Chăn nuôi gây ô nhiễm nghiêm trọng

07:00 | 25/03/2018

3,300 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi không chỉ chịu ảnh hưởng từ mặt trái của công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn từ chính những hoạt động thuần nông truyền thống như chăn nuôi. 

Sống chung với ô nhiễm

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, chăn nuôi lợn khoảng 4 triệu hộ, chăn nuôi gia cầm khoảng 8 triệu hộ, với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc. Ước tính mỗi năm có khoảng 90 triệu tấn chất thải rắn (phân, lông, da); 50 triệu m3 chất thải lỏng, nhưng mới chỉ 60% chất thải được xử lý ở mức sơ sài. 40% chất thải còn lại xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng nước mặt, nước ngầm, không khí, đất nông nghiệp.

chan nuoi gay o nhiem nghiem trong
Hầu hết các hộ gia đình chăn nuôi đều xả thải trực tiếp ra môi trường

Những năm qua, Hà Nội đã quy hoạch các vùng chăn nuôi trọng điểm (15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt; 4 vùng chăn nuôi lợn; 9 vùng chăn nuôi gia cầm với gần 2.000 trang trại) xa khu dân cư để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chỉ có 14,3% trang trại thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; 3,2% chưa áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, số còn lại có xử lý chất thải nhưng chủ yếu chỉ xây hầm biogas, ủ làm phân bón và một số ít sử dụng chế phẩm sinh học khác. Còn chăn nuôi nông hộ thì hầu như không áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý chất thải nào mà xả thẳng vào hệ thống thoát nước hoặc ra môi trường.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chính của tình trạng đó là các công trình xử lý chất thải ở trang trại không được đầu tư xây dựng đạt chuẩn trước khi đưa vào hoạt động, dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy ở những kênh, mương, ao hồ, nơi xả thải trực tiếp, làm bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai..., ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sống ở vùng ô nhiễm.

Giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi là đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, chế biến chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ để phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

Lý giải cho điều này, không ít hộ chăn nuôi cho rằng, chăn nuôi quy mô lớn theo chuẩn phải phải có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. Nhưng do kinh phí đầu tư lớn 20-30 tỉ đồng nên rất ít trang trại thực hiện được, đành buông xuôi việc xử lý chất thải.

Một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, gia đình nuôi gần 100 con lợn tại nhà, toàn bộ chất thải xả chung với hệ thống thoát nước của thôn. Biết gây ô nhiễm không khí, ao hồ… nên gia đình đã khắc phục bằng cách sử dụng đệm lót sinh học. Tuy nhiên, vào mùa nóng, giải pháp này không hiệu quả nên mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc, ngay cả gia đình cũng bị ảnh hưởng. Nhưng vì chăn nuôi là nguồn thu chính, gia đình đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm và… mặc kệ chuyện ô nhiễm.

Giải pháp nào?

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, đại diện Tổng cục Môi trường kiến nghị, thời gian tới cần quản lý quy hoạch chăn nuôi theo lộ trình, xóa bỏ dứt điểm các loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ; quy định chặt chẽ về quy trình thủ tục, yêu cầu kỹ thuật lưu giữ, quản lý và xử lý nhằm tái chế chất thải chăn nuôi thành thức ăn thủy sản hoặc phân bón; đồng thời hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường riêng cho lĩnh vực chăn nuôi.

TS Hoàng Văn Thức - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - nói: “Giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi là đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, chế biến chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ để phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch”.

Đồng quan điểm, đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định, đối với các cơ sở chăn nuôi lớn, địa phương cần rà soát lại quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái, số lượng, chủng loại để không gây quá tải. Đối với các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ, khi chưa xóa bỏ, cần có chính sách hỗ trợ xử lý chất thải hiệu quả hơn như sử dụng biện pháp khí sinh học, kết hợp các công nghệ xử lý chất thải nhằm tạo điều kiện cho các hộ vừa tiếp tục chăn nuôi trong khu dân cư, bảo đảm các chỉ tiêu môi trường ở mức độ chấp nhận được.

Riêng đối với những trang trại xây mới phải nằm trong quy hoạch và xa khu dân cư, phải có hồ sơ thiết kế, đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng. Khi vận hành, nếu không bảo đảm về môi trường, các ngành chức năng phải thẩm định lại dự án. Việc quy hoạch chăn nuôi và rà soát lại quy hoạch cần thực hiện theo định kỳ, thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám thông tin, hiện nay Chính phủ giao cho Bộ xây dựng Dự án Luật Chăn nuôi và Trồng trọt để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong kỳ họp tháng 5-2018. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp, giúp xây dựng chính sách để công tác quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả hơn.


Theo các chuyên gia, để có thể giảm thiểu ô nhiễm, các địa phương cần tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của bảo vệ và xử lý môi trường trong chăn nuôi. Yêu cầu 100% trang trại và hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường cũng là những giải pháp quan trọng. Một số địa phương có tốc độ phát triển mạnh, nhưng chưa có quỹ đất để quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư phải quản lý chặt chẽ các hộ chăn nuôi trong khu dân cư. Ngoài tuyên truyền, cần có chế tài xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...

Nguyễn Anh