Cơ hội bứt phá của những "ông lớn họ Cà”

07:43 | 16/07/2012

705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa bối cảnh hàng vạn doanh nghiệp phá sản, một số công ty chuyên doanh cà phê đã nắm lấy cơ hội không những sống khỏe, mà còn vươn lên trở thành những ông lớn hàng đầu trong làng cà phê Việt, thu về hàng tỉ đôla hàng xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho hàng trăm nghìn hộ trồng cà phê.

“Ông lớn họ Cà gốc Việt ” gồm những ai ?

Niên vụ cà phê 2011-2012, tổng sản lượng cà phê cả nước đã thu hoạch ước khoảng 1,35 triệu tấn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo niên vụ 2012-2013 cà phê Việt Nam sẽ gặt hái được mùa bội thu cao nhất từ trước tới nay, tăng khoảng 7% so với vụ trước.

Đến giữa tháng 6/2012, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước đạt 48,23 tỉ USD, tăng 23,6%. Trong đó, KNXK riêng khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng rất nhanh: 43,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26,2 tỉ USD, chiếm tới 54,3% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Tỉ lệ này khá tương ứng với thực trạng kinh doanh cà phê giữa khối DN nội so với khối DN FDI.

Chế biến cà phê xuất khẩu tại Tập đoàn Trung Nguyên

Trừ khoảng phân nửa tổng sản lượng cà phê nhân xô đã bị các DN FDI thu mua, hơn nửa triệu tấn cà phê còn lại được nhóm DN nội địa nổi bật dự kiến tiêu thụ trong niên vụ 2012-2013 (từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2013), theo kế hoạch hoạt động đã công bố, dự kiến như sau: Imexco hơn 200 nghìn tấn, Simexco Đắk Lắk 110 nghìn tấn, Trung Nguyên 110 nghìn tấn, Tín Nghĩa Đồng Nai 90 nghìn tấn v.v… Đây chính là những “ông lớn top đầu” trong làng cà phê Việt đã băng qua nhiều thử thách khốc liệt thời kinh tế suy thoái, lớn mạnh vượt bậc giữa “bãi chiến trường” còn ngổn ngang “xác” hàng trăm DN kinh doanh cà phê đã thua lỗ thảm bại và lần lượt phá sản trong năm qua.

Riêng Vinacafé Biên Hòa (VCF) từng nhiều năm là “ông lớn” số 1 trong làng cà phê Việt, với sản lượng cà phê thu mua từ 15-20 nghìn tấn/năm để chế biến ra nhiều mặt hàng, với lịch sử là DN đầu tiên chế biến, xuất khẩu cà phê hòa tan mang thương hiệu Việt Nam. Đáng tiếc, nay đã bị thôn tính bởi Masan Consumer (MCF) – một tập đoàn có nhiều nguồn lực tài chính nước ngoài hậu thuẫn – bằng cách mua đứt hơn 50% cổ phần từ cuối năm 2011 và chưa dừng lại tại đó, với mục tiêu thống trị không che giấu. Tại đại hội cổ đông thường niên VCF tháng 4/2012, ông Đoàn Đình Thiêm Chủ tịch HĐQT VCF tuyên bố: Với sự tham gia và hỗ trợ lớn của MCF, VCF quyết tâm thống lĩnh thị trường cà phê Việt Nam với 80% thị phần cà phê hòa tan và 51% thị phần cà phê rang xay vào năm 2016, khiến các “ông lớn nội địa” không khỏi đặc biệt cảnh giác.

Ích nước, lợi nhà, hỗ trợ nông dân

Chưa có ngành nông sản nào mà độ thăng trầm quyết liệt, dữ dội bằng cà phê. Không dưới 2/3 trong tổng diện tích trên nửa triệu hécta của cả nước do phá rừng mà ra! Tại Tây Nguyên, địa bàn quyết định đến gần 90% sản lượng cả nước, hàng triệu người dân đã từng vui – buồn, sướng – khổ, làm giàu lẫn phá sản đến tận cùng bởi cà phê. Đã có lúc giá cà phê rơi tận đáy, tới nỗi giá “cà phê thảm thê hơn cà pháo”. Sự chao đảo đó có nguyên nhân do DN Việt không làm chủ được thị trường, để giới đầu cơ nước ngoài lũng đoạn, làm giá.

Vài năm gần đây, tình hình ổn định hơn, có phần công lao không nhỏ của những “ông lớn họ Cà” đất Việt ngày càng trưởng thành cả về tiềm lực kinh tế lẫn kinh nghiệm thương trường. Những cuộc đầu tư, mua bán ngày càng sòng phẳng với kết nối được xác định lâu dài, bền vững giữa các bên. Đặc biệt, người trồng cà phê tại những vùng chuyên canh ngày càng được “bảo bọc” kỹ lưỡng, yên tâm về đầu ra ổn định với những cam kết “tốt chưa từng có” do các ông lớn bằng mọi giá phải bảo vệ cho được những vùng nguyên liệu nổi tiếng cùng lúc có nhiều đối tác dòm ngó, tranh giành.

Trong các “ông lớn họ Cà nội địa” kể trên, chỉ có Trung Nguyên chuyên chế biến cà phê bột và cà phê hòa tan, còn lại các tổng công ty Imexco (TP HCM), Simexco (Đắk Lắk), Tín Nghĩa (Đồng Nai) chủ yếu chỉ thu mua cà phê hạt để sơ chế rồi xuất khẩu.

Kinh doanh xuất khẩu cà phê hạt ngay tại những DN hàng đầu, dù doanh số lên đến vài nghìn tỉ đồng, tỉ lệ lợi nhuận vẫn không lớn lắm, điều đáng kể là giải quyết được đầu ra cho rất nhiều người trồng CP.

Ví dụ Simexco Đắk Lắk: Năm 2011 hỗ trợ gần 2.300 hộ trồng cà phê, mở rộng vùng nguyên liệu đạt các chứng chỉ cà phê bền vững trên 3.600ha, tổng doanh thu trên 4.600 tỉ đồng thì đã phải trả lãi tiền vay các ngân hàng thương mại hết trên 100 tỉ đồng, tổng lợi nhuận chỉ đạt 23 tỉ đồng, nộp ngân sách các loại thuế tổng cộng được 11,6 tỉ đồng. Để đạt tới những con số “chưa từng có” này, Thạc sĩ marketting Lê Đức Huy trợ lý tổng giám đốc Simexco cùng cộng sự đã phải rất dày công kết nối cho được mối quan hệ trực tiếp với gần 20 nhà rang xay lớn nhỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới, bán cà phê nhân với giá tốt nhất vì không phải qua trung gian, điều mà hầu hết các DN xuất khẩu cà phê nhân khác tại Tây Nguyên tới nay vẫn chưa làm được.

DN nào đủ sức tham gia phân khúc chế biến sâu, tạo được những mặt hàng tiện dụng tới tận bếp mỗi gia đình mới nắm chắc lợi nhuận cao và nộp được những khoản tiền lớn về thuế, phí các loại cho ngân sách.

Ông Phạm Quang Vũ, Tổng giám đốc VCF từng tiết lộ: Giá trị gia tăng từ cà phê hòa tan so với cà phê nhân là rất lớn. Chẳng hạn, năm 2010, sản lượng cà phê của VCF khoảng 17.000 tấn nhưng doanh thu đạt được khoảng 65 triệu USD (tương đương 4.000USD/tấn). Trong khi đó, cả nước xuất khẩu tới 1,2 triệu tấn cà phê nhân nhưng giá trị mang về chỉ đạt 1,85 tỉ USD (chỉ gần 1.500USD/tấn). Bước sang 6 tháng đầu năm 2012, VCF vẫn đạt mức lãi ròng 122,5 tỉ đồng, dù sản lượng thu mua cà phê hạt kém xa so với Simexco Đắk Lắk.

Còn Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên ngày càng lớn mạnh vượt bậc, đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan nội địa, với 40% thị phần cho mặt hàng G7, đứng trước cả 2 thương hiệu có vốn ngoại là Nescafé (31%) và Vinacafé (26%), theo đánh giá công bố quý I/2012 bởi 2 công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới là Kantar Worldpanel và Nielsen Việt Nam. Vài con số nói lên lợi ích đáng kể từ nghề chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan mà DN này đã đóng góp cho xã hội, như sau: Năm 2011, thu mua trên 100 nghìn tấn cà phê nhân, chế biến tiêu thụ nội địa 78%, xuất khẩu 22%, trả lương cho 2.647 nhân viên, đóng thuế các loại trên 163 tỉ đồng.

Xác định cuộc đấu tranh giành nguồn nguyên liệu ngày càng sóng gió, Tập đoàn Trung Nguyên chủ động ứng phó ở cả ba cấp độ: chiến lược quốc gia, chiến lược ngành và chiến lược doanh nghiệp. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên cho biết: Riêng với ngành cà phê, chúng tôi đã nghiên cứu, thiết kế và đang đề xuất trình Chính phủ đề án “Cụm ngành cà phê quốc gia”, nhằm quy hoạch cà phê Việt Nam thành một cụm ngành liên hoàn, có tính chất của một hệ sinh thái kinh tế, tạo ra lợi thế cạnh tranh có khả năng mang lại giá trị lên tới 20 tỉ USD cho Việt Nam trong chưa đầy 10 năm tới. Đây là một đề án tổng thể từ khâu nghiên cứu và phát triển, trồng và thu hoạch, chế biến sau thu hoạch, bán lẻ và dịch vụ, thương mại và thương hiệu, tài chính và bảo hiểm; Đặc biệt là sự liên kết của các quốc gia trồng cà phê vì lợi ích chung, nhằm tránh bị thao túng và trục lợi từ những nhóm lợi ích tại các quốc gia không trồng ra hạt cà phê nào.

Hoàng Thiên Nga

Năng lượng Mới số 137, ra thứ Sáu ngày 13/7/2012