Bộ GTVT: Tiếp tục duy trì 5 đôi tàu kinh doanh lỗ 90 tỉ

09:36 | 30/11/2013

851 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên quan đến kiến nghị dừng hoạt động của 5 đôi tàu do hoạt động không hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có văn bản chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục duy trì để đảm bảo việc đi lại cho người dân.

>> Dừng hoạt động 5 đội tàu vì kinh doanh lỗ

Theo đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần nhanh chóng ổn định hoạt động của các đôi tàu hiện có, bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong đợt phục vụ Tết Dương lịch và Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

“Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương báo cáo về tình hình chạy tàu trên 5 tuyến địa phương mà đơn vị này kiến nghị dừng do 5 đôi tàu hoạt động không hiệu quả. Ngoài ra, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải nêu rõ các giải pháp đã thực hiện để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và phương án hoạt động kinh doanh của các đôi tàu này”- Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu.

5 đôi tàu hoạt động lỗ sẽ tiếp tục được duy trì.

Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị dừng hoạt động các tuyến: Vinh - Đồng Hới (VĐ 31/32); Đồng Hới - Huế (ĐH 41/42); Gia Lâm - Đồng Đăng (ĐĐ 3/4); Yên Viên - Hạ Long (R 157/158) và Long Biên - Quán Triều (91/92).

Nguyên nhân khiến Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị dừng là do các đôi tàu này hoạt động không đạt hiệu quả. Năm 2012 ngành đường sắt đã phải bù lỗ cho 5 đôi tàu này tới 90 tỉ đồng. Điển hình về việc kinh doanh kém hiệu quả của những đôi tàu này phải kể đến tuyến Yên Viên - Hạ Long, năm 2011 lỗ 19,5 tỉ đồng và năm 2012 lỗ 23,5 tỉ đồng; tàu Vinh - Đồng Hới năm 2012 lỗ 22,6 tỉ đồng.

Theo tính toán của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đôi tàu R157/158 chạy tuyến Yên Viên - Hạ Long có tổng chiều dài 106 km nhưng doanh thu chưa tới 4 triệu đồng/ngày, doanh thu này chỉ bằng 5% chi phí chạy tàu. Đôi tàu ĐH 41/42 chạy tuyến Đồng Hới - Huế doanh thu chỉ khoảng 14 triệu đồng/ngày, chỉ bằng 22-28% chi phí chạy tàu.

Đánh giá về nguyên nhân kinh doanh không đạt hiệu quả này, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, các đôi tàu này có lộ trình ngắn, sản lượng vận tải thấp và bị cạnh tranh gay gắt bởi các phương tiện khác. Ngoài ra, các tàu này chủ yếu gom khách trên những chặng ô tô khó vào nhưng lượng khách quá ít. Nhiều hành khách chỉ đi lộ trình ngắn vài chục km, giá vé chỉ 10.000 đồng.

Năm 2013, ngành đường sắt đã cố gắng giảm lỗ bằng một loạt biện pháp như tổ chức lại biểu đồ chạy tàu, gia tăng dịch vụ và nâng cao chất lượng các dịch vụ để thu hút thêm khách. Thế nhưng, hiệu quả kinh doanh vẫn không khả quan. Trước tình trạng trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam buộc phải gửi văn bản tới các địa phương có các đoàn tàu này chạy qua và các đơn vị thành viên thông báo kế hoạch dự kiến dừng chạy tàu.

T.M