Bộ trưởng Lao động kêu gọi không thể chậm trễ việc tăng tuổi nghỉ hưu

07:09 | 20/05/2019

388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 19/5, phiên họp thẩm tra gấp dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi trước khi dự luật được trình ra Quốc hội kỳ họp thứ 7, bắt đầu sáng 20/5. Tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung được tranh luận nhiều hơn cả tại cuộc họp.

Tại bản dự thảo mới nhất, Chính phủ vẫn đưa ra 2 phương án về việc tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Cơ quan chủ trì soạn thảo bộ luật – Bộ LĐ,TB&XH phân tích, cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn, đến năm 2026, tuổi nghỉ hư với nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030, nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (tức tăng dần sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ).

Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Qua khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến các cơ quan và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ.

Từ quan điểm của cơ quan thẩm tra, đại biểu Ngô Trung Thành – đại diện UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng dự thảo chưa có ý kiến của đối tượng là người lao động mà thiên về ý kiến của các cơ quan, tổ chức nhiều hơn, trong khi người lao động mới là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp.

Thực tế cho thấy, với cơ quan hành chính sự nghiệp, việc tăng tuổi không tác động nhiều nhưng với số đông người lao động, không chỉ lao động ở các ngành nghề nặng nhọc mà như trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên mẫu giáo đều bày tỏ mong sớm được nghỉ hưu.

Đất nước dân số vàng, sao vẫn phải tăng tuổi hưu?

Bộ trưởng Lao động kêu gọi không thể chậm trễ việc tăng tuổi nghỉ hưu
Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung: "Chuyện tăng độ tuổi nghỉ hưu không thể chậm hơn nữa".

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Ngọ Duy Hiểu lập luận, các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu đều là những nước thiếu lao động trầm trọng. Việt Nam vẫn đang trong cơ cấu dân số vàng, hàng năm, số người trẻ tham gia vào thị trường lao động rất lớn.

“Người trẻ muốn tham gia thị trường lao động thì bị hạn chế cơ hội mà người già muốn nghỉ lại phải tiếp tục làm việc thì cần cân nhắc” – ông Hiểu phân tích.

Ông cũng đề cập vấn đề, cơ cấu lao động của Việt Nam hiện chủ yếu là lao động thủ công, cần sức lực nên bản thân người sử dụng lao động cũng không muốn thuê lao động già. Thực tế, tại nhiều doanh nghiệp, người lao động chỉ tầm 35-40 tuổi là chủ sử dụng đã tìm cách loại bỏ, thay thế.

Đại biểu dẫn chứng thêm: “Hay như nhiều cô giáo mầm non đã nói đó, 45-50 tuổi đã không còn sức đâu nhảy múa cho các cháu nữa chứ đừng nói lên tới 60 tuổi. Nếu không cẩn thận, chính sách này không có lợi cho ngành giáo dục, học trò cũng chán học cô”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, nếu chỉ tăng tuổi lao động vì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm là chưa thuyết phục. “Ở cương vị của tôi, tôi quan tâm đến việc làm cho những người trẻ tuổi. Người lớn tuổi không nghỉ thì lấy đâu ra cơ hội cho người trẻ? Chỉ ở một số môi trường công tác người lao động mong muốn kéo dài tuổi làm việc thôi, còn đa số mong nghỉ” – ông Hạ bày tỏ không muốn luật kéo dài tuổi lao động.

Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết lý do cần nâng tuổi nghỉ hưu vì áp lực thiếu hụt lao động đã là nhãn tiền. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm thị trường lao động tăng thêm 400.000 người, trong khi 15 năm trước, mỗi năm tăng 1,2 triệu người.

Ông Diệp cũng dẫn số liệu công bố năm 2018 của WHO về số năm sống khỏe mạnh sau 60 tuổi của người dân thì Việt Nam đứng thứ 41/182 nước có số liệu. Ở châu Á, Việt Nam chỉ thua Nhật, Singapore về chỉ số này. Thứ trưởng Bộ Lao động lập luận, như vậy, nói người lao động kiệt quệ sức khỏe sau 60 là không đúng.

Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung quả quyết, đến lúc này, chuyện kéo dài độ tuổi nghỉ hưu không thể chậm hơn nữa. Ông so sánh, thực tế, Nhật đang tìm mọi cách tác động tới Việt Nam để ký hiệp ước về lao động đặc biệt vì đất nước này đã cùng kiệt nhân lực. Nước Đức, nơi có tỷ lệ thấp nghiệp thấp nhất, đào tạo nghề tốt nhất thế giới cũng đang phải tính vấn đề này…

“Tôi càng ngày càng cảm thấy phải điều chỉnh ngay. Mà nếu thực hiện theo lộ trình đề ra, đến 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60; đến 2029 mới có người đàn ông đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62”, ông Dung phân trần.

Theo DT

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần có sự điều chỉnh phù hợp
Tăng tuổi nghỉ hưu - Yêu cầu khách quan
Tăng tuổi nghỉ hưu: Tầm nhìn dài hạn
Tăng tuổi hưu có ảnh hưởng tới việc làm của người trẻ?
Có bảo đảm quyền lợi người lao động?
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Nhiều tranh cãi xung quanh việc tăng tuổi nghỉ hưu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc