Bà Phạm Chi Lan: Không thể vin cớ Covid-19 mà đình hoãn cải cách kinh tế

08:22 | 10/09/2021

3,980 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mục tiêu tăng trưởng năm 2021 được đưa ra từ năm 2020 khi dịch bệnh đã được khống chế cơ bản. Năm 2021 chủng virus mới Delta hết sức nguy hiểm, đang gây khó khăn không chỉ Việt Nam mà cả thế giới.
Bà Phạm Chi Lan: Không thể vin cớ Covid-19 mà đình hoãn cải cách kinh tế

Chia sẻ với Dân trí về cơ hội phục hồi kinh tế 6 tháng cuối năm và những thách thức đặt ra cho kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tin tưởng vào mục tiêu kép của Chính phủ, song thừa nhận khó khăn đến từ việc thực thi và tiến trình cải cách nền kinh tế.

Dù thế, cải cách thể chế, môi trường kinh doanh phải được làm liên tục. "Không thể mượn danh hay vì Covid-19 mà đứt đoạn hoặc bao biện cho đình hoãn được", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan: Không thể vin cớ Covid-19 mà đình hoãn cải cách kinh tế - 1

Trong 6 tháng qua, Việt Nam đã chịu những cú sốc khá lớn từ dịch bệnh khi các trung tâm công nghiệp, đầu não kinh tế của Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh, mục tiêu tăng trưởng trên 6,5% năm nay liệu có thể đạt được?

- Hiện đa số các định chế tài chính thế giới như IMF, WB hoặc các quỹ đầu tư đều hạ dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN khi chứng kiến Indonesia, Thái Lan, Malaysia chịu tàn phá ghê gớm bởi dịch bệnh và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chúng ta đang chứng kiến nhiều trung tâm kinh tế vừa gồng mình chống dịch vừa duy trì sản xuất, trong khi tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta chưa cao. Có lẽ việc đánh giá tăng trưởng của Việt Nam sẽ phức tạp hơn so với hình dung của họ và cả chính giới Việt Nam. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét bởi không thể khăng khăng giữ mục tiêu tăng trưởng, cần linh hoạt trước thách thức mới.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2021 được đưa ra từ năm 2020 khi dịch bệnh đã được khống chế cơ bản. Năm 2021 chủng virus mới Delta hết sức nguy hiểm, đang gây khó khăn không chỉ Việt Nam mà cả thế giới.

Bà Phạm Chi Lan: Không thể vin cớ Covid-19 mà đình hoãn cải cách kinh tế - 2

Một số trung tâm công nghiệp bị tổn thương và đang gượng dậy, bà có hy vọng vào mức tăng trưởng khả quan nào cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh bộ máy phải dồn sức dập dịch?

- Theo tôi, mục tiêu tăng trưởng hiện nay nên nhìn trong mối quan hệ tổng hòa. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tăng trưởng theo cách của họ, nhưng chúng ta cần nhìn vào thực tế để có nhận định đúng nhất. Không ai hiểu chúng ta nhất bằng chính chúng ta.

Duy trì tăng trưởng hiện nay cần hai vấn đề duy trì sinh sống và sinh kế của người dân, đảm bảo đủ những cái thiết yếu nhất cho nhân dân như lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Tôi giả sử, Chính phủ năm nay không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% thậm chí 6% hoặc bao nhiêu % đi nữa nhưng chúng ta chặn được dịch, tiêm chủng rộng khắp, an yên nhân dân thì tăng trưởng bao nhiêu, người dân cũng chấp nhận, đồng lòng.

Bà Phạm Chi Lan: Không thể vin cớ Covid-19 mà đình hoãn cải cách kinh tế - 4

Tuy nhiên, về mặt kinh tế học và lý luận tăng trưởng cao, duy trì trong nhiều năm là cơ sở để Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển năm 2030 và nước giàu vào năm 2045. Hơn nữa, đây cũng là cứ liệu đánh giá năng lực điều hành quốc gia, bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Chúng ta cũng cần sòng phẳng là khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhậm chức trong bối cảnh tình hình chung kinh tế thế giới nhiều lao đao, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 2,19% thôi. Tăng trưởng dương nhưng cũng thấp rồi.

Đến nay, chủng mới lại dữ dội hơn, các chuỗi cung ứng, sản xuất thế giới đứt gãy khắp nơi, chiến lược tiêm chủng vắc xin của Việt Nam gặp khó khăn do thiếu vắc xin... Rõ ràng bối cảnh rất khác, chúng ta cần giải quyết những nhiệm vụ ưu tiên là giữ ổn định và đẩy lùi dịch bệnh rồi mới làm gì thì làm.

Đánh giá một nhiệm kỳ Chính phủ cần dài hơi và có công bằng chứ không phải giai đoạn ngắn, nhất là một năm đầy sóng gió như năm nay.

Bà Phạm Chi Lan: Không thể vin cớ Covid-19 mà đình hoãn cải cách kinh tế - 5

Tôi cho rằng thước đo lớn nhất hiện nay là chống được dịch tốt đã là thành công rồi. Lúc này, rất khó có thể nói trước được tăng trưởng bao nhiêu %/năm là vừa và không ai nói hay được, chỉ có bắt tay vào làm và làm.

Người dân chỉ cần Chính phủ có chiến lược tiêm chủng tốt, an dân, giữ được sinh kế cho nhân dân, nhất là người nghèo, cận nghèo - người chịu tổn thương lớn nhất... thì tăng trưởng bao nhiêu họ cũng đồng lòng.

Ai cũng muốn, cũng biết là tăng trưởng cao sẽ giúp trả nợ, tạo nền tảng cho tương lai trở thành nước giàu mạnh... Nhưng phải thực tế, chúng ta không được phép đánh đổi. Nếu dịch bệnh gia tăng, không có cách nào để phát triển được, không một nền kinh tế nào phát triển được.

Năm 2020, người ta đã nhắc đến cụm từ "cuộc chiến vắc xin" và hiện thực đã minh chứng rõ nét là lợi thế của các nước có vắc xin cũng như bất lợi của các nước không có vắc xin, bà nghĩ sao về điều này?

- Khắc phục lớn nhất đối với dịch bệnh hiện nay là tiêm vắc xin. Chính phủ đang nỗ lực tìm mọi cách để mua vắc xin và tiêm 120 triệu liều cho người dân, nếu chúng ta mở rộng tiêm chủng cho toàn dân sắp tới và sản xuất đủ vắc xin là thành công rồi. Phải nhấn mạnh là chúng ta từ trước đến nay chưa từng đối phó với đại dịch lớn như vậy. Có thể năm 2022 mới có cơ hội cho Việt Nam hồi phục kinh tế được.

Các đầu tàu kinh tế như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội nếu không thoát khỏi được dịch bệnh, không hồi phục được sớm thì làm sao chúng ta có tăng trưởng cao được?

Bà Phạm Chi Lan: Không thể vin cớ Covid-19 mà đình hoãn cải cách kinh tế - 7

Dịch bệnh đã và đang làm lộ ra nhiều yếu kém tại chính quyền cơ sở, còn xuất hiện tình trạng cát cứ địa phương trong chống dịch. Mới đây câu chuyện "bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu" đã gây bức xúc dư luận vì cán bộ không sát dân, quan điểm của bà về vấn đề này như nào?

- Dịch bệnh phơi bày mặt được và khuyết điểm của bộ máy hành chính. Nơi nào cán bộ yếu kém, nơi đó xuất hiện những cái dở khóc, dở cười.

Nếu thông tin giữa cơ quan chức năng với người dân thông suốt, minh bạch, cán bộ chịu lên mạng xã hội, gần dân, sát dân thì những chuyện vớ vẩn như bánh mỳ không phải là mặt hàng thiết yếu, dân bị phạt đâu có xảy ra và khiến dư luận bất bình. Ở Bắc Giang, giữa dịch phức tạp, mùa vải người ta vẫn livestream bán hàng qua mạng, chính quyền hỗ trợ người dân hết mức có thể bằng mọi cách để có vụ mùa vừa chống dịch thắng lợi, dân cũng an yên.

Bà Phạm Chi Lan: Không thể vin cớ Covid-19 mà đình hoãn cải cách kinh tế - 8

Thời đại 4.0, thậm chí 5.0, những chuyện cán bộ vẫn hiểu sai, hiểu khác với quần chúng, rồi làm sai chỉ đạo: Rào làng, lập chốt, cấm lưu thông... vẫn diễn ra.

Nếu các cơ quan Nhà nước đối thoại với dân bằng internet, mạng xã hội thì câu chuyện đã khác, không gian ảo nhưng tác động thật. Nếu chúng ta mạnh dạn đưa các công cụ hành chính lên mạng, công việc càng minh bạch hơn, nhanh hơn và cơ quan Nhà nước càng có trách nhiệm. Covid-19 khiến một số nơi lộ ra yếu kém, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi, làm mới mình.

Cải cách môi trường kinh doanh, hành chính công hiện nay không cần vắc xin. Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song và đa phương lớn (FTA), thời gian xóa bỏ hàng rào thuế quan hàng nhập khẩu từ nước ngoài ngày một gần, không chờ chúng ta. Hơn nữa, các yêu cầu thể chế minh bạch ngày càng lớn, không hề giảm trừ vì dịch bệnh.

Chính vì vậy, cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh phải được làm liên tục, không thể mượn danh hay vin cớ Covid-19 mà đứt đoạn hoặc bao biện đình hoãn cải cách được. Nếu Việt Nam không hoặc chậm cải thiện môi trường kinh doanh, điều này có thể gây tổn hại nền kinh tế trong dài hạn, thiệt hại sẽ còn lớn hơn so với dịch Covid-19.

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Dân trí

Giá vàng ngày 10/9 dừng nghỉ trước ngưỡng quan trọng, tìm động lực tăng mớiGiá vàng ngày 10/9 dừng nghỉ trước ngưỡng quan trọng, tìm động lực tăng mới
Kịch bản nào cho kinh tế thế giới năm 2022?Kịch bản nào cho kinh tế thế giới năm 2022?
Tác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 6) Tìm hiệu suất cao hơn trong tăng trưởngTác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 6) Tìm hiệu suất cao hơn trong tăng trưởng
Tác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 4) Viễn cảnh trước mắt và trong trung hạnTác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 4) Viễn cảnh trước mắt và trong trung hạn
Từ tháng 1/2022, lương hưu, trợ cấp chỉ tăng 11%Từ tháng 1/2022, lương hưu, trợ cấp chỉ tăng 11%
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021
Giải mã suy giảm kinh tế Trung QuốcGiải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc