Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Hiểm họa từ biến đổi khí hậu là có thật!”

08:18 | 24/11/2011

464 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi các đại biểu chất vấn về khả năng ứng phó của ngành nông nghiệp trước thực trạng nước biển dâng, nước biển xâm thực thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã thừa nhận ông cũng đang đau đầu về vấn đề này.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp trả lời, theo thông tin mà ông nắm được, biến đổi khí hậu là chuyện có thật, không thể né tránh và Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Về giải pháp trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho biết, ngành nông nghiệp cũng đã trình Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo các biện pháp cụ thể, tuy nhiên, ông tỏ ra lo ngại, đồng thời kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị cùng người dân phải vào cuộc với sự quyết tâm cao độ.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) xây dựng kịch bản cho từng địa phương cụ thể để sẵn sàng ứng cứu, đối phó. Riêng ngành nông nghiệp, vấn đề quy hoạch hệ thống thủy lợi là công tác thí điểm đầu tiên, đang được triển khai quyết liệt. Công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu có lẽ là quan trọng hơn lúc nào hết.

Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Về vấn đề chặt phá rừng đầu nguồn bừa bãi, dẫn đến thực trạng lũ lụt ngày càng nghiêm trọng. Rừng có tác dụng điều hoà dòng chảy trong sông ngòi và dưới đất, rừng cản không cho dòng chảy mặt chảy quá nhanh, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Do đó những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai hạn hán và lũ lụt. Rừng càng nằm gần đầu nguồn sông, tác dụng điều hoà dòng chảy càng lớn hơn.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát tường trình về tình trạng phá rừng hiện nay. Cùng chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) dẫn chứng thực tế hiện nay không thể giúp người dân có thực sự sống được với rừng; làm sao để người trồng rừng sống được với nghề?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, rừng mang lại lợi ích chung cho dân tộc, cho đất nước. Tuy nhiên rừng chỉ có thể phát triển bền vững khi chính rừng đem lại cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn cho những người làm nghề rừng. Về vấn đề cho thuê, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TN&MT, KHĐT và Bộ NN&PTNT giải quyết vấn đề, bằng cách không cho thuê mới diện tích rừng. Những nơi nào trồng lấn địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng thì phải loại bỏ, kiên quyết không thỏa hiệp. Tất cả các địa phương đều nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Con số cuối cùng là 18,571 ha, chính là con số cuối năm 2010, các công ty nước ngoài mới trồng 13.657ha rừng.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp sát sao hơn về vấn đề trên, đặc biệt là vấn đề xóa đói, giảm nghèo. Cũng liên quan đến lực lượng kiểm lâm, ông Phát chia sẻ trải nghiệm sau lần thị sát vườn quốc gia Cát Tiên 2 tuần trước. Mục sở thị công tác bảo vệ rừng ở đây, Bộ trưởng kết luận, cần đấu tranh không khoan nhượng với những đối tượng phá rừng, đặc biệt là các đầu nậu – những kẻ đứng sau xúi giục và tiếp tay cho việc phá rừng. Ngoài ra, cần có chế độ tốt hơn cho anh em kiểm lâm để giữ rừng, phát triển rừng.

Liên quan đến thực tế cuộc sống bấp bênh của người nông dân, được mùa rớt giá, mất mùa được giá, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tỏ ra khá ưu tư trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai… ngày càng diễn biến phức tạp. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) lại cho rằng, để người nông dân bám đất, bám làng – yếu tố tiên quyết để đảm bảo an ninh lương thực – thì ngành nông nghiệp dường như chưa làm được. Bên cạnh đó, khả năng gắn bó với người nông dân của các Trung tâm, Viện nghiên cứu khu vực trực thuộc sự quản lý của lãnh đạo Bộ hầu như không có, cũng là vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận sự yếu kém trong khả năng gắn kết của của hệ thống nghiên cứu với người nông dân: “Các giống lúa của chúng ta đều do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và phát triển, tuy nhiên hiện tượng viện nghiên cứu nông nghiệp, Trung tâm vùng, miền xa người nông dân là có thật. Dù cố gắng, nhưng hệ thống của ngành NN còn tồn tại nhiều yếu kém. Trước hết, vấn đề hiệu quả, đặc biệt là việc phục vụ trực tiếp như cầu của người nông dân”.

“Bộ NN&PTNT hàng năm liên tục giới thiệu giống lúa mới và trở nên đắt hàng, nhanh chóng khan hiếm. Bộ vẫn liên tục chỉ đạo các Viện nghiên cứu để đưa ra các giống mới nhưng thực tế là không kịp. Khi áp dụng xã hội hóa trong công tác cung cấp giống tại các địa phương để bà con nhân rộng, tiếp tục không đáp ứng yêu cầu nên bà con vẫn phải đi mua giống trên thị trường. Về quản lý giống, chúng ta có văn bản pháp quy, yêu cầu địa phương quản lý chặt, nhưng trên thực tế ở nơi này nơi khác bà con nông dân vẫn mua phải những giống không tốt. Tôi xin tiếp thu vấn đề này”.

Trước tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Phát khẳng định, ngành đang từng bước hình thành khu vực thủy sản, vựa lúa, cao su, cà phê… trên khắp mọi miền đất nước. Dấu ấn của Chính phủ trong vấn đề này là rất lớn, đó là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, đi kèm việc hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đưa giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến về phổ biến. Có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị sẽ giúp người nông dân phấn khởi hơn khi bám đất, bám làng. Đây cũng là phần chất vấn của các Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang).

Về con số 3,81 triệu ha, Bộ trưởng cho rằng trong số này chỉ 3,2 triệu ha lúa hai vụ, còn lại là lúa nương (100.000 ha) và lúa một vụ (500.000 ha). Bảo về đất lúa, đây là vấn đề hết sức quan trọng. Tình trạng giảm sút đất lúa do tự nhiên (nước biển dâng, sạt lở trên các tuyến sông…) và do con người (lấy đất lúa phục vụ mục tiêu phi nông nghiệp). Sắp tới ngành nông nghiệp sẽ có biện pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT để khuyến khích địa phương giữ đất lúa, còn với những vùng chưa sử dụng đất trồng lúa hiệu quả thì xây dựng các phương án để tăng hiệu quả sử dụng đất… Nếu diện tích cần chuyển đổi mục đích thì địa phương phải có giải pháp và đề xuất cụ thể.

Kết thúc phiên chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát còn nhận được khá nhiều câu hỏi từ Đại biểu Quốc hội xoay quanh các vấn đề trọng tâm của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như giải pháp liên kết "4 nhà”, phát triển lao động nông thông, chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp sản xuất công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp trước thềm WTO…

Theo lịch, sáng 24/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Hữu Tùng