Cù lao Phố - Cảng biển đầu tiên ở Nam bộ

00:00 | 19/06/2020

821 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nông Nại đại phố tức là Chợ Lớn của xứ Đồng Nai, Đồng Nai âm theo tiếng Quảng Đông, viết chữ Nông Nại.

Về chợ và cảng cù lao Phố, tư liệu ít thấy, cơ bản vẫn là Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Ông Trịnh Hoài Đức tiếc thay, chào đời vào khoảng năm 1765, khi được 10 tuổi “gặp buổi nhiễu nhương, mẹ dời đến Phiên Trấn, và cho Trịnh Hoài Đức học với Võ Trường Toản?” (Đại Nam liệt truyện).

cu lao pho cang bien dau tien o nam bo

Tổ tiên của Trịnh Hoài Đức là người tỉnh Phước Kiến (Trung Hoa), theo Đại Nam liệt truyện thì sang Trấn Biên “lúc nhà Thanh chiếm Trung Hoa”. Cha làm quan thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, lúc cù lao Phố còn hưng thịnh nhưng ông nội Trịnh Hoài Đức là một trong những người sáng lập miếu Quan Đế (chùa ông), có tên ghi trong danh sách những người đứng ra lập chùa, năm 1684, tức là sau khi Trần Thắng Tài đến Biên Hòa. Tuy không nói rõ, ông nội của Trịnh Hoài Đức có thể đi theo Trần Thắng Tài, hoặc trước, hoặc sau vài năm. Và cha của họ Trịnh cũng góp công vào hương khói của chùa Quan Đế nói trên năm 1743.

Như vậy ta thấy những gì Trịnh Hoài Đức ghi chép về cù lao Phố là tư liệu đáng tin cậy nhất, ngoài ra tôi chưa gặp tư liệu nào tương đối cụ thể hơn. Họ Trịnh ghi lại: “Nông Nại đại phố, lúc đầu khai thác do “Trần Thượng Xuyên, tức Trần Thắng Tài chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố xá mái ngói tường vôi, lầu cao, quán rộng, dọc theo bờ sông liên lạc dài 5 dặm, chia và vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót gạch xanh, đường rộng bằng phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu, có những xà-lan (người dịch lại, hiểu là kiểu bè chở hàng hóa), ấy là một chỗ đại đô hội, những nhà buôn bán to duy ở đây là nhiều hơn”.

(Đoạn trích dẫn trên đây là ở mục “Thành tri chí”).

Trong Gia Định thành thông chí, ở mục “Sơn xuyên chí”, lại ghi về gành đá trên sông, nay còn thấy:

- Phía bắc gành đá có vực sâu làm chỗ cho tàu biển các nước đến đậu. Xưa nay, thuyền buôn đến đây hạ neo xong thì lên bờ thuê phố ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, lại đấy kê khai những hàng hóa trong thuyền và khuân cất lên, thương lượng giá cả. Chủ mua định giá mua bao tất cả hàng hóa tốt xấu, không bỏ sót lại thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về gọi là hồi Đường (trở về Trung Hoa).

Đọc rải rác những tư liệu trong Gia Định thành thông chí, ta có thế tạm đúc kết:

- Cù lao Phố trở thành một cảng quan trọng đầu tiên của Nam bộ, đón nhận thương thuyền nước ngoài, hưng thịnh suốt khoảng 90 năm từ khi Trần Thắng Tài đến với quân đội, suy thoái từ khoảng 1775, tức là khoảng sau 90 năm, để nhường cho Sài Gòn (sông Tân Bình).

Trịnh Hoài Đức mô tả vị trí khá cụ thể, dài 5 dặm, hơn 2km, đại khái từ miếu Quan Công nay hãy còn ăn về phía bắc. Sản phẩm đưa vào cảng là món gì, họ Trịnh không nói rõ, cũng như số lượng tàu thuyền. Nhưng ta đoán là hàng tiêu dùng.

- Trước khi Trần Thắng Tài được chúa Nguyễn đưa đến cù lao Phố, đã có người Việt từ miền Trung đến ở núi Dinh (Mô Xoài) vùng Bà Rịa từ năm 1658 và vùng Long Thành. Nhờ vậy, khi Trần Thắng Tài đến cù lao Phố đã có dân Việt, dĩ nhiên người dân tộc cũng tới lui trao đổi hàng hóa.

Trần Thắng Tài đến với quân sĩ và gia quyến, nhưng quân sĩ này vẫn tiếp tục cầm vũ khí theo đuổi binh nghiệp. Số thương gia lại đến sau, với vốn liếng để lập chợ.

Kiểu mua bán ở cù lao Phố là dạng xuất nhập khẩu, với kho hàng dự trữ hàng hóa nhập vào và dự trữ hàng hóa thâu mua, với nhiều chân rết. Nên gọi đó là những “tư sản mại bản” chăng? Toàn là dịch vụ, phi sản xuất. Mức hưng thịnh của cù lao Phố phải chăng đạt đỉnh cao vào năm 1767, tức là 70 năm sau khi cảng này phát triển.

Bằng cớ là năm 1747 có bọn thương khách người Phước Kiến với lãnh tụ là Lý Văn Quang tự xưng là Giản Phố đại vương cùng với 300 quân mưu toan đảo chánh, chiếm lấy dinh Trấn Biên, tức là toan nắm quyền ở khu vực Biên Hòa rộng lớn. Từ cù lao, chúng vượt chiếc cầu ván bắt qua Rạch Cát, rốt cuộc âm mưu thất bại. Giản Phố tức là Giản Phố Trại (âm lại mấy tiếng Campuchia, vì viết chữ Đông và chữ Giản hơi giống nhau, nên lắm nơi đọc là Đông Phố hóa ra vô nghĩa).

- Lâm sản, ngà voi, sừng tê giác, lộc nhung không thể tái sinh nhanh chóng, vì vậy cạn kiệt. Cù lao Phố suy thoái vì thiếu hàng hóa đưa ra ngoài (cũng là trường hợp cảng Hà Tiên thời Mạc Cửu). Bấy giờ, nhằm lúc Tây Sơn khởi binh, thương gia thấy không có lý do để bám cù lao Phố, họ thấy nên dời xuống Sài Gòn - Chợ Lớn để đón nhận nguồn lúa gạo dồi dào của đồng bằng sông cửu Long bắt đầu dư để xuất cảng; dịch vụ lúa gạo xem ra bền vững hơn. Quân Tây Sơn sẵn cơ hội ấy đốt phá chợ phố của cù lao.

Đại Nam thống nhất chí ghi rõ quân Tây Sơn đến “dỡ lấy hết nhà cửa, gạch đá của cải chở về Quy Nhơn, từ đời Gia Long trung hưng tuy người ta có trở về, nhưng trăm phần chưa được một”.

Chi tiết “nhà cửa gạch đá” bị cướp đi rất quan trọng. Theo kỹ thuật đi ghe buồm, ghe phải chở nặng thì chạy mới vững. Chuyến qua cù lao Phố, ghe chở thêm đá và gỗ mỹ thuật, khá nặng rồi ráp lại, đã chạm trổ để xây cất chùa miếu, nhà cửa cho nhanh.

Người Pháp đến khi cù lao Phố đã trở thành xóm làng bình thường, không còn dấu ấn gì về thời oanh liệt đã qua. Nay chọn cù lao là địa bàn của xã Hiệp Hòa, trong thành phố Biên Hòa. Con số đình chùa khá nhiều, của làng xưa nay đã trở thành ấp, chứng tỏ thời nhà Nguyễn ở đây có hơn 10 làng xã với đình làng. Người xưa còn đâu? Đọc Lược sử cù lao Phố do Nxb Đồng Nai ấn hành 1994, thấy ghi các dòng họ Nguyễn, Lê, Trương, Huỳnh là những dòng họ lớn đến sinh cơ lập nghiệp từ lâu đời, chiếm tỷ lệ cao trong xã; còn ngôi mả ngói rất xưa mà họ Nguyễn nhận của dòng họ mình. Và theo luận văn của Tôn Thị Điệp về cù lao Phố thì các dòng họ trên xuất hiện gần 300 năm nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Lại còn ông Bì Văn Lâu cho biết họ Bì gốc Tàu, lại còn họ Tống Đình, gốc Tàu.

Nguyễn Hữu Cảnh đến cù lao Phố ngay lúc cù lao với cảng đang hưng thịnh, nhưng bấy giờ căn cứ và cơ cấu quân sự của ta đặt ở Sài Gòn rất quan trọng với đồn dinh, ông Nguyễn Hữu Cảnh vào cù lao Phố với thủy quân, tuy không ghi rõ nhưng ta chắc là vào cù lao Phố theo cửa Cần Giờ, ngược lên Biên Hòa. Và cuộc hành quân phía sông Cửu Long của ông theo đường thủy, khi ông mất ở Rạch Gầm, quan tài được đưa về cù lao Phố, không quàn ở Sài Gòn, từ cù lao Phố về miền Trung, chôn ở quê là Quảng Bình cũng theo đường thủy.

Cơ ngơi mà nay hiểu lầm là phần mộ của ông chỉ là nơi quàn quan tài chớ không phải là phần mộ, đồng bào địa phương vì tôn kính ông nên đắp mộ tượng trưng để ghi nhớ. Nếu là một thì phải to hơn và đặc biệt phải có thành bao bọc phần đất rộng, theo tiêu chuẩn của quan to. Vị trí của miếu Bình Kính thờ Nguyễn Hữu Cảnh thời xưa đã thay đổi; lâu ngày mục nát, nước xoáy lở vào bờ, nên đời Tự Đức, năm 1851 phải dời vào phía trong vài mươi mét, ngay bờ cũ (Đại Nam nhất thống chí ghi dời ở phía sau 10 trượng).

Nay có lẽ nên bố trí khu cù lao Phố thành một điểm du lịch lý tưởng. Đền thờ Quan Công còn đó, đình Bình Kính còn đây, sông Đồng Nai rộng, gió mát. Phía mé sông trước đình, có lẽ nên trồng cây bằng lăng, cây bản địa, trổ bông đẹp. Thời xưa, Trần Thắng Tài đóng quân bên phía chợ Biên Hòa, sử ghi xứ Bàn Lân, sau đổi là Tân Lân. Tôi hiểu Bàn Lân là tiếng Bằng Lăng nói trại ra.

Cảng cù lao Phố thành hình trễ hơn phố cổ Hội An và suy thoái sớm hơn phố cổ Hội An.

Sơn Nam

Trích