Cha mẹ đã thật sự hiểu con trẻ?

22:32 | 14/04/2017

1,202 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Nhiều cha mẹ rất yêu thương, quan tâm đến con cái nhưng đôi khi chỉ dừng lại ở việc chu cấp về vật chất mà lại ít dành thời gian ngồi trò chuyện cùng con" – chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho biết.

Những ngày gần đây, dư luận cả nước chưa hết hoang mang sau vụ bé N.L bị sát hại tại Nhật Bản. Được biết, trước khi bị bắt cóc, N.L đã kể với người bạn cùng lớp về việc mình bị theo dõi. Đáng tiếc là cha mẹ bé lại không hề hay biết việc này.

Có ý kiến cho rằng nếu cha mẹ N.L chịu khó trò chuyện cùng con gái thì có lẽ sự việc đáng tiếc không xảy ra. Xung quanh câu chuyện này, Phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Phạm Hiền để đem đến lời khuyên cho các bậc làm cha mẹ trong việc quan tâm và bảo vệ con trẻ.

cha me da that su hieu con tre
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền.

PV: Theo chuyên gia, điều gì khiến nhiều bé ngại, không chia sẻ cảm xúc với cha mẹ?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Tôi nghĩ nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam luôn luôn cho rằng mình là đúng. Ngược lại, khi con có ý kiến, người lớn chưa kịp lắng nghe, chưa kịp thấu hiểu, chưa kịp đặt câu hỏi đã vội gạt đi những lời nói của con trẻ. Thậm chí, tự suy diễn và cho rằng những gì trẻ đang nói là tưởng tượng và không quan tâm, căng thẳng hơn có thể chỉ trích và nói những lời gây tổn thương trẻ.

Từ đó tạo ra rào cản giữa bố mẹ và con cái. Trẻ sẽ giữ cho mình những bí mật riêng và tìm đối tượng chia sẻ có thể lắng nghe, không làm trẻ lo sợ. Nhiều người không biết phải nói chuyện gì với con và gợi mở câu chuyện bằng cách nào. Một số người do công việc bận rộn, không có thời gian gần gũi con cái. Hơn nữa, họ nghĩ rằng con còn nhỏ, chưa đến lúc phải biết quá nhiều thứ.

PV: Dấu hiệu nhận biết trẻ đang lo sợ hoặc cảm nhận được nguy hiểm là gì, thưa chuyên gia?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Trẻ nhỏ vốn rất nhạy cảm và tùy từng vấn đề mà có biểu hiện khác nhau.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang lo sợ như: khóc về đêm, ngủ mơ, quẫy đạp, la hét. Ban ngày bé có dấu hiệu sợ sệt, thay đổi tâm trạng thất thường, thái độ khác lạ so với ngày thường. Tuy nhiên những biểu hiện đó đôi khi đánh lừa cảm giác, chúng ta vẫn cần ngồi lai nói chuyện để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.

PV: Trả lời trên báo chí, cha mẹ bé N.L cho biết, trong đời sống hằng ngày họ luôn dành thời gian quan tâm và trò chuyện cùng bé. Bên cạnh đó, họ cũng luôn dặn dò con gái phải tránh tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên sự việc đau lòng vẫn xảy ra. Chuyên gia suy nghĩ gì về vấn đề này?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Vấn đề không dừng lại ở việc cha mẹ có quan tâm, chăm sóc, trò chuyện mà ở cách cha mẹ thực hiện tương tác với bé. Việc cha mẹ áp đặt suy nghĩ lên con sẽ khiến trẻ trở nên thụ động trong việc tiếp nhận vấn đề.

Các bậc phụ huynh nên trang bị kiến thức cho trẻ không chỉ dựa trên lời nói mà cần tạo các tình huống để trẻ có thể hiểu và có khả năng phản xạ khi ra thế giới bên ngoài. Từ đó giúp con nhận diện được khu vực an toàn và người an toàn. Ngược lại có thể phân biệt được khu vực nguy hiểm và người xấu. Việc quan sát, nhận diện thường xuyên sẽ hình thành phản xạ cho trẻ, đồng thời hạn chế rủi ro trẻ có thể gặp phải khi không có bố mẹ bên cạnh.

PV: Theo chuyên gia, cha mẹ phải làm gì trong trường hợp con trẻ khép kín tâm tư, ít chia sẻ và bộc lộ suy nghĩ?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Đầu tiên các bậc phụ huynh phải biết cách điều chỉnh thói quen tư duy của mình. Việc cha mẹ không kiểm soát được lời nói và hành vi khi nóng giận sẽ làm trẻ sợ hãi, thậm chí nếu sự việc lặp đi lặp lại sẽ khiến trẻ trở nên lì lợm, ương bướng và sống khép kín. Trước hết cha mẹ nên bình tĩnh để tìm hiểu sự việc, sau đó cùng ngồi lại với con để giải quyết vấn đề trên tinh thần tạo động lực và khích lệ.

Bên cạnh đó cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm và trò chuyện cùng con, tối thiểu là 10 phút một ngày. Như vậy sẽ tạo cho con thói quen tâm sự với bố mẹ từ khi còn bé. Những câu chuyện giữa bố mẹ và con không đơn thuần chỉ là hỏi han, nó còn cung cấp kiến thức, kĩ năng sống rất cần thiết cho bé.

Những câu hỏi gợi mở khiến trẻ có hứng thú trả lời, thay bằng những câu hỏi gây nhàm chán hoặc áp lực và khiến trẻ sợ phải trả lời.

Có ba kỹ năng cơ bản cha mẹ cần hướng dẫn được cho trẻ: Kỹ năng nhận diện, kỹ năng quan sát và kỹ năng giải quyết, ứng phó vấn đề. Nếu cảm giác lo sợ điều gì, các bé sẽ nói chuyện với bố mẹ để xác minh sự việc. Trong trường hợp gặp nguy hiểm nhưng không có ai bên cạnh, bé tự phải có những phản xạ linh động, chạy trốn, kêu cứu gây chú ý để có người giúp đỡ hoặc phản kháng để thoát thân.

PV: Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ khuyến khích con em mình tự lập từ nhỏ, ví dụ nhà gần trường có thể để con tự đi học. Bằng cách nào vừa có thể dạy bé tính tự lập, vừa không phải canh cánh nỗi lo an toàn cho bé, thưa chuyên gia?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Việc trẻ tự lập từ nhỏ là vô cùng tốt và tôi khuyến khích điều đó. Tuy nhiên phải nói rằng dù cha mẹ để con tự lập, song không nên chủ quan xem nhẹ sự an toàn của trẻ. Cha mẹ cần trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản, đồng thời tìm hiểu tuyến đường bé sẽ đi có thật sự an toàn hay không.

Tốt nhất nên để bé đi học cùng một nhóm bạn và đảm bảo nhóm bạn ấy cũng được trang bị những kỹ năng cơ bản để bảo vệ bản thân và bảo vệ bạn mình trước những tình huống xấu có thể xảy ra.

PV: Là chuyên gia tâm lý, chị muốn gửi gắm điều gì đến nhà trường và xã hội trong việc phối hợp với gia đình chăm sóc và bảo vệ trẻ?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Đối với xã hội, nên tuyên truyền nâng cao ý thức, thiên hướng vì cộng đồng của người dân trong việc quan tâm và bảo vệ trẻ nhỏ.

Về phía nhà trường cần đưa vào trương trình hoạt động đào tạo cho trẻ những kiến thức cơ bản về giới tính, phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra hằng ngày... Vấn đề là nhà trường đã đưa những kiến thức này vào các hoạt động ngoại khóa chưa? Liệu đưa vào thì có cho trẻ thực hành không hay chỉ dừng lại ở nền tảng lý thuyết. Thầy cô giáo cũng nên theo sát tình hình của bé, tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của các em để có thể phối hợp với gia đình sớm phát hiện những rủi ro và bảo vệ an toàn cho trẻ một cách hiệu quả.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

“Cha mẹ nên tạo sự gần gũi với con cái bằng cách tâm sự chuyện của mình với con trẻ, tất nhiên là những chuyện trẻ có thể hiểu được và nó thực sự giúp ích trong việc hoàn thiện kỹ năng sống cho trẻ.

Mỗi ngày một câu chuyện, liên quan đến một vấn đề kèm theo đó là kỹ năng cơ bản dành cho bé. Cha mẹ có thể tự nghĩ ra các tình huống nguy hiểm rình rập con mình để mang vào câu chuyện kể với con thay vì giáo huấn, giáo điều, bắt bé phải thế này, phải thế kia.

Ví dụ mẹ có thể kể về việc mẹ cảm nhận có ai đó theo dõi mẹ, bé từ đó sẽ hình thành việc tự để ý, nhận thức và phản xạ xung quanh mình. Từ đó, nếu có gì bất thường sẽ kể lại với mẹ” - chuyên gia Phạm Hiền chia sẻ thêm.

Xuân Hinh - Đinh Hương (thực hiện)