Vì sao cần tăng giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển?

06:20 | 11/09/2023

471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhóm cảng biển nước sâu sẽ được tăng 10% giá dịch vụ nếu đề xuất trong Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 54/2018 của Bộ Giao thông Vận tải được thông qua.
Vì sao cần tăng giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển?
Cái Mép - Thị Vải cùng với Lạch Huyện là 2 cảng biển nước sâu thuộc loại đặc biệt duy nhất của Việt Nam.

Tăng giá để nâng cao dịch vụ và nguồn vốn tái đầu tư

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nước ta có hai cảng biển là Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải nhóm cảng biển nước sâu. Đây cũng là hai cảng biển thuộc loại đặc biệt duy nhất của Việt Nam, có thể đón những tàu container trọng tải lớn. Do đó lợi thế cạnh tranh của những cảng biển này là rất lớn.

Mặc dù vậy, giá bốc dỡ container khu vực cảng nước sâu của Việt Nam lại đang thấp hơn so với mức giá trung bình của khu vực trong khi chất lượng dịch vụ cảng nước sâu của Việt Nam là tương đương. Thậm chí 2 cảng nước sâu của nước ta còn đón được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới đi thẳng thị trường châu Âu, châu Mỹ, tiết kiệm chi phí và thời gian cho chủ tàu, chủ hàng.

Đơn cử cụm cảng Cái Mép - Thị Vải luôn giữ vững vị thế cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và thuộc danh sách các cảng nước sâu có mức tăng trưởng ấn tượng trên thế giới. Thế nhưng việc giá dịch vụ bốc dỡ container ở cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải nói riêng và những cảng nước sâu ở Việt Nam nói chung ở mức thấp như hiện nay sẽ khiến cho các cảng không có điều kiện để tái đầu tư do chi phí đầu tư cảng nước sâu rất lớn và đều đang phải hoạt động dưới giá thành.

Bởi vậy, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container nhóm cảng biển nước sâu là phù hợp và cần thiết để bảo đảm nguồn vốn tái đầu tư cho cảng, duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời tạo thêm nguồn lực để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển.

Mới đây, trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 54/2018 ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, Bộ GTVT đưa ra đề xuất tăng 10% giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển tại nhóm cảng biển số 1, 4, 5, trong đó có cảng nước sâu (khu vực Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải).

Vì sao cần tăng giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển?
Giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển nước ta đang ở mức thấp nhất thế giới.

Mức tăng bao nhiêu là phù hợp?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giá thực sự quan trọng, cấp thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước, nâng tầm thế và lực cho các cảng cửa ngõ, bù đắp một phần nguồn thu hợp lý cho cảng mà không làm ảnh hưởng đến chi phí logistics quốc gia và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng cho rằng, ngoài việc nâng giá dịch vụ bốc dỡ container thì các doanh nghiệp cảng cũng phải đầu tư nhiều hơn để nâng chất lượng dịch vụ. Các cảng cần đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, trang thiết bị phải lớn, hiện đại hơn để kịp xu thế tăng kích cỡ tàu. Từ đó, nâng cao năng suất làm hàng, rút ngắn thời gian tàu nằm cầu, giảm chi phí thực tế.

Nếu mức tăng lớn hơn từ 20- 30% sẽ làm biến động mức giá quá lớn, ảnh hưởng tới chi phí của chủ tàu và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá – Cục Hàng hải Việt Nam– Cục Hàng hải Việt Nam

Về mức tăng 10% như đề xuất trong dự thảo thông tư, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng kể cả khi mức tăng này được thông qua thì giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển nước ta vẫn hấp hơn 30 - 35% so với mức giá trung bình của khu vực. Do đó, lo ngại về việc các cảng biển mất lợi thế cạnh tranh sau khi tăng giá dịch vụ bốc dỡ container lên 10% là không có.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Khánh Hoàng nhận định, đề xuất tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container là mức đề xuất tương đối hợp lý, dù các cảng đều mong muốn có mức giá tiệm cận với giá xếp dỡ trung bình trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Trần Khánh Hoàng cũng đưa ra khuyến cáo cần có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container ở cảng biển nước ta thường xuyên hơn thay vì 5 năm/lần để mức giá đưa ra có thể ở mức hợp lý nhất.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam lại cho rằng, việc giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển nước ta ở mức thấp (thậm chí là thấp nhất thế giới) vô hình chung đang làm lợi cho những hãng tàu nước ngoài khi họ hưởng lợi hàng triệu USD từ việc thu phí điều hành bên bãi cao trong khi chỉ phải trả phí dịch vụ bốc dỡ cho cảng rất thấp.

Bởi vậy, ông Phạm Quốc Long đề xuất giá dịch vụ bốc dỡ khu vực cảng nước sâu cần có lộ trình điều chỉnh khung giá thêm 15 - 20%/năm cho phù hợp đồng thời khẳng đinh việc điều chỉnh giá bốc xếp không ảnh hưởng tới chủ hàng Việt Nam.

“Mức điều chỉnh của khung giá trong dự thảo Thông tư mới chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và vị thế của cụm cảng nước sâu hàng đầu thế giới. Cơ quan quản lý tiếp tục xem xét, điều chỉnh để giá sàn dịch vụ bốc dỡ container bằng ít nhất 70% mức giá bình quân của khu vực” - lãnh đạo Cảng quốc tế Gemalink, thuộc khu vực Cái Mép – Thị Vải

Theo Nguyễn Quý/ Kinh tế & Đô thị

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt NamKế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam
Cảng cạn - “cánh tay nối dài” của cảng biểnCảng cạn - “cánh tay nối dài” của cảng biển