Chuyện người chồng trẻ suýt ở tù

06:50 | 20/04/2013

1,040 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Câu chuyện của người chồng may mắn thoát án tù vì tội “giao cấu với trẻ em” đã thu hút sự chú ý của người dân xóm chợ Bến Bình Đông (quận 8, TP HCM) trong những ngày qua. Bị cáo trong vụ việc lại chính là người chồng có cô vợ chỉ mới14 tuổi.

Vỡ chuyện "tảo hôn"

Lê Đức Thiên Tân (SN 1991) là con lớn trong gia đình có 3 người con. Nhà quá nghèo, Tân phải nghỉ học từ lúc còn nhỏ. Hằng ngày, cậu ra chợ cá Cây Gõ (quận 6) để phụ giúp mẹ khiêng hàng. Những lúc rảnh rỗi, Tân lại tìm đến quán Internet để giải trí. Vào quán, Tân cũng chẳng biết làm gì, chỉ chơi những trò trẻ con rồi quen và yêu cô bé Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1994).

Huyền có dáng người nhỏ bé, da trắng, đôi mắt đẹp và ngoại hình ưa nhìn. Sinh ra trong hoàn cảnh kém may mắn, cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng, Huyền sống nhờ vào bà ngoại. Sự yêu thương chân thành của Tân dành cho Huyền đã khiến cho tình cảm cứ lớn dần. Cả hai đến với nhau khi Tân vừa bước sang tuổi 18 và Huyền mới 14 tuổi.

Tân đưa cô bé về ra mắt gia đình. Chị Nga - mẹ Tân thấy cô gái dễ thương, hiền lành, lại lễ phép nên đồng ý cho con trai qua lại để tìm hiểu Huyền. Sau thời gian quen nhau được 2 tháng, gia đình “nhà trai” chính thức sang xin cưới. Tháng 11/2009, lễ cưới của “vợ chồng nhí” được tổ chức.

Niềm vui của người chồng thoát án "giao cấu với trẻ em"

Về ở được 2 tháng, Huyền mang thai. Tân hết mực yêu thương và chăm sóc vợ chu đáo. Một buổi sáng, Tân mua dĩa bánh ướt về cho Huyền ăn, thai nghén hành hạ, cô vợ giận dỗi không ăn. Phát cáu, Tân đưa tay tát nhẹ vào mặt vợ một cái. Huyền tủi thân rồi ngồi ở góc nhà khóc thút thít. Câu chuyện được thêu dệt và đến tai chính quyền địa phương. Ngay sau đó, công an phường đến yêu cầu Tân lên trình bày vụ việc. Chuyện tảo hôn bị cơ quan chức năng phát hiện.

Vài ngày tạm giam về tội “đánh” vợ, Tân được cho về rồi chờ ngày Huyền sinh nở, chính quyền địa phương đến nơi lấy mẫu ADN của cả 2 cha con mang đi thử nghiệm. Kết quả đứa trẻ chính là con của Tân. Cơ quan chức năng vào cuộc và Tân bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại. Bà con hàng xóm, cô bác, họ hàng đều lấy làm lạ vì Tân phải hầu tòa do cưới vợ.

Ra tòa một ngày cuối tháng 11/2012, phiên tòa như não lòng cặp vợ chồng trẻ. Bà con hai bên nội ngoại dự phiên tòa xét xử tại quận 8 rất đông. Lúc tòa nghị án, Tân như hình dung đến chuyện sẽ bị ở tù. Vợ Tân chỉ biết ẵm con gái còn đỏ hỏn lên ghế bị cáo cho cha nó bồng một lát. Đối mặt trước vành móng ngựa, Tân như rơi vào tuyệt vọng.

Giờ tuyên án, Hội đồng Xét xử đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ nhưng Tân vẫn bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam. Sau khi nghe tuyên án, Tân ôm con vào lòng, hôn cô con gái và chia tay người vợ trẻ để vào tù thụ án. Nhưng may mắn, Tân được tòa cho tại ngoại để tiếp tục kháng án lên cấp tòa cao hơn.

Phiên xử đậm đà tình người

Ngày 9/4 vừa qua, Tòa án Nhân dân TP HCM xử Phúc thẩm đã tuyên Tân phạm tội “giao cấu với trẻ em” nhưng không áp dụng hình phạt tù. Tại tòa, gia đình Tân ôm nhau mà cứ rớt nước mắt. Những tiếng nấc nghẹn vang lên trong công đường. Cả nhà Tân cứ nhìn về phía Hội đồng Xét xử như muốn nói lời cảm ơn vì đã mang đến cho gia đình họ một đặc ân không phạt tù đối với Tân. Sang ngày hôm sau, tiếp chuyện chúng tôi, cả hai họ vẫn chưa vơi nỗi sung sướng, nói từng câu như nghẹn lại. Người mẹ nhận tất cả lỗi về phía bản thân, phía người mẹ vì đã không biết luật, không hiểu luật để khuyên răn con ngay từ đầu.

Hai phiên tòa, hai cấp xét xử trôi qua. Gia đình chị Nga như phải bước qua từng tháng ngày nặng trĩu. Lúc còn chờ ngày xét xử, ở xóm ai cũng bảo muốn con được giảm án hay thoát án đều phải biết “này nọ”. Nghèo xác xơ, cả 3 thế hệ có 8 người cùng ở thuê trong căn nhà bề ngang chỉ 2 mét, dài khoảng 10 mét thì lấy đâu ra tiền để “chạy án”. Tiền nhà chủ trọ chỉ lấy 1 triệu đồng/tháng cho có thu để gia đình chị Nga ở mà không phải áy náy. Chị vẫn mang một hy vọng, tòa sẽ gia ân phán xét, sẽ là một bản án để cứu giúp gia đình và những đứa con, đứa cháu vì trót không hiểu luật mà vướng đến vòng lao lý. 

Đối mặt với phiên tòa hôm ấy, Tân cứ như quẫn trí. Ngay cả họ và tên của mẹ, vị chủ tọa hỏi mà Tân cũng chẳng thể nào trả lời trôi trảy. Tân chỉ thấy hai đôi chân đứng trước vành móng ngựa mà cứ như đang ở nơi bị động đất, cứ run run và va đập vào nhau. Từng lời chủ tọa vẫn cứ ôn tồn, vừa giáo dục, vừa để răn đe về lỗi của Tân đã mắc phải. 

Ngay sau phiên tòa, Tân chạy ra tiệm cắt tóc và cạo trọc đầu để tự “ăn mừng” cho niềm vui quá lớn trong cuộc đời. Tất cả những kết luận của công an quận, cáo trạng của Viện Kiểm sát và bản án của Tòa án quận, Tân mang đốt hết như muốn quên đi cái áp lực, quên đi những tháng ngày sống trong nỗi sợ hãi. Trách nhiệm người chồng, trách nhiệm người cha sẽ đè nặng lên vai nếu chẳng may Tân phải chịu án tù.

Từ ngày cưới vợ, Tân bỏ hẳn niềm đam mê chơi Internet và đi giao hàng kiếm tiền làm niềm vui. Thu nhập của Tân chỉ vỏn vẹn 120 ngàn đồng/ngày. Người vợ trẻ ban đầu phụ giúp mẹ Tân bán cá ở chợ, sau này đến quán cơm gần nhà phụ bán. Thu nhập của Huyền cũng chỉ 60 ngàn đồng/ngày. Số tiền của hai vợ chồng gom góp đủ mua sữa nuôi 2 đứa con bé bỏng. Nhìn chúng cười nói bi bô, Tân như quên hẳn mệt nhọc, vất vả để cố kiếm tiền nuôi con khôn lớn.

Luật pháp nghiêm minh và nhân đạo

Sau phiên xét xử, thẩm phán Phạm Đức Oánh cho biết: Tôi không bị bất cứ một áp lực nào khi miễn hình phạt tù cho Tân. Đây là mức án đúng với quy định pháp luật. Tôi nghĩ, bản án sơ thẩm dành cho bị cáo là quá nghiêm khắc và không cần thiết phải xử Tân mức án 3 năm 6 tháng tù. Thực ra, tính nguy hiểm mà bị cáo dành cho xã hội là không còn nữa. Ở đây, Huyền đã có 2 người con với bị cáo.

Qua phiên xét xử, tôi thấy mặc dù sinh sống ở gần trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật nhưng thực sự Tân rất lạc hậu về nhận thức. Ngay cả gia đình không nhận thức được hành vi của Tân là nguy hiểm cho xã hội. Xét ở hành vi có người vợ hay người tình dưới 16 tuổi như vậy là vi phạm pháp luật. Gần như gia đình Tân lạc hậu về pháp luật do học vấn thấp. Mặc dù ở vùng đô thị nhưng người dân vẫn không có được người trình độ dân trí cao, không được người hướng dẫn nên không phân biệt được hành vi nào là nguy hiểm cho xã hội.

Sau khi xét xử một bản án mà được sự đồng thuận giữa xã hội và giữa người phạm tội mà không có gì đối nghịch nhau về quyền lợi thì bản thân tôi cảm thấy thỏa mãn. Xã hội không gay gắt với bản án, người phạm tội có cơ hội trở về với cuộc sống của bình thường, có ích cho xã hội thì đã đạt được cả tình lẫn lý.

Rất vui là sau khi tuyên án, đồng nghiệp, bạn bè, người dân đều cảm thấy phấn khởi vì cho rằng, pháp luật nghiêm minh tùy theo trường hợp để răn đe cho các hành vi ứng xử trong xã hội. Có những trường hợp vi phạm phải xử nghiêm khắc nhưng cũng có trường hợp phải xử khoan hồng và có tính chất khoan hồng đặc biệt. Luật pháp có quy định áp dụng hình phạt răn đe một cách linh hoạt theo đúng pháp luật. Như trong trường hợp Tân, được hưởng án treo và miễn phạt tù, ở đây tội vẫn có nhưng không cần thiết phải đưa ra hình thức xử phạt.


Hưng Long