Ai mới là người thống trị thế giới?

11:20 | 26/03/2013

3,901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đó không phải là các nhà chính trị mà là những đại tập đoàn xuyên quốc gia. Đây là nhận định của tuần san Le Nouvel Observateur (Pháp) với dòng tít lớn chạy trên trang nhất “Những chủ nhân thật sự của thế giới?”.

Thập niên 70 của thế kỷ trước, các tập đoàn xuyên quốc gia được xem là biểu tượng cho sự hùng mạnh của một quốc gia. Đến năm 2000 thì tình hình đã thay đổi, các tập đoàn trên không chỉ là những cánh tay đắc lực của các cường quốc, mà chính nó cũng trở thành “những cường quốc thật sự”.

Sự phát triển của các đại tập đoàn xuyên quốc gia đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng toàn cầu hóa. Và các tập đoàn này không ngừng tăng lên về số lượng, khoảng 3.000 vào năm 1990 lên đến 63.000 tập đoàn vào năm 2000. Nguồn gốc của các đại tập đoàn cũng đa dạng dần, tức không chỉ có tập đoàn Mỹ mà đã xuất hiện nhiều đại tập đoàn của nhiều quốc gia thuộc nhiều châu lục.

ExxonMobil là một trong số đại tập đoàn xuyên quốc gia có giá trị thị trường cao hơn GDP của một số quốc gia

Theo các chuyên gia, có nhiều đại tập đoàn xuyên quốc gia còn mạnh hơn một số nước, tức là có giá trị thị trường cao hơn GDP của một số quốc gia. Như giá trị thị trường của Tập đoàn ExxonMobil được xếp giữa GDP của Áo và Bỉ. Hồi năm 2000, 500 đại tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đã chiếm đến 70% ngành thương mại thế giới, sử dụng đến 90 triệu lao động và tạo ra 25% GDP toàn cầu. Năm 2012 vừa qua, kim ngạch của 2.000 đại tập đoàn hàng đầu thế giới đã đạt đến 36.000 tỉ USD.

Bên cạnh những tập đoàn tài chính chi phối đời sống con người khắp năm châu, còn có các đại tập đoàn trong nhiều lĩnh vực khác chi phối hầu hết đời sống thường nhật của con người: chi phối lên thức ăn hằng ngày và sức khỏe của mọi người, thậm chí là chi phối cả đời sống riêng tư của mọi người như các trang mạng xã hội chẳng hạn.

Giới chuyên gia cảnh báo, với sức mạnh vận động hành lang, các đại tập đoàn xuyên quốc gia còn chi phối cả đời sống chính trị, làm tê liệt mọi sự chỉ trích, gây ảnh hưởng đến các chuẩn mực và nguyên tắc, đẩy lùi mọi sự minh bạch.  

Trong bối cảnh đó, có nhận định rằng, giới chính trị thường tỏ ra bất lực, bất lực vì ngây thơ, vì thông đồng, vì lợi ích địa chính trị hay vì tham nhũng. Cả 4 nguyên nhân này đều tồn tại. Góp phần vào sự phức tạp kể trên, một bối cảnh hết sức thuận lợi cho sự bành trướng của các đại tập đoàn xuyên quốc gia đó là tình hình khủng hoảng kinh tế, khiến nước nào cũng ra sức thu hút đầu tư.  

Theo nghiên cứu của cơ quan tư vấn Boston Consulting Group (BCG, Mỹ), trong tương lai, 100 tập đoàn có tiềm năng phát triển cao nhất thế giới đều vươn lên từ các nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi. Cơ quan BCG vừa công bố danh sách 100 tập đoàn với tương lai đầy hứa hẹn được cơ quan tư vấn về kinh tế và tài chính này của Mỹ gọi là những “Global Challengers” (Những đối thủ thách thức toàn cầu).

100 tập đoàn đó mang 17 quốc tịch khác nhau nhưng tất cả đều là những cơ sở lớn mạnh từ những nước đang phát triển. Trung Quốc dẫn đầu bảng với 30 đại tập đoàn, Ấn Độ về nhì với 20 công ty lớn, Brazil có 13 thành viên trong câu lạc bộ đó, 7 thành viên đại diện cho Mexico. Một nước nhỏ như Thái Lan cũng có đến 4 tập đoàn “khủng”, Indonesia và Malaysia, mỗi quốc gia có 2 thành viên.

Thu nhập của những “ông khổng lồ” công nghiệp thế giới trong tương lai đó đang tăng với nhịp độ trung bình là 16% một năm.

H.Ninh
(Theo Le Nouvel Observateur)