Tổng thống tạm quyền Ukraine muốn sớm hội nhập với châu Âu:

Ai đang can thiệp vào chính trường Kiev?

14:28 | 24/02/2014

3,443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Tổng thống tạm quyền Ukraine, tân Chủ tịch Quốc hội Oleksander Turchynov, đồng minh của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đã tuyên bố: sẽ cố gắng cải thiện quan hệ với Nga, nhưng khẳng định Kiev sẽ ưu tiên quay trở lại con đường hội nhập châu Âu.

Ông Oleksander Turchynov hy vọng, sự lựa chọn hội nhập với châu Âu của Ukraine sẽ được xác nhận trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 25/5, đồng thời đề cập tới những nhiệm vụ hết sức khó khăn mà ban lãnh đạo mới đang đối mặt sau khi chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych sụp đổ, trong đó có việc bình ổn nền kinh tế.

Những diễn biến chóng mặt

Theo giới truyền thông, trong phiên họp khẩn ngày 23/2, Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết về chuyển giao quyền lực của Tổng thống Viktor Yanukovych cho tân Chủ tịch Quốc hội Oleksander Turchynov. Quyết định trên được đưa ra bất chấp tuyên bố trước đó của Tổng thống Viktor Yanukovych rằng, các quyết định của Quốc hội lúc này đều là bất hợp pháp. Với tư cách là Tổng thống tạm quyền, ông Oleksander Turchynov đã chỉ thị cho các nghị sỹ nhanh chóng hình thành phe đa số trong Quốc hội, đồng thời thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vào ngày 25/2.

Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchynov, đồng minh của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.

Tổng thống tạm quyền Oleksander Turchynov từng là Phó chủ tịch đảng Tổ quốc, từng là Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia trong chính phủ của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, sẽ là người đứng đầu nhà nước Ukraine cho đến khi cuộc tổng tuyển cử được tiến hành. Cũng trong ngày 23/2, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu phế truất Ngoại trưởng Leonid Kozhara, một đồng minh của Tổng thống Viktor Yanukovych, có liên quan trực tiếp đến những cuộc thảo luận với các cường quốc để từ chối ký hiệp định kinh tế với Liên minh châu Âu (EU) và thúc đẩy quan hệ với Nga. Quốc hội cũng bỏ phiếu sung công dinh thự của Tổng thống Viktor Yanukovych tại ngoại ô Kiev. Đồng thời ra lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Thuế vụ Oleksander Klimenko và cựu Tổng công tố Viktor Pshonka.

Trước đó, Quốc hội Ukraine cũng đã bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan an ninh Ukraine Vladimir Zaman làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Pavel Lebedev lại tuyên bố, sẽ tiếp tục đảm đương chức trách bởi theo Hiến pháp, ghế Bộ trưởng Quốc phòng được bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm đều do Tổng thống đề xuất với Quốc hội, do đó sẽ tiếp tục thực hiện chức trách cho tới khi có sắc lệnh kế tiếp của Tổng thống Viktor Yanukovych.

Thị trưởng thủ đô Kiev, ông Volodymyr Makeenko cho biết, sẽ bắt đầu phá dỡ các chiến lũy do người biểu tình dựng lên xung quanh quảng trường Độc lập từ ngày 24/2. Trong khi đó đại diện phong trào cực đoan "Bên hữu" tuyên bố không rời khỏi Quảng trường Độc lập, còn những phần tử cực đoan đập phá trụ sở của Đảng Cộng sản Ukraine.

Ông Oleksander Turchynov, Tổng thống tạm quyền Ukraine.

Cùng ngày 23/2, Đảng Các khu vực, chính đảng của ông Viktor Yanukovych đã ra thông cáo khiển trách các mệnh lệnh của tổng thống, dẫn đến cái chết của nhiều người trong thời gian qua. Theo thống kê, đã có gần 100 người chết và hàng nghìn người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát kể từ khi biểu tình bắt đầu hồi tháng 11/2013. Làn sóng biểu tình được châm ngòi sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký hiệp định kinh tế với Liên minh châu Âu (EU) và thúc đẩy quan hệ với Nga.

Trong khi các diễn biến tại Ukraine đang diễn biến với tốc độ chóng mặt, nhưng người ta vẫn không rõ tung tích Tổng thống Viktor Yanukovych và đây đang là một bí ẩn. Ông Viktor Yanukovych được cho là đã tới thành phố Kharkov, căn cứ chính trị của mình và có xu hướng thân Nga. Có tin nói rằng, Lực lượng biên phòng Ukraine không cho phép cựu Bộ trưởng Nội vụ Vitaly Zakharchenko rời khỏi Ukraine hôm 22/2 vì không có giấy tờ cần thiết.

Phản ứng của dư luận quốc tế

Ngày 23/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng, ông Jay Carney cho biết, Washington hối thúc Ukraine thành lập ngay lập tức một chính phủ giúp đoàn kết dân tộc với nguyên tắc: người dân Ukraine quyết định tương lai của họ. Ông Jay Carney cũng hoan nghênh việc cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko được phóng thích.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định, không ai muốn chứng kiến Ukraine bị chia cắt đồng thời kêu gọi các bên bình tĩnh, nhưng cũng cảnh báo: sẽ là “sai lầm nghiêm trọng” nếu Nga điều các lực lượng quân sự sang Ukraine để khôi phục một chính phủ thân với Moskva hơn. Anh cũng cảnh báo Nga chớ can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh: London muốn đóng góp vào một chương trình kinh tế quốc tế nhằm hỗ trợ Kiev chống đỡ với tình hình kinh tế "cực kỳ khó khăn" tại quốc gia Đông Âu này.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng hoan nghênh việc thả tự do cho bà Yulia Tymoshenko. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chúc mừng bà Yulia Tymoshenko được trả tự do và bày tỏ tin tưởng sự trở lại chính trường của cựu Thủ tướng sẽ là một nhân tố giúp Ukraine ổn định, cũng như giúp Kiev đi theo lộ trình cải cách của châu Âu. Về phần mình, bà Yulia Tymoshenko tuyên bố, sẽ ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào ngày 25/5.

Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko được trả tự do sau hai năm rưỡi ngồi tù.

Quan chức EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Catherine Ashton bày tỏ mong muốn: tất cả các bên tại Ukraine sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ sự thống nhất, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Ngày 23/2, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov bên lề Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 tại Sydney, Australia, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã đề xuất hỗ trợ tái thiết nền kinh tế Ukraine.

Trong cuộc điện đàm ngày 23/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí phải đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Kiev cần gấp một chính phủ có thể hoạt động. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ sự quan ngại sâu sắc nhất với những người đồng cấp của Đức, Pháp và Ba Lan về việc "phe đối lập không thể thương lượng về thỏa thuận ký hôm 21/2 ở Kiev. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ông Sergei Lavrov cho rằng, những người ủng hộ phe đối lập đã từ chối giao nộp vũ khí và kiểm soát thủ đô Kiev.

Trong bài viết đăng trên tờ Thời báo Tài chính (Anh) hôm 22/2, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski cho rằng, cần áp dụng mô hình Phần Lan đối với Ukraine để tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng