Con đường khởi nghiệp

07:00 | 25/03/2017

1,802 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mùa xuân Đinh Dậu này thế hệ trẻ Việt Nam phấn khởi chào đón kỷ niệm 86 năm Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có những hình thức đấu tranh và những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu khác nhau.

Các thế hệ thanh niên kế tiếp nhau đã chiến đấu anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, lập nên những chiến công xuất sắc, những dấu son chói ngời trong lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của thanh niên. Đã có nhiều chương trình, dự án, đề án dành cho thanh niên như: Dự án thí điểm “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo”; Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Để triển khai, Trung ương Ðoàn đã ban hành Chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021.

con duong khoi nghiep
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị kinh tế với Quỹ hỗ trợ thanh niên, ngày 16-10-2016

Vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Năm 2016 được coi là năm quốc gia khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp có sự chuyển động tích cực từ tất cả bộ, ban, ngành, địa phương. Chương trình Thanh niên khởi nghiệp đã cổ vũ, thúc đẩy tinh thần vươn lên, vượt lên chính mình trong giới trẻ. Trong thời gian qua, tổ chức Ðoàn đã có nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Hệ thống chính sách của Nhà nước, cùng các cơ chế, chủ trương của các cấp, các ngành là hành lang rộng để thanh niên vững bước trên đường lập thân, lập nghiệp.

Khi đã có chủ trương, chính sách cụ thể, tổ chức Đoàn đóng vai trò cầu nối để hỗ trợ thanh niên sớm tiếp cận và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của ngành mình, địa phương mình. Đoàn đã thành lập Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Ðặc biệt là những chương trình giao lưu, kết nối để các bạn trẻ tìm cơ hội từ các nhà đầu tư. Thêm nữa, trong xã hội còn có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Tổ chức Đoàn ở một số nơi đã đóng vai trò là cầu nối tốt nhất để thanh niên có thể tiếp cận những nguồn vốn, quỹ đầu tư mạo hiểm này.

Mới nhất, ngày 14-3-2017, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhằm hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp.

Để nâng cao nhận thức của thanh niên về khởi nghiệp, tư vấn cho thanh niên về kiến thức, kỹ năng, thông tin khởi nghiệp, tổ chức Đoàn các cấp đã có nhiều hoạt động như thông tin, gặp gỡ thanh niên nhằm truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng đội ngũ tư vấn, hỗ trợ kịp thời các bạn trẻ ở thời điểm cần thiết để giúp họ cơ hội chuẩn bị tốt nhất. Đáng chú ý là, Trung ương Đoàn đã nghiên cứu đưa ra 3 đối tượng cần ưu tiên tiếp cận, hỗ trợ. Đó là: sinh viên các trường đại học, cao đẳng; thanh niên nông thôn và các doanh nhân trẻ. Thanh niên ở những nơi này đang được coi là rất dồi dào về ý tưởng và có tiềm năng lớn, được trang bị về kiến thức, tri thức, thuận lợi trong việc phát triển ý tưởng. Với những doanh nghiệp trẻ từ những bước đi đầu tiên còn gặp rất nhiều khó khăn, việc hỗ trợ sẽ giúp sức cho các bạn vững vàng hơn trên con đường đi tới.

Một điều rất đáng nói ở đây là, nhiều bạn trẻ không biết bắt đầu từ đâu để khởi nghiệp. Qua thực tế, các bạn trẻ nên tìm tòi những công việc hằng ngày sao cho phù hợp với chính mình. Đã xuất hiện những tấm gương sáng trong khởi nghiệp, như: Nguyễn Văn Hịu, sinh năm 1984 ở thôn Nhiễm Dương, xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành, Bắc Ninh, tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội). Anh đang nhận lương “khủng” ở Hà Nội nhưng đã quyết định từ bỏ đô thị phồn hoa. 3 năm sau ngày tốt nghiệp người cử nhân ấy về quê đấu thầu khu trang trại, rồi bỏ vốn xây dựng một khu chăn nuôi. Chàng “nông dân chính hiệu” hiện có thu nhập hàng tỉ đồng/năm và nhận được sự thán phục, trân trọng của bạn bè. Hay như “Thạc sĩ mê mắm ruốc” Đào Thị Hằng, thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị. Chị đã nỗ lực giành được tấm bằng thạc sĩ tại Đại học Adelaide, Australia, tiếp tục nhận được học bổng tiến sĩ, nhưng giấc mơ “mắm ruốc” từ thuở ấu thơ đã níu kéo Hằng trở về quê, cùng bà con xây dựng thương hiệu mắm ruốc Thuyền Nan. Chị không những làm giàu cho bản thân mình mà còn giúp đỡ nhiều người dân Quảng Trị.

Còn phải nói đến cử nhân có 2 bằng đại học đã tự nguyện làm… nông dân. Đó là anh Phan Xuân Quyền, Đà Sơn, Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng. Quyền đã gắn cái nghiệp của mình với cây nấm. Năm 2002, tốt nghiệp Khoa Quản trị du lịch, Đại học Duy Tân, Quyền mở cơ sở nuôi trồng nấm nhỏ. Toàn bộ phương pháp sản xuất nấm được anh tích lũy, viết thành tập sách riêng. Ngoài ra, Quyền mày mò “chiết suất” một số sản phẩm mới từ nấm: nước mắm - nấm, mắm nêm - nấm, chế biến 7 món ăn đặc sản từ nấm. Anh mở rộng quy mô sản xuất tạo công ăn việc làm cho nhiều người, trở thành một người có thu nhập cao ngất trong vùng…

Còn nhiều thanh niên trẻ từ hai bàn tay trắng đã có sự khởi nghiệp đáng nể như thế.

Khởi nghiệp của thanh niên có rất nhiều con đường. Sự thành công chỉ đến với những người đam mê, sáng tạo, biết vận dụng khoa học để thực hiện mục tiêu mình đã lựa chọn. Vậy mà, không thiếu những thanh niên chỉ biết đợi chờ và ta thán cuộc đời không đem đến cho mình sự vinh quang, có bằng cử nhân là đã tưởng rằng mình có tất cả. Bạn trẻ ơi, không phải mình chọn ngành nghề đâu, mà ngành, nghề đang chọn mình đấy!

Thu Hòa