Ấn Độ tăng cường thêm nhiều trực thăng tấn công

19:00 | 23/11/2012

1,401 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - LENTA dẫn nguồn tin Quốc phòng Ấn Độ mới đây cho hay, Bộ Quốc phòng nước này đang có kế hoạch mua thêm những chiếc trực thăng tấn công AH-64D Apache của hãng Boeing (Mỹ).

Trực thăng tấn công AH-64D Apache

Hồi tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn Boeing đã dành được gói thầu cung cấp 22 trực thăng Apache cho Không quân Ấn Độ (IAF) với trị giá lên đến 1,3 tỉ USD.

Cũng theo nguồn tin trên, Bộ Quốc phòng Ấn Độ còn dự định mua thêm 22 chiếc nữa nhằm trang bị cho lực lượng Lục quân.

Thời điểm hiện tại, toàn bộ số  trực thăng tấn công của Ấn Độ đều nằm trong biên chế của lực lượng Không quân. Nhưng kể từ tháng 10 vừa qua, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chính thức cho phép lực lượng Lục quân được thành lập không quân lục quân.

Theo đó, kế hoạch mua thêm 22 trực thăng tấn công Apache của Ấn Độ chính là để trang bị cho lực lượng mới thành lập này. Cũng cần phải nói thêm rằng, lực lượng IAF không tán thành việc thành lập không quân lục quân chịu sự quản lý trực tiếp của Lục quân Ấn Độ.

Vài năm trở lại đây,  hãng Boeing đã rất thành công trong việc kinh doanh trên thị trường Ấn Độ. Ngoài việc giành được quyền cung cấp lô trực thăng tấn công Apache, Boeing còn giành được gói thầu cung cấp 15 trực thăng vận tải hạng nặng CH-47F Chinook trị giá 1,4 tỉ USD.

Trước đó, Ấn Độ cũng đã mua 10 máy bay vận tải C-17 Globemaster III trị giá 4,2 tỉ USD và 12 máy bay tuần tra biển P-8I Poseidon của Boeing. Lực lượng Hải quân cũng đã đề nghị Chính phủ Ấn Độ cho phép mua thêm 12 máy bay P-8I.

Trong tương lai, nhu cầu của Ấn Độ về các mặt hàng của Boeing còn có thể tăng gấp nhiều lần nếu Chính phủ Mỹ đồng ý hủy bỏ một số quy định đối với việc xuất khẩu vũ khí theo kênh bán vũ khí cho nước ngoài (FMS) của Cục Hợp tác an ninh và quốc phòng (DSCA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Các quy định này bao gồm việc cấm khách hàng sử dụng tàu mua từ Mỹ cho mục đích tấn công. Nếu phía đối tác vi phạm các quy định này sẽ phải chịu sự trừng phạt của Chính phủ Mỹ như từ chối bảo trì hay cung cấp phụ tùng.

Ngoài ra, Mỹ còn có quyền tiến hành kiểm tra các trang thiết bị vũ khí mà họ bán, cũng như lịch sử sử dụng chúng. Các quy tắc và điều kiện như vậy luôn có trong hợp đồng xuất khẩu vũ khí.

Mai Lâm (Theo Len)