Cần sự ổn định về mặt bằng lãi suất
Lãi suất huy động giảm
Theo thống kê, lãi suất huy động trung bình tiếp tục có diễn biến giảm nhẹ trong tháng 9 vừa qua đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình lãi suất huy động 6 tháng giảm 0,03%/năm xuống 4,71% và 12 tháng giảm 0,002%/năm còn 5,561% vào cuối tháng 9. Riêng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) điều chỉnh giảm lãi suất đối với cả 2 loại kỳ hạn trên.
![]() |
Lãi suất huy động cũng như cho vay đều giảm so với trước đây |
Thực tế cho thấy, với mức lãi suất thấp như hiện nay đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, khiến một lượng tiền không nhỏ chảy vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán...
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, tại thời điểm cuối tháng 9, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Cụ thể, trong tháng 9 vừa qua, nhóm này đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt 0,02 và 0,05 điểm phần trăm, xuống còn 4,45%/năm và 5,39%/năm.
Trong khi đó, đối với ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng), lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh giảm 0,02 điểm phần trăm, xuống còn 5,37%/năm; song lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng vẫn điều chỉnh tăng nhẹ lên 6%/năm.
Ghi nhận vào đầu tháng 10/2021, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng hầu như không có biến động so với đầu tháng 9/2021 với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng, duy trì ở mức 3,775%/năm và 4,95%/năm. Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất huy động ở các kỳ hạn chủ chốt của Vietcombank và BIDV vẫn được duy trì như cùng kỳ tháng 9/2021
Tương tự như vậy, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động tại các ngân hàng như: SCB, Techcombank, HDBank, Sacombank, SHB.... hầu như giữ nguyên so với cùng kỳ của tháng 9/2021.
Trong số này, chỉ có Sacombank điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2% ở các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 24 tháng; còn Techcombank điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động ở kỳ hạn 6 tháng với mức giảm 0,2%/năm...
Nhìn chung toàn thị trường, hết tháng 9/2021, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 3,7%/năm và cao nhất là 6,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng thấp nhất là 4,5%/năm và cao nhất 6,8%/năm. Có thể thấy, động thái duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp và có chiều hướng giảm tại một số ngân hàng được cho là nhằm cân đối với việc hạ lãi suất cho vay theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo đại diện một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội, việc cho vay cũng không dễ dàng do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, dòng tiền gián đoạn không quay vòng được vốn, do vậy khó đáp ứng đủ các yêu cầu về phương án sản xuất, dòng tiền trả nợ... Do đó, ngân hàng cần phải đưa ra các giải pháp tư vấn tài chính hợp lý, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất
Duy trì mặt bằng lãi suất thấp là cần thiết
Theo thống kê của NHNN, từ giữa tháng 7 đến nay 16 ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với số tiền là 11.800 tỉ đồng. Từ nay đến cuối năm, số tiền mà các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay sẽ tăng lên. Lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến cuối tháng 9-2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 27.000 tỉ đồng.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước từ nay tới cuối năm là tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại và sẽ theo dõi sát diễn biến dịch bệnh.
Với lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề hạ lãi suất đầu vào thời điểm hiện nay, nhằm bảo đảm thanh khoản của hệ thống cũng như quyền lợi người gửi tiền.
Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, lãi suất đầu vào của các ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020 đến nay, hiện vào khoảng 5-5,5%/năm. Như vậy, trường hợp lạm phát duy trì ở mức 3% thì người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.
“Nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng nữa mà đi mua nhà, mua vàng. Trong khi, các ngân hàng chủ yếu là đi vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, không thể đặt mục tiêu giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra từ nay đến cuối năm”, Phó thống đốc Tú nhấn mạnh
Thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để kích thích cho nền kinh tế. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đang phối hợp với các bộ, ban, ngành xem xét về việc đưa gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng (lãi suất 3-4%/năm) ra nền kinh tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
M.C
-
Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
-
Goldman Sachs dự đoán việc tăng sản lượng của OPEC+
-
Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thuế quan: Giá vàng sẽ ra sao?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 13/5: Thu nhập giảm tại các công ty dầu mỏ lớn
-
“Cởi trói” để doanh nghiệp nhà nước vươn mình trong kỷ nguyên mới