Tăng tuổi nghỉ hưu: Tầm nhìn dài hạn

15:03 | 20/07/2018

497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với mục tiêu xây dựng chế độ an sinh xã hội bền vững, một trong những cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH) là tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến việc làm nhất là cơ hội cho giới trẻ. Thực tế có đúng vậy không?   

Tốc độ già hóa dân số cao

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh vã Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp, trong bối cảnh già hóa dân số, hầu hết các nước trên thế giới đều có kế hoạch điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, cụ thể: Indonesia đang trong lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 65; Malaysia tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65; Hàn Quốc dự kiến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi vào năm 2034...

tam nhin dai han
Cán bộ hưu trí xem sổ BHXH của mình

Từ bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố: Tăng trưởng kinh tế với giải quyết bài toán về việc làm và thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; quy mô, chất lượng, cơ cấu dân số và cân đối quỹ BHXH trong dài hạn… Thứ trưởng Diệp nói: “Cần có tầm nhìn dài hạn trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thực hiện sớm, tiến hành khẩn trương theo lộ trình và không gây sốc cho thị trường lao động”.

Trước tác động của biến đổi cấu trúc dân số và tiến trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng chia sẻ lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai nếu không có tính toán và điều chỉnh tuổi nghỉ hưu kịp thời. Bởi, theo dự báo, năm 2015, cứ 6 người trong độ tuổi lao động có 1 người cao tuổi, thì đến năm 2055, cứ 2 người trong độ tuổi lao động sẽ có 1 người cao tuổi. Năm 2000, số người bước vào độ tuổi lao động của nước ta gấp 3,4 lần số ra khỏi tuổi lao động, đến năm 2017 chỉ còn gấp 1,36 lần và dự kiến năm 2035, số người vào độ tuổi lao động chỉ gấp 1,2 lần số ra khỏi tuổi lao động.

Trên thực tế, chúng ta đã điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu lên tới 65-70 tuổi đối với những người làm trong các ngành giáo dục, y tế như giáo sư, bác sĩ, những người làm nghiên cứu khoa học... để không lãng phí chất xám.

Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, theo đó, xác định việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2021; phương án điều chỉnh cụ thể sẽ được đưa ra khi trình Quốc hội sửa Bộ luật Lao động vào năm 2019.

“Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người bị suy giảm khả năng lao động… chế độ hưu vẫn tiếp tục được thực hiện với chính sách nghỉ hưu sớm, nghỉ hưu trước tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu quy định”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Giới trẻ mất cơ hội việc làm?

Đồng quan điểm về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong nhiều năm qua, tuổi nghỉ hưu của nước ta không thay đổi, kể từ khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam dưới 50 và đến nay đã tới 74 tuổi. Trên thực tế, chúng ta đã điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu lên tới 65-70 tuổi đối với những người làm trong các ngành giáo dục, y tế như giáo sư, bác sĩ, những người làm nghiên cứu khoa học... để không lãng phí chất xám. Nhưng nếu bây giờ nâng tuổi nghỉ hưu đồng loạt tương tự, chắc chắn sẽ tạo ra phản ứng trái chiều.

Một câu hỏi đặt ra: Nếu không giải quyết sớm vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu thì làm thế nào để chính sách an sinh xã hội và những quyền lợi của người dân được bảo đảm lâu dài, bền vững? Câu trả lời của các chuyên gia, các nhà quản lý: Chỉ có thể tăng tuổi nghỉ hưu.

“Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần phải có lộ trình với các bước triển khai cụ thể, phù hợp; bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; gắn chặt với việc lấy ý kiến tham gia của các nhóm đối tượng người lao động để có những điều chỉnh hợp lý, bởi người lao động là những người chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh này”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Tuy nhiên, một vấn đề khác đặt ra: Với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ có thể đẩy lực lượng lao động trẻ vào tình trạng thiếu việc làm? Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi khẳng định, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Bởi đào tạo lao động hiện nay khác với đào tạo thời kỳ bao cấp. Thời bao cấp, đào tạo và phân bổ lao động theo kế hoạch. Còn hiện nay, đào tạo theo nhu cầu thị trường, lao động giỏi luôn có cơ hội việc làm tốt, nhất là những lao động trẻ tuổi có trình độ cao.

Dự kiến, các phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030.

Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.

Nguyễn Bách