. Thậm chí, một số nhà phân tích còn cho rằng, TQ đang sử dụng chiến thuật tiền tệ một cách hiệu quả để “ăn cắp” tăng trưởng từ các nước khác, để thúc đẩy kinh tế trong nước, duy trì tăng trưởng và việc làm. Đồng thời, họ cũng muốn nâng cao quyền lực của đồng NDT, để giúp nước này đạt được các mục tiêu ngoại giao, cũng như củng cố vai trò trung tâm của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố vẫn còn quá sớm để đánh giá hành động của TQ. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, TQ không nên đảo ngược các cải cách tiền tệ, trong khi hàng loạt nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích dữ dội việc TQ phá giá đồng NDT và kêu gọi đưa các biện pháp chống thao túng tiền tệ vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện vẫn đang trong quá trình thương lượng.

Về phía TQ, Ngân hàng trung ương nước này đã tìm cách trấn an thị trường tài chính, đồng thời khẳng định chính phủ không tiếp tay cho sự mất ổn định tiền tệ. Theo PBOC, “nhìn vào tình hình kinh tế quốc tế và trong nước, hiện không có cơ sở để nhìn thấy xu hướng đồng nhân dân tệ mất giá sẽ kéo dài”.

Tuy nhiên, các nguồn tin liên quan đến quá trình hoạch định chính sách TQ cho biết, có một số tiếng nói mạnh mẽ trong Chính phủ Bắc Kinh đang tạo áp lực để giảm giá đồng nhân dân tệ hơn nữa, thậm chí xuống giá 10%.

Nếu điều này xảy ra, kinh tế Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn và khi đó, không loại trừ, siêu cường này sẽ phải “ra tay” trả đũa TQ.

Linh Phương

Năng lượng Mới 448