Cô đơn giữa hội Trăng rằm:

Bản lĩnh văn hóa – nhìn từ tấm bánh Trung thu

11:14 | 26/09/2012

1,142 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Hiện nay, bên cạnh những mặt hàng bánh trung thu truyền thống, trên thị trường đang xuất hiện các loại bánh trung thu xa xỉ có giá từ vài triệu cho tới hàng chục triệu đồng. Hơn cả “đồng quà, tấm bánh” thông thường, những chiếc bánh trung thu “giá khủng” còn thể hiện sự thiếu bản lĩnh văn hóa và biến tướng trong việc tiếp nhận giá trị truyền thống của một bộ phận người dân. Petrotimes đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung (Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

>> Bài 1: Trong nỗi nhớ Trung thu xưa

>> Bài 2: Trẻ em cần gì Trung thu bạc triệu!

>> Bài 3: Tết Trung thu và “cuộc chơi” của người lớn!

 

PV: Đứng về góc độ văn hóa, xin ông nói qua một chút về nguồn gốc chiếc bánh trung thu truyền thống của Việt Nam?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung: Đất nước ta có nền văn minh nông nghiệp nên mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên rất gắn bó hài hòa. Từ quan hệ sản xuất nông nghiệp gắn với thiên nhiên như vậy, chúng ta thường có những ngày lễ năm mới, lễ cơm mới và rằm Trung thu.

Hoạt động của cư dân nông nghiệp phụ thuộc vào lịch mặt trăng, và mùa thu cũng là lúc không khí mát mẻ, sau khi thu hoạch xong, họ tổ chức sinh hoạt, vui chơi giải trí.

Đến ngày nay, tết Trung thu cũng chính là tết thiếu nhi. Khi đó, các cháu vừa bước vào năm học mới, đây là dịp để các cháu vui chơi, nghỉ ngơi. Ngoài ra, bánh trung thu còn mang ý nghĩa tròn đầy, toàn vẹn, thể hiện sự quây quần, sum họp của gia đình.

 

Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung (Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

 

PV: Mấy năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện các mặt hàng bánh trung thu xa xỉ, có giá hàng triệu đồng. Theo ông, có phải do mặt bằng thu nhập của người dân đã được nâng cao?

 

Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung: Những năm trước, bánh trung thu vẫn làm theo lối cổ điển, đơn giản và hợp túi tiền. Nhưng 10 năm trở lại đây, thị trường đã xuất hiện rất nhiều các loại bánh mới, không chỉ mới ở chất liệu, tẩm thêm các loại gia vị mà hình thức cũng đẹp hơn, được đầu tư kỹ lưỡng hơn, cùng với đó, giá cả cũng nâng lên rất nhiều.

Theo tôi, giá trị vật chất của bản thân chiếc bánh không đến mức ấy, mà họ đã đầu tư vào bao bì, thương hiệu, và thông qua chiếc bánh trung thu, họ cũng gửi gắm một giá trị tinh thần nào đó.

Phải khẳng định mặt bằng thu nhập của người dân ta chưa cao, thu nhập nhiều khi chưa đủ sống, thế nhưng họ vẫn mua những chiếc bánh đắt tiền để đi biếu, đi tặng, thể hiện thành ý. Ngày nay, có nhiều người dân có thói quen sính những đồ ngoại và những đồ đắt tiền trong khi đời sống chưa hề dư dả. Nhiều người nhà ở còn chật chội, thiết bị trong gia đình còn thiếu thốn nhưng họ vẫn muốn ra đường là đẳng cấp, đó cũng là một trong những lý do họ lựa chọn những chiếc bánh xa xỉ.

PV: Theo ông, những chiếc bánh trung thu có giá hàng triệu đến hàng chục triệu đồng ấy có thể hiện đẳng cấp của người mua? Và liệu người mua có thực sự hiểu những thành phần, nguyên liệu thượng hạng trong chiếc bánh ấy?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung: Người Việt thường biếu quà người rất họ quý trọng, biết ơn như thầy thuốc, thầy cô giáo, cấp trên… Tâm lý người đi biếu cũng rất đắn đo, bởi nếu người khác đem biếu bánh sang trọng, đắt tiền mà mình biếu bánh rẻ tiền thì sẽ cho rằng mình hà tiện hoặc không hết lòng.

Người Việt Nam rất cẩn thận, bản thân không dám sử dụng hàng đắt tiền mà “nhịn miệng đãi khách”, nên nhiều người đua nhau mua những cái bánh đắt tiền – hơn hàng chục, hàng trăm lần bánh bình thường – để đem biếu, mặc dù bản thân họ không hiểu gì về cái bánh ấy.

Tôi nghĩ người dân nên có hiểu biết nhất định về văn hóa, lúc đó họ sẽ tôn trọng với những giá trị truyền thống hơn và lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của mình.

Chúng ta cũng cần sự tham gia đồng bộ của truyền thông và các cơ quan có thẩm quyền để định hướng cho thị trường phát triển, vừa đáp ứng cung – cầu của người dân và vừa giữ được giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Cổ súy những hộp bánh trung thu "giá khủng" phản ánh sự lệch lạc trong quan niệm văn hóa của một bộ phận người Việt.

 

PV: Phải chăng trong xã hội hiện nay đang tồn tại quan niệm “xa xỉ đồng nghĩa với phú quý, đẳng cấp”, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung: Ngày nay, qua xe máy, ô tô, thậm chí nhìn qua bánh trung thu, người ta cũng đoán được “đẳng cấp” – khái niệm này mới xuất hiện ở Việt Nam và thể hiện sự phân hóa xã hội tương đối sâu sắc.

Xã hội ngày nay đang xuất hiện một tầng lớp giàu có, có thể chính đáng hoặc không. Họ có nhu cầu tiêu xài, mua sắm những thứ đặc biệt, khác người; hoặc những công ty, doanh nghiệp muốn món quà đem biếu, đem tặng  phải có thương hiệu đặc biệt, họ sẽ lựa chọn đồ xa xỉ. Đó là nhu cầu chính đáng, nhưng nếu quá đắt đỏ, xa rời văn hóa truyền thống thì cần lên án.

Như câu chuyện về bánh trung thu, có nhiều công ty nhập công nghệ của nước ngoài để làm bánh truyền thống, khiến những chiếc bánh nướng, bánh dẻo quá xa lạ. Các loại bánh xa xỉ chủ yếu chỉ ở bao bì hoặc có phụ kiện kèm theo, chứ chất lượng cụ thể thì không thể đắt đến như vậy. Qua đó, có thể thấy 1 bộ phận doanh nghiệp kinh doanh thương hiệu chứ không phải thực chất sản phẩm. Nhiều người chỉ thấy chiếc bánh có logo, thương hiệu nổi tiếng thì coi đó là sang trọng, chỉ chuộng hình thức chứ thật sự không hiểu gì về nội dung và bị cuốn vào vòng ganh đua của cuộc sống đô thị hóa. Nếu như có những người có bản lĩnh văn hóa và hiểu biết văn hóa cao thì chắc chắn sẽ vượt qua được những sự ganh đua đó.

Có nhiều doanh nghiệp cho cả vàng vào bánh, thể hiện sự đẳng cấp, chính những thứ đó mới đẩy giá bánh lên cao. Đó là những thứ thiên về hình thức, phản ánh sự sai lệch trong nhận thức, giá trị văn hóa. Chúng ta cần định hướng lại quan niệm kinh tế và văn hóa để giữ được bản sắc dân tộc.

PV: Với tết Trung thu truyền thống, gia đình thường quây quần bên nhau, cho trẻ phá cỗ, trông trăng. Theo ông, phong tục ấy bây giờ còn phổ biến không?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung: Thật ra, tết trung thu cho trẻ vẫn được người lớn và chính quyền quan tâm, nhưng bắt đầu có những yếu tố mới và xa rời truyền thống.

Do sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường, bố mẹ có thể vẫn cho tiền, vẫn mua sắm, nhưng không có thời gian gần gũi, động viên con trẻ trong những ngày lễ đó. Vật chất cũng rất quan trọng, nhưng những ngày lễ như thế này, chúng ta cần thương yêu con trẻ bằng hành động, bằng tình cảm, đó cũng là cách để chúng ta bảo tồn, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống.

Nếu chúng ta cứ xao nhãng đi, công nghiệp hóa những nét văn hóa ấy thì đến những thế hệ sau, có thể họ chỉ được thưởng thức những rằm Trung thu trong trí tưởng tượng hoặc biểu hiện bằng hiện vật xa xỉ, chứ những giá trị tinh thần của nó thì sẽ có thể bị mài mòn, không có tác động tốt đến tâm hồn trẻ thơ.

PV: Trẻ em bây giờ không biết nhiều về các trò chơi dân gian, càng không biết về ý nghĩa của Trung thu. Theo ông, trách nhiệm của người lớn như thế nào?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung: Đây đúng là có trách nhiệm của gia đình, của cha mẹ nhưng cũng có phần trách nhiệm của xã hội. Vì các cô giáo cũng có thể dạy những điều này cho trẻ từ cấp 1, cấp 2, hay những khu dân phố cũng có thể tổ chức những đội nhi đồng, thiếu niên để nâng cao tính cộng đồng cho trẻ.

Trong dịp lễ Trung thu này, gia đình chỉ là một phần, nhưng các em cũng cần giao lưu cộng đồng, với các bạn cùng trang lứa, chứ không chỉ giới hạn trong từng gia đình. Các em học sinh cấp 1, 2  đã bắt đầu có ý thức rồi, mình cần tận dụng những dịp như thế này để giáo dục nhân cách, tình cảm, chí hướng học hành, văn hóa cho trẻ.

Trước đây tiền bạc có thể ít, nhưng thời gian rỗi rãi, các gia đình, địa phương, làng quê, phố phường đều tổ chức các hoạt động mừng tết Trung thu như múa sư tử, múa lân, đánh trống, rước đèn ông sao… tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo ra sức sống lâu dài cho đời sống văn hóa tinh thần, tạo nên bức tranh thanh bình cho đất nước.

Đây cũng là dịp để các tổ chức xã hội quan tâm tới trẻ nhỏ và cũng chính là chiến lược giáo dục phù hợp với chúng ta, đó là: nên bắt đầu từ những thứ gần gũi. Chúng ta không nên quan niệm giáo dục chỉ gói gọn ở việc lên lớp, lên giảng đường hay bài bản, mà qua những dịp lễ hội như rằm Trung thu, cần tác động vào tâm lý đứa trẻ, khơi dậy cho chúng tình cảm với quê hương, đất nước, Tổ Quốc thiên nhiên, xã hội, con người … Đây là cách tiếp thu tự nhiên, không nặng nề như kiến thức trên lớp.

 

Cha mẹ cần quan tâm tới đời sống tinh thần cho những đứa trẻ vào dịp Trung thu.

 

Bây giờ có quá nhiều chương trình, giáo trình nên thiếu đi những hoạt động mang tính thực tiễn giáo dục cho con trẻ gắn với làng xóm, thiên nhiên. Nếu như công nghiệp hóa mà chúng ta chỉ chú ý tới những thứ mới mẻ, phát triển, hiện đại mà bỏ qua những thứ truyền thống thì sẽ dẫn tới tình trạng phát triển không cân đối và rất khó xây dựng lại. Chính những nét văn hóa ấy mới giúp tâm hồn trẻ thơ trở nên trong sáng, tốt đẹp, bởi tuổi thơ chính là thời điểm ghi ấn tượng rất sâu sắc, có thể đi đến suốt cuộc đời.

PV: Vậy theo ông, làm thế nào để giữ gìn được những nét đẹp truyền thống của tết Trung thu trong nhịp sống đô thị hiện đại và gấp gáp?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung: Để tạo được hình ảnh đẹp đẽ và tổ chức được tết trung thu có ý nghĩa thì ta phải gắn những hoạt động này với những tổ chức xã hội như đoàn thanh niên, phụ nữ, phụ lão và đây cũng là dịp để các đoàn thể quan tâm tới trẻ em. Chúng ta nên lồng ghép, vừa chăm lo vật chất và vừa chăm lo tinh thần. Tổ chức những lễ hội vui, có ý nghĩa để các em giao lưu với nhau, giúp trẻ có kỷ niệm đẹp chứ không cần tốn kém, hoành tráng.

Cha mẹ, gia đình có thể cho các em tiền bạc, quần áo, đồ chơi đẹp, nhưng xã hội cũng cần tổ chức những chương trình, tổ chức để gắn trẻ em với cộng đồng. Không nên chờ đến khi các cháu 20, 30 tuổi mới giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc hay ý thức cộng đồng, mà nên tận dụng trong những dịp như rằm tháng Tám.

Với những cháu có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn thì các đơn vị, địa phương cần có ý thức và hiểu đúng, nên tổ chức cho các cháu cái tết Trung thu vui mà không bị lạm dụng, tránh để các cháu trở thành đối tượng phục vụ cho mục đích riêng. Ngoài ra cần tránh tổ chức lãng phí, rùm beng không cần thiết. Với lứa tuổi của các cháu, vui chơi là quan trọng, vật chất chỉ cần vừa phải thôi.

PV: Xin cám ơn ông!

 

Nhóm phóng viên Petrotimes