Buôn bán, vận chuyển sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam (phần 2)

12:45 | 04/02/2019

1,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo thông tin mới nhất công bố ngày 10/11/2014 của Bộ Môi trường Nam Phi, trong năm 2014 đã có 1020 con tê giác bị sát hại ở nước này, tăng 16 con so với mức kỷ lục được xác lập vào năm 2013 là 1004 con.

Trong 5 năm gần đây, lực lượng cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với cảnh sát Nam Phi xác minh làm rõ 04 đối tượng, 02 công ty liên quan đến các hoạt động mua bán trái phép sừng tê giác. Qua công tác phối hợp đấu tranh chống tội phạm buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã nói chung và buôn bán, vận chuyển sừng tê giác nói riêng, lực lượng chức năng Việt Nam vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về hệ thống luật pháp của các nước trên thế giới có nhiều điểm khác biệt, các quan niệm rất khác nhau. Trong khi hệ thống pháp luật của các nước phát triển quy định rất chặt chẽ và hình phạt dành cho các tội phạm về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã rất nghiêm khắc, với mức hình phạt rất cao nhưng hệ thống pháp luật của nhiều nước đang phát triển, các điều luật điều chỉnh về hành vi phạm tội liên quan đến môi trường chưa đầy đủ, hoàn thiện hoặc hình phạt dành cho các tội danh này chưa đủ tính răn đe tội phạm.

Ở nhiều nước Châu Phi, hình phạt dành cho các tội phạm về môi trường là dưới 10 năm tù giam hoặc phạt tiền với số lượng không quá 3 lần số tiền là tang vật của vụ án. Đây là những tồn tại đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm môi trường của lực lượng cảnh sát nói chung. Trong nhiều trường hợp, phía Việt Nam yêu cầu cảnh sát nước ngoài cung cấp tài liệu chứng cứ về các hành vi phạm của tội phạm xâm hại môi trường nhưng vì thiếu hành lang pháp lý, phía nước ngoài cho rằng những hành vi này chưa thực sự nghiêm trọng nên đã từ chối không cung cấp tài liệu chứng cứ... Điều này gây ra nhiều khó khăn cho quá trình điều tra của phía Việt Nam, nhiều trường hợp đã dẫn đến bỏ lọt, sót tội phạm. Thêm nữa, những bất cập về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong và ngoài nước trong giải quyết cùng một vụ việc. Trong nhiều trường hợp, thông tin do phía nước ngoài chuyển giao bị chuyển qua chuyển lại giữa nhiều cơ quan chức năng trong nước gây mất thời gian, chồng chéo không hiệu quả, thậm chí còn dẫn đến việc đề xuất xử lý không đồng nhất giữa các cơ quan dẫn đến hiệu lực thực thi pháp luật về loại tội phạm này không cao. Hơn nữa, Việt Nam vừa là địa bàn tiêu thụ vừa là địa bàn trung chuyển sang nước thứ ba.

buon ban van chuyen sung te giac tu chau phi ve viet nam phan 2

Giết tê giác để lấy sừng

Theo đánh giá của tổ chức Traffic, tại Việt Nam hàng năm số tiền lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm ước tính trên 70 triệu USD. Trên thị trường Việt Nam, sừng tê giác có giá trị khoảng từ 25.000 đến 40,000 USD một kg. Giá của các loại sừng này tùy thuộc vào xuất xứ của chúng. Trong đó, sừng tê giác châu Á là được “hét giá” cao hơn cả. Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ có đến 2/3 sừng tê giác trên thị trường Việt Nam là sừng tê giác giả được làm từ sừng bò, sừng trâu. Với quan niệm của người Việt:“Viên thuốc làm từ sừng tê giác này được bán để chữa được mọi bệnh, từ mệt mỏi tới ung thư” và nghiễm nhiên nó được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và các nước đến mức bị xem như tâm điểm của sự gia tăng chóng mặt các vụ săn trộm tê giác tại châu Phi cách xa hàng nghìn dặm. Theo báo cáo "Đánh giá việc tuân thủ và thực hiện cam kết CITES về hổ, tê giác và voi" của tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) dựa trên khảo sát ở 23 nước, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác với số lượng lớn nhất và được coi là tác nhân gây ra khủng hoảng săn bắn trộm tại Nam Phi.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm đặc biệt là sừng tê giác từ châu Phi vào Việt Nam vẫn gia tăng. Bên cạnh các đối tượng được thuê để vận chuyển sừng tê giác trái phép, đã xuất hiện nhiều trường hợp các đối tượng là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước có cơ hội đi công tác, học tập tại nước ngoài (đặc biệt là tại các nước Châu Phi) đã lợi dụng để vận chuyển trái phép bằng đường hàng không.

buon ban van chuyen sung te giac tu chau phi ve viet nam phan 2

Nhiều người Việt Nam coi sừng tê giác là thần dược.

Hiện nay, một số gia đình người Việt Nam tại Nam Phi đã tổ chức thành một đường dây gia đình khép kín từ khâu săn bắt (đã được hợp thức hóa) đến khâu mua bán, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam. Điều này càng gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống tội phạm vận chuyển trái phép sừng tê giác của lực lượng công an. Trong những năm gần đây, các nước tích cực tham gia Công ước về cấm buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về tội phạm buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã nói chung và sừng tê giác nói riêng. Đẩy mạnh tuyên truyền những thông tin nhằm phản bác về tác dụng của sừng tê giác, làm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác vào mục đích chăm sóc sức khỏe, xác định nó chỉ có tác dụng như các loại sừng gia súc khác (trâu, bò...). Tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra các vụ vận chuyển sừng tê giác về Việt Nam để đưa ra xét xử công khai nhằm răn đe, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã ở Việt Nam, không để các đối tượng phạm tội chỉ bị xử lý hành chính nội bộ. Nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống tội phạm môi trường theo hướng tăng cường trình độ ngoại ngữ, kiến thức, kinh nghiệm trong đối ngoại, hiểu biết về pháp luật quốc tế, kỹ năng sử dụng các loại phương tiện máy móc cùng với việc trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ việc giải quyết các vấn đề về tội phạm môi trường nhằm chủ động giải quyết các vụ việc cụ thể đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế./.

Hòa Thu