Các nhân tố trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên

07:10 | 16/04/2016

1,116 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Báo Liên hợp buổi sáng, đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã hai lần thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa, khiến cho tình hình bán đảo một lần nữa trở nên xấu đi, thậm chí đã làm cho đồng minh truyền thống của mình là Bắc Kinh tức giận.

 Mỹ - Trung sau khi thương lượng đã đạt được thỏa thuận về biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã nhất trí thông qua biện pháp trừng phạt Triều Tiên được cho là nghiêm khắc nhất trong vòng gần 2 thập niên qua, trong đó bao gồm cả việc cấm xuất - nhập một số hạng mục cũng như các phương tiện vận chuyển giao thông qua lại giữa Bắc Kinh và Triều Tiên.

cac nhan to trong van de hat nhan trieu tien
Một tên lửa của Triều Tiên

Điều này có nghĩa, tất cả các viện trợ hỗ trợ nhân đạo cho người dân Triều Tiên bị cắt đứt. Phản ứng lập tức của Bình Nhưỡng đối với hành động trên là tiến hành bắn nhiều lần tên lửa tầm ngắn ra vùng biển phía đông, đồng thời đe dọa sẽ “đáp trả mạnh mẽ các hành động bất hợp pháp của LHQ”. Thành Rome không phải được xây dựng trong một ngày. Để thực sự hiểu được những thay đổi của bán đảo Triều Tiên, người ta không chỉ tập trung vào bán đảo Triều Tiên, mà còn phân tích tình hình chiến lược và bối cảnh lịch sử xuyên suốt của toàn bộ khu vực Đông Bắc Á.

Trong nửa thế kỷ kể từ cuối thế kỷ XIX, bán đảo Triều Tiên vốn được xem là nơi xung đột lợi ích và chiến trường trực tiếp của các bên, từng xảy ra ba cuộc chiến tranh quốc tế quan trọng: Chiến tranh Giáp Ngọ 1894-1895, Chiến tranh Nga - Nhật 1904-1905 và Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Từ các cuộc chiến tranh này, không khó nhận ra rằng, tất cả các cuộc khủng hoảng và cân bằng ở bán đảo Đông Á này trên thực tế đều là kết quả tranh giành của 4 nước là Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Nhân tố Nga

Sự thương lượng giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên lần này đã khiến Nga cảm thấy khó chịu. Vì vậy, yêu cầu Hội đồng Bảo an chậm bỏ phiếu nghị quyết này một ngày. Điều này một mặt cho thấy sự không hài lòng của Nga khi bản thân bị gạt ra ngoài cuộc tranh giành địa chính trị, đồng thời cũng cho thấy, họ muốn lấy lại thể diện cho mình. Tuy nhiên, xem xét tình hình hiện tại, Nga vẫn không phải là những người có ảnh hưởng nhất đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên, tức là trong khuôn khổ “đàm phán 6 bên”, Moskva thuộc lớp ảnh hưởng thứ hai. Mặc dù vậy, nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng, bất luận là cuộc chiến tranh Nga - Nhật đầu thế kỷ trước, hay chiến tranh Triều Tiên 66 năm trước đây, Nga đều là một trong những người khởi xướng cho cuộc khủng hoảng và chiến tranh trên bán đảo này.

cac nhan to trong van de hat nhan trieu tien
Bắc Triều Tiên tiến hành diễn tập pháo binh

Mặc dù Nga là siêu cường hàng đầu thế giới ở khu vực Á - Âu, song điểm yếu lớn nhất của họ là các “cảng không đóng băng” khiến cho Nga không thể trực tiếp tranh bá thế giới. Vì vậy, theo đuổi các “cảng không đóng băng” trở thành nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của những người cầm quyền thời Sa hoàng, Liên Xô trước đây hay nước Nga ngày nay. Trước kia, ý định đưa Mông Cổ độc lập với Trung Quốc trở thành vùng an toàn rộng lớn ở phía nam nước Nga; khôi phục phạm vi ảnh hưởng ở phía đông bắc Trung Quốc có từ thời Sa Hoàng, bảo đảm Nga có “cảng không đóng băng” và cửa biển hướng ra Tây Thái Bình Dương chính là hai mục tiêu chiến lược to lớn ở Viễn Đông được Stalin đề ra cho Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngày nay, Moskva dường như chỉ muốn đóng vai phụ trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, họ vẫn đang duy trì sách lược “xem trọng những cái lợi trước mắt”, họ biết rằng, quan hệ đồng minh Bắc Kinh - Bình Nhưỡng chỉ còn trên danh nghĩa, song không thủ thời cơ hành động, qua đó có thể kích thích vào “dây thần kinh nhạy cảm của Trung Quốc”, ngược lại luôn duy trì sự can dự thấp và vòng ngoài, thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc năm 1990, mở rộng lĩnh vực hoạt động ngoại giao, qua đó càng tạo nên áp lực ngoại giao cho Triều Tiên, đồng thời nhẫn nại chờ đợi Kim Jong-un đi tới bước đường cùng và tự tan rã.

Nhân tố Mỹ

Khách quan mà nói, Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai chưa bao giờ xem bán đảo Triều Tiên là phạm vi ảnh hưởng của mình, nhiều nhất cũng chỉ là vùng đệm. Cuộc Chiến tranh Triều Tiên xảy ra sau này là cuộc chiến tranh nóng đầu tiên trong suốt thời gian mấy chục năm của Chiến tranh Lạnh. Kể từ đó, sự tồn tại của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên luôn được duy trì, một loạt hiệp ước đồng minh quân sự mới của Mỹ ở Đông Á lần lượt ra đời: Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật (năm 1951), Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines (năm 1951), Hiệp ước Quốc phòng chung Mỹ - Hàn (năm 1953), Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc (năm 1954). Trong thời gian 66 năm phân chia bán đảo Triều Tiên, chuỗi đảo bao vây nhằm vào Trung Quốc Đại lục luôn tồn tại, những năm trước đây, nó phục vụ cho nhu cầu của cuộc Chiến tranh Lạnh, ngày nay nó lại phục vụ cho chiến lược tái cân bằng châu Á của Chính quyền Tổng thống Obama.

Trong chuỗi đảo này, Hàn Quốc có vị trí rất quan trọng, vì vậy Washington luôn cố gắng thúc đẩy liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn. Tuy nhiên, mong muốn này của Mỹ rốt cục vẫn chưa thể trở thành hiện thực do Nhật Bản và Hàn Quốc luôn tồn tại vấn đề về lãnh thổ và lịch sử chưa thể nào giải quyết được. Hơn nữa, quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc ngày nay đã trở nên mật thiết, Trung Quốc vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều đối với Triều Tiên, nên Mỹ vẫn cần hợp tác với Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề của Triều Tiên, đồng thời Mỹ cũng cần tranh thủ thời cơ để tăng cường ảnh hưởng của mình. Sau khi Kim Jong-un cho thử hạt nhân, Mỹ lập tức đề nghị thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, theo một số nhà phân tích, mục đích thực chất hành động này của Mỹ không phải là Bình Nhưỡng mà là Trung Quốc và Nga.

Nhân tố Nhật Bản

Nhật Bản muốn tồn tại và phát triển thì phải “lên bờ”, bán đảo Triều Tiên là bàn đạp lý tưởng để Nhật Bản thực hiện điều này và nó luôn là chính sách nhất quán của Nhật Bản. Có thể nói, người tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sinh tồn của Triều Tiên không phải là Nga, cũng không phải là Mỹ, càng không phải là Trung Quốc mà là Nhật Bản.

Năm 1592, chính quyền Toyotomi xâm lược Triều Tiên, tuy nhiên sau đó Toyotomi bị bệnh và qua đời, nên kế hoạch to lớn chiếm lấy toàn bộ Đông Á lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản vì thế không thực hiện được. Sau đó 300 năm vào cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản trở nên lớn mạnh nhờ vào cuộc cách mạng Minh Trị, một lần nữa có ý định xâm chiếm về hướng Đông. Năm 1895, Nhật Bản thông qua Chiến tranh Giáp Ngọ cắt đứt quan hệ Trung - Triều. Trung Quốc sau khi ký “Hiệp ước Mã Quan”, đã rút khỏi Triều Tiên, Nhật Bản không ngờ Nga đã tranh thủ thời cơ đưa chân tới trước và cuối cùng nổ ra Chiến tranh Nga - Nhật. Sau khi Nga thất bại, hình thành nên cục diện Nhật Bản độc chiếm Triều Tiên, việc thôn tính hoàn toàn Triều Tiên được chính thức đánh dấu bằng “Hiệp ước Nhật - Triều” ký năm 1910 và duy trì mấy chục năm sau đó.

Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã đầu hàng vô điều kiện, ngoài lãnh thổ và 4 hòn đảo thì tất cả đều bị mất. Bán đảo Triều Tiên mặc dù rất gần, song dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Mỹ, Nhật Bản không dám làm liều và đành tạm thời từ bỏ tham vọng này. Trong suốt một thời gian dài, Nhật Bản không có tiếng nói quyết định trong vấn đề hạt nhân Triều Tiêu, chỉ đến khi Triều Tiên nhiều lần tạo ra mối đe dọa hạt nhân, Nhật Bản mới có cơ hội gia nhập diễn đàn nước lớn can dự vào vấn đề bán đảo Triều Tiên. Sách lược hiện nay của Nhật Bản là có lợi cả hai: Một mặt dựa vào phe Mỹ - Hàn kịch liệt phản đối Triều Tiên thử hạt nhân, tham gia bao vây Bình Nhưỡng; mặt khác lại có ý định tiến hành đàm phán song phương trực tiếp với Bình Nhưỡng, thông qua viện trợ kinh tế để có được những lựa chọn chiến lược nhiều hơn, nâng cao tiếng nói của mình trong việc giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên có mối quan hệ hết sức gần gũi. Trong lịch sử quan hệ láng giềng kéo dài hơn 2.300 năm, hai nước có lúc hòa, lúc chiến, lúc độc lập lúc xưng thần, song nhìn chung khoảng thời gian đồng minh hữu hảo giữa hai bên vẫn chiếm phần nhiều.

Thời kỳ đầu sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, bán đảo Triều Tiên theo Hội nghị Yalta trở thành đối tượng quản lý quốc tế, Tưởng Giới Thạch bận lo việc nội chiến nên không có thời gian quan tâm đến vấn đề Triều Tiên. Tại Trung Quốc Đại lục, sau khi thống nhất đất nước, Mao Trạch Đông một mặt bắt tay xây dựng kinh tế trong nước, đồng thời chuẩn bị giải phóng Đài Loan, mà không quan tâm nhiều tới tình hình đang xảy ra ở nước láng giềng Triều Tiên. Đối với Mao Trạch Đông, bán đảo Triều Tiên là việc mà Stalin và Kim Il Sung cần phối hợp xử lý. Cho đến mùa Hè năm 1950, không lâu trước khi Kim Il Sung dưới dự ủng hộ của Moskva chuẩn bị tấn công miền Nam, Mao Trạch Đông buộc phải đưa ra quyết định trước tình thế không thể thay đổi.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối cùng đã quyết định “kháng Mỹ viện Triều”, một mặt do áp lực từ phía Stalin, mặt khác cũng là xuất phát từ những tính toán về lợi ích an ninh của bản thân. Điều lo ngại nhất của Mao Trạch Đông khi đó là việc mất kiểm soát trong cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể dẫn tới chiến tranh thế giới thứ ba và khi đó Mỹ nhất định sẽ giúp Tưởng Giới Thạch bố trí lực lượng làm hai hướng tấn công vào Đại lục: Tấn công từ phía Triều Tiên vào khu vực phía bắc, đồng thời tấn công từ Đài Loan đổ bộ lên khu vực phía đông, hình thành thế gọng kìm tấn công Trung Quốc. Nếu như xảy ra tình huống này, chính quyền non trẻ của Trung Quốc sẽ đối mặt với mối nguy hiểm thực sự.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải trả giá rất lớn cả về vật lực và sinh mệnh trên báo đảo Triều Tiên để tạo ra một vành đai “an toàn” cho mình, kể từ khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 cho đến nay, Triều Tiên luôn là vùng đệm chiến lược của Trung Quốc trong cuộc đối đấu với Mỹ ở Đông Bắc Á. Xuất phát từ những tính toán lợi ích địa chính trị, mục tiêu cơ bản mà Trung Quốc đề ra trong chính sách đối với Triều Tiên là duy trì hiện trạng phân chia chính trị, thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một Triều Tiên từ chối cải cách ngày càng xa lánh cộng đồng quốc tế. Trong 20 năm qua, Triều Tiên bất chấp tất cả để phát triển vũ khí hạt nhân, thực hiện cái gọi là “Tiên quân chính trị” (quân sự và chính trị đặt lên hàng đầu). Những năm gần đây, Triều Tiên không ngừng gây sự với các nước láng giềng trong khu vực, điều này không chỉ phá vỡ giới hạn cuối cùng trong quan hệ Trung - Triều, mà còn khiến Mỹ - Nhật - Hàn phản đối mạnh mẽ, là cớ để Mỹ thực hiện chính sách trở lại châu Á, từ đó cản trở rất nhiều sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Đối với việc Đông Bắc Á có thể xảy ra thay đổi lớn bất kỳ lúc nào, Trung Quốc đã kịp thời sử dụng các đối sách nhằm bảo vệ lợi ích địa chính trị của mình ở bán đảo Triều Tiên.

Ngày nay, xung quanh các vấn đề bán đảo Triều Tiên, các nước về cơ bản không còn bị ràng buộc bởi các nhân tố hình thái ý thức, mà chủ yếu lấy lợi ích quốc gia làm nền tảng để đưa ra các đối sách chiến lược. Trung Quốc đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên cần phải xem xét thời thế, tích cực tìm kiếm hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi vì Trung Quốc và ba nước này có lợi ích chung trên hai lĩnh vực sau: thứ nhất là thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; thứ hai là ngăn chặn gia tộc Kim Jong-un ở Triều Tiên tiếp tục khiến cho tình hình bất ổn. Trên cơ sở nhận thức chung này, Trung Quốc không những không né tránh vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên, mà còn phải tích cực thúc đẩy quá trình này, đồng thời dẫn dắt tình hình theo hướng có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Cụ thể là cần có sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ, bày tỏ rõ ràng mong muốn sau đây: Trung Quốc ủng hộ và lạc quan trước sự thống nhất bán đảo Triều Tiên, với tiền đề là bán đảo Triều Tiên sau khi thống nhất cần thoát khỏi hiệp ước đồng minh quân sự với Mỹ, thực hiện chính sách ngoại giao độc lập không liên minh, bảo đảm từ bỏ vũ khí hạt nhân và không tiếp nhận sự bảo hộ hạt nhân của bất kỳ nước nào. Nếu có thể thực hiện được mục tiêu này, cục diện Đông Á rõ ràng sẽ theo hướng hòa dịu, giữa Mỹ - Trung - Nhật - Hàn có thể thiết lập cục diện mới lấy hợp tác thay cho đối đầu.

 

Tuấn Long

Năng lượng Mới 514