BIDV thành lập công ty tài chính tại Myanmar
Tham dự và chứng kiến lễ ký kết, lễ trao quyết định có ông U Maung Myint, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Chủ tịch Ngân hàng SMIDB; ông U Khine Shwe, Thượng nghị sĩ Cộng hoà liên bang Myanmar; ông U Win Anung, Tổng Vụ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Giám sát Tài chính Vi mô Myanmar cùng các ông bà đại diện Ngân hàng trung ương, Tổng vụ Đầu tư và Quản lý Công ty (DICA)... Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar có ông Nguyễn Thành Vinh, tham tán công sứ.
Theo Bản Thỏa thuận nguyên tắc, BIDV sẽ cung cấp khoản tín dụng trị giá 30 triệu USD trong thời hạn 5 năm hỗ trợ SMIDB cho vay, tài trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm triển khai chính sách phát triển công nghiệp và giảm nghèo của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Myanmar.
Bản Thỏa thuận nguyên tắc là một trong những nội dung nhằm hiện thực hóa Biên bản Ghi nhớ về hợp tác giữa BIDV và SMIDB được ký kết ngày 06/6/2014.
Đại diện BIDV và SMIDB ký thỏa thuận nguyên tắc sơ bộ về khoản vay 30 triệu USD
Thực hiện Biên bản Ghi nhớ, ngay trong tháng 7/2014, BIDV đã cử đoàn chuyên gia sang Myanmar để khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn về lĩnh vực Công nghệ thông tin cho SMIDB.
Đồng thời, BIDV đã mời SMIDB cử đoàn công tác cấp cao sang Việt Nam từ 15-21/9/2014 để khảo sát thực tế và trao đổi chuyên sâu về Công nghệ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai core-banking cũng như các nghiệp vụ kinh doanh tài trợ thương mại (TF) và ngoại hối (FX). Ngoài ra, BIDV cũng đã trao đổi với SMIDB về việc BIDV sẵn sàng xem xét cấp khoản vay với lãi suất/phí ưu đãi để hỗ trợ cho SMIDB đầu tư hệ thống phần mềm ngân hàng cốt lõi (core-banking).
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông U Maung Myint, Bộ trưởng Bộ công nghiệp Myanmar kiêm chủ tịch HĐQT SMIDB nhấn mạnh: “Hiện nay, Myanmar đang nỗ lực tập trung cao nhất để đáp ứng yêu cầu cơ bản cho sự phát triển của các SME, qua đó, hỗ trợ phát triển kinh tế và công nghiệp hóa đất nước. Vì vậy, Lễ ký kết Thỏa thuận nguyên tắc sơ bộ về khoản vay hôm nay là sự kiện đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa chúng ta”.
Cũng tại buổi lễ, bà Daw Soe Soe - Đại diện Tổng vụ Đầu tư và Quản lý Công ty (DICA), đã trao Giấy phép thành lập tạm thời số 825FC/2014-2015 ngày 11/11/2014 do Bộ Phát triển Kinh tế và Kế hoạch Quốc gia Myanmar cấp cho Công ty TNHH Tài chính BIDV (BIDV Finance Company Limited). Ông Phạm Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc BIDV, ông Trần Tiến Đông - Trưởng Văn phòng đại diện BIDV tại Myanmar và ông Myo San - Chủ tịch Công ty tài chính tiêu dùng vi mô Mahar Bawaga đại diện chính thức tiếp nhận Giấy phép.
Công ty Tài chính BIDV tại Myanmar được thành lập dựa trên vốn góp của đại diện phía Việt nam (70%) và của Công ty Tài chính Tiêu dùng Vi mô Mahar Bawaga, Myanmar (30%). Trụ sở chính của Công ty đặt tại số 629/631, đường Pyay, 51/2 Miles, Kamaryut, Township, Yangon. Phạm vi kinh doanh của Công ty tập trung ban đầu vào lĩnh vực: Tài chính vi mô; Nhận tiền gửi; Chuyển tiền và các hoạt động tài chính khác phù hợp với quy định pháp luật Myanmar.
Đại diện BIDV nhận Giấy chứng nhận thành lập (tạm thời) cho Công ty TNHH Tài chính
Trước đó, ngày từ tháng 10/2014, hai bên đã trải qua nhiều lượt đàm phán nhằm đi đến thống nhất các nội dung để thành lập Công ty tài chính BIDV tại Myanmar.
Phát biểu tại Lễ ký Thoả thuận nguyên tắc sơ bộ khoản vay 30 triệu USD và Cấp phép thành lập công ty tài chính BIDV tại Myanmar, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt nam sang Myanmar (AVIM), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) khẳng định: “Đối với khoản cho vay SMIDB, BIDV thực hiện mang tính hỗ trợ với các điều kiện, điều khoản có tính ưu đãi rất cao. Hai bên đã thống nhất sẽ khẩn trương hoàn thành ký kết Hợp đồng vay vốn ngay trong năm 2014. Đối với việc thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Tài chính BIDV, một mặt là sự khẳng định hiện diện lâu dài tại Myanmar, một mặt khẳng định mục tiêu hoạt động không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn vì sự phát triển cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững cho khu vực người dân có mức thu nhập thấp, nhạy cảm với những biến động tài chính; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, cận thành thị; giúp đỡ nguồn vốn để những đối tượng này có cơ hội phát triển kinh doanh, nâng cao đời sống...”.
Tháng 4/2010, thực hiện Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ hai nước về thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Myanmar, BIDV đã thiết lập Văn phòng Đại diện tại Yangon, đặt nền tảng đầu tiên trong việc gia nhập thị trường tài chính Myanmar và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Việt Nam giao là Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM). Sự nỗ lực của BIDV đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trong giai đoạn 2010 đến nay, đưa Việt Nam đứng thứ 8 trong số 36 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Myanmar với tổng giá trị FDI trên 600 triệu USD. Kim ngạch thương mại trong giai đoạn này tăng trưởng bình quân 40% mỗi năm và đã đạt trên 350 triệu USD trong năm 2013. Để thực hiện kế hoạch đến 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 500 triệu USD và vốn FDI của Việt Nam tại Myanmar đạt trên 1 tỷ USD, BIDV sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu mối thúc đẩy và dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Myanmar. Điển hình trong số các Dự án mà thành viên AVIM đầu tư tại Myanmar phải kể đến là Dự án Khu phức hợp Khách sạn - Văn phòng cho thuê của Hoàng Anh Gia Lai với tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn dự kiến trên 600 triệu USD. Đây là dự án có tổng giá trị đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực này tại thời điểm triển khai. Dự án tọa lạc tại Yangon, thành phố lớn nhất, năng động nhất và là cửa ngõ quan trọng nhất đón du khách quốc tế của Myanmar. Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu về khách sạn, nhà ở và văn phòng cho thuê hiện đang nóng lên từng ngày tại Thành phố Yangon. |
PV
-
BIDV triển khai định danh điện tử dành cho khách hàng tổ chức
-
Thêm góc nhìn toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam
-
Những giải pháp tài chính - công nghệ góp phần thúc đẩy hành trình chuyển đổi xanh
-
BIDV ghi dấu ấn tại Sao Khuê 2025 với 7 sản phẩm công nghệ được vinh danh
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số
-
Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
-
Goldman Sachs dự đoán việc tăng sản lượng của OPEC+
-
Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thuế quan: Giá vàng sẽ ra sao?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 13/5: Thu nhập giảm tại các công ty dầu mỏ lớn
-
“Cởi trói” để doanh nghiệp nhà nước vươn mình trong kỷ nguyên mới