BBC World trình chiếu “Cha mẹ xin lỗi con” của Phan Huyền Thư

14:13 | 30/08/2011

2,229 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Có lẽ... cha mẹ sẽ không bao giờ phải xin lỗi con vì con biết có những lý do riêng... và một đứa trẻ thơ ngây không bao giờ cần lời xin lỗi".

Ngày 27 và 28/8 vừa qua, kênh truyền hình quốc tế BBC World đã trình chiếu bộ phim tài liệu nổi tiếng “Cha mẹ xin lỗi con” của nhà biên kịch và đạo diễn trẻ Phan Huyền Thư.

Đây là một trong ba bộ phim tài liệu của Việt Nam được kênh BBC chọn trình chiếu trong loạt chương trình “My Country” (Đất nước tôi) – chương trình giới thiệu loạt phim tài liệu từ rất nhiều quốc gia trên thế giới.

“Cha mẹ xin lỗi con” – Khúc kinh cầu trên núi vắng…

Câu chuyện tái hiện khung cảnh ở một nơi không quá xa trung tâm thành phố Nha Trang (miền Nam Việt Nam), nơi đó, cuộc sống bí ẩn như một khúc kinh cầu trên núi vắng. Và ở nơi đó, khung cảnh rất đẹp, con người lại càng đẹp hơn…

Nghĩa trang của các hài nhi ở đảo Hoàng Đỏ, Thành phố Nha Trang.

Tống Phước Phúc, nhân vật chính được nhắc đến trong bộ phim tài liệu đã làm xúc động biết bao khán giả Việt, là một người thợ xây công giáo bình dị. Nhiều năm qua, ông nhận các thai nhi nạo hút từ các bệnh viện hay bị vứt trong các thùng rác, vệ đường đem về chôn cất tại nghĩa trang hài nhi do ông lập ra ở đảo Hoàng Đỏ, thành phố Nha Trang.

Hơn 9000 ngôi mộ trên khoảng đất mênh mông ở nơi này được tái hiện trong bộ phim của Phan Huyền Thư khiến trái tim người xem thắt lại, gợi nhắc về tình mẫu tử, lòng hi sinh, cả sự phẫn nộ và xót xa, đau đớn trước một hiện thực…

Ông Phúc cũng nhận nuôi những trẻ em bị bỏ rơi và giúp những phụ nữ trẻ có thai ngoài ý muốn, không có khả năng nuôi con; ông tự nguyện nuôi dưỡng các thai nhi này đợi ngày sinh nở và nhận nuôi những trẻ em đó với lời hứa họ có thể quay lại nhận con bất cứ khi có đủ điều kiện.

Với cái tên "Cha mẹ xin lỗi con” – lời đề trên một bia mộ tại nghĩa trang hài nhi – bộ phim đã dùng câu chuyện của một nhân vật cụ thể với những hành động cụ thể để nêu ra một số vấn đề khá nhạy cảm tại Việt Nam, đó là tình trạng nạo phá thai, mà Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, kế hoạch hóa gia đình, và giáo dục giới tính vị thành niên…

Việc duy trì nghĩa trang này đã gặp phải một số khó khăn, nhưng cũng đã nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người, đặc biệt là những người có lòng nhân ái từ khắp mọi nơi.

Bộ phim ẩn chứa một ý nghĩa nhân văn vô cùng cao đẹp đằng sau những con số, những lời ru, những giọt nước mắt và hiện thực phũ phàng…

Ở nghĩa trang được nhắc đến trong bộ phim của Phan Huyền Thư, mọi thứ dị thường và giản đơn đều góp lại trong những bia mộ “vô danh” để xoáy sâu vào tâm can của những đấng sinh thành nào đó…

Và ở đâu đây, cuộc sống vẫn là một vườn hoa xinh đẹp, những linh hồn bé bỏng ngủ yên dưới những khóm hoa xinh như một sự an nhiên…

“Có lẽ… cha mẹ sẽ không bao giờ phải xin lỗi con vì con biết có những lý do riêng… và một đứa trẻ thơ ngây không bao giờ cần lời xin lỗi.

Cha mẹ không muốn sinh ra con, với con đó có thể là một niềm hạnh phúc.

Con chấp nhận

làm mong manh hơi nước…

Vội vã tan đi khi chưa kịp chào đời!

Đừng… Đừng khóc, cha ơi, mẹ ơi!

Đừng xin lỗi con, vì mẹ cha không có lỗi

Con có duyên với mẹ, với cha… nhưng con không có phận,

Con chấp nhận!

Mong ngọn gió ngoài kia ru dịu nỗi đau này

Ngân cho ngày một điệp khúc bình yên!”…

Hiện thực phũ phàng…

Tuy không phải là lần đầu tiên, nhưng có lẽ “Cha mẹ xin lỗi con” là bộ phim tài liệu thành công nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đẹp đẽ nhất từ trước đến nay về một hiện thực rất nhạy cảm ở Việt Nam.

Nhà biên kịch và đạo diễn Phan Huyền Thư, trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết đã phải rất khó khăn mới thuyết phục được ông Phước và những người trong nhóm Thiện nguyện Bảo vệ sự sống cho đi theo và làm phim.

Nhà đạo diễn trẻ chia sẻ: Nhờ có quá trình thực hiện bộ phim này, cô đã được chứng kiến "sự gặp gỡ nhân ái giữa những con người cùng đứng ra bảo vệ giá trị nhân bản của cuộc sống”.

Việt Nam hiện vẫn áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình, với quy định mỗi gia đình chỉ có hai con và áp dụng các biện pháp hành chính với những người sinh con thứ ba trở lên.

Ngày nay, với kỹ thuật siêu âm xác định giới tính ngày một phổ biến, tình trạng nạo hút thai nhi nữ cũng gia tăng, dẫn tới tình trạng chênh lệch giới tính đáng quan ngại, với tỉ lệ cứ 100 trẻ em nữ thì có 110.6 trẻ em nam ra đời, so với mức trung bình trên thế giới là 105 nam.

Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo tình trạng mất cân bằng giới tính này có thể dẫn tới một số vấn đề xã hội trong những năm tới.

Ngoài ra bộ phim còn động chạm tới một đề tài vẫn còn khá nhạy cảm tại Việt Nam đó là giáo dục tuyên truyền phòng tránh thai trong thanh thiếu niên với quan niệm của nhiều bậc cha mẹ vẫn phản đối quan hệ tình dục trước hôn nhân.

"Cha mẹ xin lỗi con” – Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương, đã đoạt giải Cánh diều Bạc cho phim tài liệu hồi tháng 3 năm 2009 và Cánh diều vàng dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất.

Phim cũng đã được chiếu tại 25 trường đại học ở Đông Bắc Mỹ, trong đó có nhiều trường danh tiếng như Harvard, Pensylvania, Yale, Princeston, Cornell, New York.

Đạo diễn Phan Huyền Thư cho biết: Hy vọng bộ phim sẽ được chiếu ở các rạp công cộng trước giờ chiếu phim truyện để có thể đến được đông đảo giới trẻ tại Việt Nam.

Hương Mai (Tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc