Chuyên gia Nga: Trung Quốc bành trướng, bá quyền ở Biển Đông

11:14 | 15/07/2016

4,220 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 12/7, tòa án PCA đã ra phán quyết phủ nhận cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông phương học thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Nga đã có bài bình luận trên hãng thông tấn TASS của Nga ngày 14/7.
chuyen gia nga trung quoc banh truong ba quyen o bien dong
Người dân Philippines biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila

TQ láo xược gọi vụ kiện Biển Đông là trò hề chính trị

TQ tuyên bố không chấp nhận và không chấp hành phán quyết trên, láo xược nói rằng đó là một “trò hề chính trị”.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố rằng quyết định của PCA là cuối cùng và có tính ràng buộc đối với tất cả các bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Giới quan sát Nga cũng không thờ ơ đứng ngoài cuộc. Ông Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản của Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Nga cho biết:

“Phán quyết của PCA có thể khiến tình hình tranh chấp leo thang căng thẳng. TQ một mực chống đối phán quyết này và ngang nhiên tiếp tục các hoạt động trái phép của mình tại Biển Đông, bất chấp cự phản đối không chỉ của các nước tham gia tranh chấp mà còn của Mỹ. Tôi không loại trừ khả năng TQ sẽ gây hấn ở Hoàng Sa và Trường Sa, trước hết là với Việt Nam và Philippines. TQ sẽ tìm cách hiện thức hóa khái niệm “đường chín đoạn” ôm trọn gần hết Biển Đông và gọi đó là “vùng đặc quyền kinh tế” của mình. Trước hết, cần nhìn nhận rằng TQ không muốn các nước láng giềng được hưởng các nguồn tài nguyên ở biển Đông (hải sản, khoáng sản). Philippines đâm đơn kiện, nhưng tham gia tranh chấp với TQ còn có Việt Nam, Malaysia, Brunei… Họ vô cùng quan ngại khi TQ xây dựng ngày càng nhiều đảo nhân tạo trong khu vực để lập nên trên đó các loại căn cứ quân sự. Mỹ theo dõi rất sát sao diễn tiến tình hình tại biển Đông và đã nhiều lần khuyến cáo TQ dừng ngay những hành động như vậy.

Tuyệt đại đa số các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương coi đây là chính sách bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh. Và điều quan trọng nhất là Mỹ đã không đứng bên ngoài các tranh chấp này. Mỹ nêu yêu cầu về tự do hàng hải ở Biển Đông. Chiến lược này của Mỹ là nhằm chặn mưu đồ bành trướng của TQ. Mỹ đã điều tàu chiến các loại đến những vùng biển mà TQ coi là lãnh hải của mình. Mỹ cũng thực hiện các chuyến bay quân sự gần các hòn đảo nhân tạo do TQ xây nên. Tất cả những điều này dẫn đến sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ.

Biển Đông đã trở thành bàn cờ lớn cho một ván cờ địa chính trị. TQ cho rằng Mỹ không có quyền thống trị về mặt quân sự trong vùng nước Thái Bình dương. Nhưng Mỹ, với luận điểm bảo vệ quyền tự do hàng hải, vẫn muốn nắm quyền kiểm soát Biển Đông.

Nhật Bản không đứng ngoài lề

Nhật Bản cũng không muốn buông tay đứng ngoài cuộc, cũng đã lên tiếng về cuộc tranh chấp với TQ về đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ chỉ vì sự ngang ngược của TQ. Còn Biển Đông thì cũng là tuyến đường hàng hải quan trọng đối với Nhật Bản trong việc chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu.

Được biết, mỗi năm có một lượng hàng hóa trị giá hơn 5 tỷ USD được vận chuyển từ Nhật và đến Nhật qua ngả Biển Đông, không hề nhỏ kể cả so với quy mô kinh tế toàn cầu. Như vậy, đương nhiên Nhật Bản cực lực phản đối việc TQ thâu tóm quyền kiểm soát tuyến đường này.

Cũng chính vì thế mà Nhật Bản là nước đầu tiên lên tiếng yêu cầu TQ phải thực hiện phán quyết của PCA, không e ngại thực tế là điều này sẽ làm cho quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng. Nhật Bản cũng gián tiếp tham gia tranh chấp Biển Đông bằng cách cung cấp cho Việt Nam và Philippines tàu tuần tra biển”.

TQ đã hành động ra sao trước áp lực của Mỹ và các nước láng giềng?

Ngay trước khi PCA ra phán quyết, TQ trơ tráo tổ chức tập trận ở Biển Đông, ngụ ý “ta đây cóc sợ”. Ông Valery Kistanov cho rằng tranh chấp ở Biển Đông sẽ quyết liệt thêm, vì từ nay các nước đối thủ của TQ (trong cuộc tranh chấp này) đã có thêm vũ khí mới là phán quyết của PCA. Ông không loại trừ khả năng Mỹ, Nhật Bản và các nước khác sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông để dằn mặt TQ. Ông hi vọng sẽ không xảy ra chiến sự, nhưng những xung đột nhỏ là khó tránh khỏi, chẳng hạn như mới đây, tàu hải giám TQ đã đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Ông cũng tin rằng TQ sẽ hành động theo ý mình, phớt lờ sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Thiện Tâm

Theo TASS