Biển Đông phủ bóng đen lên Đối thoại Mỹ - Trung?

10:10 | 23/06/2015

940 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, những bất đồng song phương về Biển Đông sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung thường niên (S&ED) diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-6 tại thủ đô Washington.

Năng lượng Mới số 433

Đây là lần thứ 7 Mỹ - Trung tiến hành Đối thoại Chiến lược và Kinh tế, và Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ đứng đầu đoàn đại biểu phía Mỹ trong cuộc đối thoại lần này. Trong khi đó, đoàn đại biểu Trung Quốc do Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương dẫn đầu. Cũng trong thời gian này, Ngoại trưởng John Kerry và Phó thủ tướng Lưu Diên Đông sẽ đồng chủ trì cuộc Tham vấn về giao lưu nhân dân - nhân dân (CPE) lần thứ 6 giữa hai nước. Ngoài 2 cuộc đối thoại kể trên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại còn đồng chủ trì cuộc Đối thoại An ninh chiến lược (SDD) Mỹ - Trung lần thứ 5, trao đổi quan điểm các vấn đề an ninh có tầm quan trong chiến lược đối với cả hai nước.

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Mỹ sẽ không che giấu những khác biệt với Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Bởi Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc tạo ra hơn 800ha đảo nhân tạo nhằm đơn phương áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Daniel Russel cũng nhấn mạnh, những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông về cơ bản không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc. Và Mỹ kiên quyết tránh xảy ra đối đầu quân sự với Trung Quốc trong vấn đề này. Nhưng các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc phải phù hợp với luật pháp quốc tế, Hãng Reuters dẫn lời ông Daniel Russel.

Nhiều người khuyến cáo, Biển Đông đang phủ bóng đen lên Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung. Bởi trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương đã chỉ trích hành động “sắp hoàn thành” việc bồi đắp đảo nhưng sẽ tiếp tục mở rộng việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này của Trung Quốc là gây rối. Theo ông Daniel Russel, cả tuyên bố và hành vi đó đều không góp phần làm giảm căng thẳng, Mỹ thúc giục Trung Quốc ngừng cải tạo, không xây dựng thêm các cơ sở và tất nhiên không quân sự hóa thêm các tiền đồn trên Biển Đông. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Danny Russel còn coi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang đi ngược lại với mục tiêu của thế giới là giảm căng thẳng ở cấp độ khu vực.

Theo giới truyền thông, Trung Quốc đang muốn tránh những mâu thuẫn tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung, bởi Bắc Kinh muốn tạo bầu không khí “trong lành” cho chuyến thăm Mỹ trong tháng 9 tới của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Ngày 19-6, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cho biết, Bắc Kinh sẽ cố gắng “kiểm soát và xử lý một cách tích cực” những khác biệt với Mỹ trong tranh chấp hàng hải, an ninh mạng và nhân quyền. Còn Thứ trưởng Bộ tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu thông báo, song phương sẽ có các cuộc thảo luận sâu về 3 chủ đề chính: chính sách kinh tế vĩ mô, cải cách cấu trúc và thúc đẩy thương mại, đầu tư cũng như sự ổn định và cải cách thị trường tài chính.

Tờ The Wall Street Journal dẫn bình luận của một số chuyên gia cho rằng, động thái trên của Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang muốn tìm cách thỏa hiệp với Mỹ và các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, tờ The Christian Science Monitor dẫn thống kê từ Chính phủ Mỹ ước tính, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 810ha tại các bãi đá ngầm ở Biển Đông trong vòng 18 tháng qua. Ngoài ra, Bắc Kinh còn ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần 2/3 diện tích Biển Đông, nơi lượng hàng hóa có giá trị lên đến 5,3 nghìn tỉ USD được vận chuyển qua lại mỗi năm. Nhưng tờ The Diplomat vừa dẫn bình luận của nhà phân tích Prashanth Parameswaran cho rằng, sẽ là sai lầm và ngu ngốc nếu nghĩ Trung Quốc nhượng bộ. Bởi theo ông Prashanth Parameswaran, tuyên bố hôm 16-6 của Trung Quốc không có gì cụ thể và đây là cách “câu giờ” để đạt mục tiêu ngoại giao trước mắt mà Bắc Kinh thường sử dụng.

Giáo sư Joseph Siracussa của Viện Công nghệ Melbourne cảnh báo, Trung Quốc có thể gây chiến trên Biển Đông trong vòng 10 năm tới. Còn cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ James Lyons cho rằng, Mỹ cần can thiệp để đảm bảo duy trì “hòa bình vũ trang” trong khu vực, nếu không sớm muộn Trung Quốc cũng sẽ gây chiến để giành quyền kiểm soát Biển Đông. Ngày 18-6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi 612 tỉ USD cho quốc phòng trong năm tài chính 2016 và đây được coi là chiến thắng của đảng Cộng hòa, những người luôn ủng hộ việc tăng cường chi tiêu cho lĩnh vực quân sự.

Theo giới bình luận, căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu lắng dịu lại đang bị “tiếp thêm dầu” sau khi Washington nghi ngờ tin tặc Bắc Kinh tấn công cơ quan tình báo nước này. Mỹ cho rằng, Trung Quốc đứng sau vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào máy chủ của chính phủ liên bang Mỹ và đánh cắp thông tin cá nhân, cũng như hồ sơ của 14 triệu lao động và nhà thầu. Bởi thủ phạm các vụ tấn công mạng không phải là những hacker thông thường và động cơ của chúng không xuất phát từ tiền bạc. Đương nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này. Ngày 20-6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trình Quốc hội “Báo cáo tình hình chống khủng bố ở các nước năm 2014”. Trong đó nêu rõ, một số chính sách của Trung Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ sắc tộc tại Tân Cương.

Ngày 19-6, trang mạng quân sự sina.com của Trung Quốc đăng bài đề cập tới máy bay tuần tra săn ngầm Cao Tân-6 (GX-6) do Trung Quốc tự chế tạo và mới trang bị cho quân đội để giám sát tình hình Biển Đông. Và điều này cho thấy Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ sáu nghiên cứu phát triển máy bay săn ngầm sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Nhật Bản. Trong khi đó, tờ Globe and Mail (Canada) vừa đăng bài phỏng vấn học giả Robert Kaplan, chuyên gia phân tích về Biển Đông, trong đó cảnh báo, nếu Trung Quốc giành được sự thống trị ở vùng biển này, Bắc Kinh có thể tiến hành hiệu quả chiến lược kiểu “Phần Lan hóa” các quốc gia khác, từ đó ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực ở châu Á.

Tuấn Quỳnh