Băn khoăn máy bay tự chế

08:55 | 05/04/2012

1,591 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, một kỹ sư cơ khí ở Bình Dương đã gây xôn xao dư luận với chiếc máy bay trực thăng tự chế đã bay được trong kho xưởng (garage) sửa chữa ôtô của mình. Với những tài liệu hướng dẫn từ Internet cộng niềm đam mê ứng dụng kỹ thuật cơ khí, người kỹ sư này từ lâu đã nuôi giấc mộng chế tạo cho riêng mình một chiếc trực thăng mini. Công việc đó cần đến 3 năm và hai trăm triệu đồng...

>> Cận cảnh chiếc máy bay tự chế ở Bình Dương

“Thỏa giấc mơ bay”

Bằng kinh nghiệm gần 20 năm trong ngành cơ khí và sau gần 3 năm nghiên cứu, tự mày mò chế tạo máy bay trực thăng, ông Nguyễn Bùi Hiển, 58 tuổi – kỹ sư ngành cơ khí ôtô, chủ garage ôtô Bùi Hiển đóng tại phường An Thạnh, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã chế tạo chiếc máy bay “trực thăng loại nhẹ” và đã bay thành công vào ngày 28/3 vừa qua.

Thử nghiệm thành công bước đầu của chiếc máy bay tự chế là điều mơ ước từ khá lâu nay của ông Hiển. Để phục vụ cho việc “bay” thử, dù bên trong garage, ông Hiển đã tự học lái và hỏi thêm một số người bạn khoảng 1 tháng. Và trời đã không phụ lòng người, cuối cùng thì ông đã điều khiển máy bay trực thăng bay lên khỏi mặt đất hơn 1m.

Chiếc máy bay tự chế cất cánh thử tháng 2/2012 liệu có đảm bảo an toàn khi bay hay không?

Điều làm nhiều người ngạc nhiên, do điều kiện chưa cho phép từ phía cơ quan có thẩm quyền nên ông Hiển không thể bay ngoài trời và chưa làm chủ được kỹ thuật lái nên ông để máy bay ngay trong garage của mình và cất cánh chiếc trực thăng bay luôn bên trong đó.

Ông Hiển vốn là bộ đội tham gia chiến trường Campuchia, ông bị thương trong chiến đấu, là thương binh hạng A 4/4 với nhiều vết thương và mảnh vỡ bom đạn còn sót lại trong người. Thế nhưng, với sự đam mê nghề nghiệp và tình cờ ông tham gia chơi một số loại máy bay mô hình từ đó có ý định chế tạo máy bay trực thăng để thỏa vọng ước mơ của mình.

Mày mò trên sách báo, trên Internet, ông Hiển tập hợp các nguyên lý chế tạo máy bay trực thăng và chỉ bằng một vài con số gạch ngang trên giấy trắng, còn tất cả phác thảo (bản vẽ) ông đều nghĩ ra trong đầu, nghĩ đến đâu bắt tay làm ngay đến đó. Các nguyên liệu từ khung sườn, cánh máy bay đều do ông tự làm bằng các thiết bị của kho xưởng, bởi tất cả các vật dụng, nguyên liệu về chiếc máy bay trực thăng không có nơi nào ở nước ta bán trên thị trường.

Qua nghiên cứu, ông Hiển phát hiện ra loại máy dùng trong môtô nước lướt sóng trên biển rất mạnh, nó sử dụng 2 thì và khi lướt sóng nhào lộn trên không máy vẫn chạy êm ru mà không hề hấn gì. Từ đó, ông mua chiếc máy môtô nước về chế tạo thành động cơ trực thăng. Loại máy này chạy bằng xăng xe máy và nhớt tự pha khi máy khởi động vẫn đảm bảo kỹ thuật rất cao. Về công suất máy lên đến 106 mã lực và đạt độ tối đa 12.000 vòng/phút. Trong khi đó, chỉ cần duy trì 6.500 vòng/phút là chiếc trực thăng đã “bốc” lên được.

Thử nghiệm bước đầu trong nhà xưởng cho thấy máy bay có thể lên xuống một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, việc lái máy bay này còn phải mất nhiều thời gian để tập luyện nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Khi bước vào khoang lái và khởi động, tiếng động cơ vang lên giòn giã, cánh máy bay rít gió đều đặn, ông cầm trục lái tay nắm cần số từ từ cho máy bay cất cánh ngay trong xưởng giữa tiếng vỗ tay tán thưởng của nhiều người. Do giới hạn của nhà xưởng nên "phi công” Hiển chỉ biểu diễn nâng lên trên mặt đất hơn một mét rồi điều khiển xoay vòng rẽ trái, rẽ phải. Theo ông Hiển việc máy bay của ông nâng khỏi mặt đất coi như đã có thể cất cánh được.

Chiếc máy bay trực thăng do ông Hiển chế tạo có trọng lượng 250kg (chưa tính người ngồi lái), dài 2,95m, rộng 1,2m, cao 2,4m, hai tầng cánh, độ dài sải cánh 4,52m. Tổng chi phí đầu tư nghiên cứu, chế tạo chiếc máy bay này chỉ hơn 200 triệu đồng. Theo tính toán của ông Hiển, nếu được phép bay trên bầu trời, chiếc máy bay trực thăng có khả năng bay ở độ cao 200m, tốc độ 150-200km/giờ.

Tuy nhiên, nói về chiếc máy bay của mình, ông Hiển cho rằng ông chưa có ý định đăng ký để bay mà ông làm chiếc máy bay trực thăng này là để chứng tỏ người Bình Dương cũng biết làm ra máy bay và để làm thỏa ước vọng đam mê nghề nghiệp chế tạo của mình.

Nguy hiểm và lãng phí!

Nếu theo dõi thông tin đầy đủ, chắc hẳn nhiều người cũng biết ông Hiển không phải là người Việt Nam đầu tiên tự chế tạo máy bay. Từ việc tự chế máy bay trực thăng của ông Hiển thiết nghĩ cũng cần nhắc lại câu chuyện vốn từng gây xôn xao dư luận nhiều năm trước về 2 nông dân tên Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Họ được báo chí tung hô một thời là “Hai Lúa” chế tạo máy bay. Thế nhưng kết quả kiểm tra thử nghiệm máy bay của họ phần lớn đều thất bại và cơ quan chức năng cũng ra sức cảnh báo là có “rủi ro cao, rất nguy hiểm”.

Ông Bùi Hiển và động cơ máy bay tự chế

Theo Bộ Quốc phòng, kết quả của cuộc kiểm tra, thử nghiệm cho thấy, chiếc máy bay tự chế này không có thiết kế, không có tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở đánh giá tính chất khí động học, độ bền kết cấu, dung sai các phần tử, nhất là phần tử chuyển động quay. Máy bay được lắp ráp cũng sai nguyên lý điều khiển của máy bay trực thăng. Linh kiện lắp ráp máy bay phải có tiêu chuẩn rất cao, trái lại, toàn bộ linh kiện máy bay đều mua ở… chợ trời (?!).

Sau báo cáo trên của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng công bố kết quả kiểm tra, thông báo cho UBND tỉnh Tây Ninh và 2 nông dân Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh. Bộ Quốc phòng yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp cho dừng ngay việc thử nghiệm máy bay của những nông dân này, nhằm bảo đảm an toàn và tránh lãng phí tiền của không cần thiết. Đồng thời gặp gỡ 2 nông dân ham sáng chế này nhằm động viên lòng say mê để nghiên cứu, chế tạo những thiết bị, máy móc khác, mang tính thực tiễn và hiệu quả hơn, không nên đổ quá nhiều tiền của vào chế tạo máy bay.

Nhìn vào chiếc máy bay tự chế mới đây ở Bình Dương, một lần nữa, việc an toàn tính mạng của con người cần phải được đặt lên hàng đầu.

Thế Vinh – Tương Bình