8.000 công nhân điêu đứng vì bà chủ HTX "bỗng nhiên" dính án "tham ô tài sản"?!

06:37 | 08/04/2013

3,809 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đang tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động, Hợp tác xã Ngọc Bích ở Sóc Trăng điêu đứng vì nữ chủ nhiệm bị cáo buộc "tham ô tài sản" 17 triệu đồng. Bị phạt 6 tháng tù nhưng hưởng án treo, suốt năm qua, bà Bích kháng cáo kêu oan. Cấp phúc thẩm hủy án để tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Cuộc đời truân chuyên của bà chủ Hợp tác xã

Chiều 5/4, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TP HCM hủy án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại vụ án “tham ô tài sản” gây xôn xao dư luận ở Sóc Trăng trong 6 năm qua.

Theo Hội đồng xét xử, cấp sơ thẩm căn cứ kết quả giám định 712 chứng từ thanh toán được cho là không hợp lệ để buộc bà Huỳnh Ngọc Bích (Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích) với 4 cán bộ Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng tư túi trên 400 triệu đồng từ nguồn vốn dạy nghề cho nông dân là chưa chính xác.

Từ nghề đan đát thủ công học được tại Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất, bà Bích đã tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động miền Tây.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2006-2007 Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng do ông Ngô Hồng Phi (SN 1956) làm giám đốc đã thông đồng với thuộc cấp Nguyễn Quốc Trung, Đặng Minh Út, Nguyễn Thế Vương lập hồ sơ khống để “rút ruột” 400 triệu đồng.

Vì vậy, tháng 3/2012 Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng phạt các bị cáo từ 2-4 năm tù về tội Tham ô tài sản. Cấp sơ thẩm cũng cáo buộc bà Bích ký khống 6 hợp đồng đào tạo nghề, tư túi hơn 17 triệu đồng nên phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bà Bích cho rằng, việc mở đầy đủ các lớp dạy nghề theo hợp đồng ký kết với ngành công nghiệp. Một năm qua nữ chủ nhiệm hợp tác xã (SN 1965) vừa tập hợp hồ sơ kháng cáo để đòi lại sự trong sạch cho bản thân, vừa chạy đôn chạy đáo khắp nơi để gầy dựng lại phong trào đan lát bằng nguyên liệu cói, lục bình, dây chuối... nhằm tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động miền Tây.

Kể về cuộc đời lắm gian truân của mình, bà Bích cho biết hai mươi năm trước từng mở tiệm tạp hóa ở chợ Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) sau khi xin nghỉ làm ở ngân hàng vì thấy công việc không phù hợp. Được một năm, người phụ nữ này chuyển sang mua đầu tôm để bán lại cho người trồng dưa hấu và kinh doanh thêm con trùng lá khi có nhiều người đến miền Tây mua trùng xuất khẩu sang nhiều nước để làm mồi câu.

Năm 1995, thấy cha nhận tiền nghỉ hưu được 600 ngàn đồng (khoảng 1,5 chỉ vàng), bà Bích mượn hết số tiền này để mở tổ hợp đan giỏ bằng nguyên liệu nhựa. Nhờ thị trường tiêu thụ tốt, cuối năm ấy tổ hợp này tạo được công ăn việc làm cho 300 lao động. 5 năm sau đó, cơ sở đan giỏ Ngọc Bích nhận được đơn hàng đan giỏ xuất khẩu trị giá 100 triệu đồng của một doanh nghiệp ở TP HCM nhưng do công nhân làm sai quy cách hàng hóa nên bà Bích "mất mối" làm ăn. Tuy nhiên, nhờ hai lô hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trước đó cho lãi 120 triệu đồng nên cơ sở Ngọc Bích không bị lỗ.

Trong cái khó, bà Bích "ló cái khôn" khi nhận ra rằng tại TP HCM có nhiều cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ dây chuối, cối, lục bình phơi khô... nhưng lại thiếu nguyên liệu và công nhân nên giao hàng không kịp cho đối tác ngoài nước.

Vậy là chủ cơ sở đan đát Ngọc Bích nhờ lãnh đạo Sở Công Thương kết hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tổ chức đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm. Sau đó, 12 phụ nữ Sóc Trăng được Hợp tác xã mây tre lá Ba Nhất ở TP HCM nhận vào học việc một tháng nhưng sau khi về quê chỉ có duy nhất bà Bích trụ được với nghề đan đát rồi mở Hợp tác xã Ngọc Bích vào năm 2002.

Để có lao động biết làm ra sản phẩm đẹp, nữ chủ nhiệm Hợp tác xã dạy nghề cho láng giềng xung quanh. Sau đó, "học trò" của bà Bích tiếp tục dạy nghề cho người thân, bạn bè, hàng xóm nên đến năm 2009 Hợp tác xã Ngọc Bích tạo được việc làm cho khoảng 8.000 lao động nhàn rỗi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với thu nhập hơn 300 ngàn đồng một người mỗi tháng.

Bị phạt 6 tháng tù nhưng hưởng án treo, suốt năm qua bà Bích kháng cáo kêu oan.

"Số tiền này tuy không lớn nhưng nếu một gia đình có 4-5 người cùng nhận lục bình, dây chuối về nhà đan giỏ trong những lúc rảnh tay thì một tháng cả nhà cũng có thêm gần 2 triệu đồng. Được Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ, đã có 6 lớp học nghề đan lát được tổ chức với hàng trăm người theo học. Sau đó, những học viên này tiếp tục 'truyền nghề' cho người thân", bà Bích nhớ lại thời hoàng kim của Hợp tác xã.

Bà chủ Hợp tác xã có 8.000 công nhân tham ô 17,6 triệu đồng (!?)

Không lường hết chữ ngờ, giữa năm 2009 bà Bích bị Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố về hành vi “tham ô tài sản”. Theo cơ quan điều tra, năm 2007 Hợp tác xã Ngọc Bích ký 6 hợp đồng đào tạo nghề với Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng nhưng chỉ mở có 1 lớp tại huyện Vĩnh Châu. Những lớp còn lại chỉ khai giảng 2 lớp rồi không dạy và 3 lớp không thực hiện. Từ kết luận trên, Công an Sóc Trăng cho rằng chủ nhiệm Hợp tác xã Ngọc Bích nhận 17,6 triệu đồng là tiền dự án đào tạo nghề.

Giữa tháng 10/2010, cơ quan điều tra đến bắt bà Bích để tạm giam nhưng một đêm trước đó người phụ nữ này đã lên Bình Dương giao hàng nên công an "bắt hụt". Được lãnh đạo Hợp tác xã Ba Nhất bảo bọc, bà Bích bay ra Hà Nội nhờ người can thiệp để được tại ngoại và bay về Sóc Trăng dự phiên tòa đầu tiên vào ngày 26/11/2010. Và sau 6 lần xét xử, một năm trước, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã kết tội bà Bích cùng những “đồng phạm” đã tư túi trên 400 triệu đồng.

Trong phiên xử phúc thẩm kéo dài suốt ngày diễn ra tại Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TP HCM, Hội đồng xét xử đã đặt vấn đề làm sáng tỏ số tiền bị cho là “tham ô”. Cụ thể là kết quả giám định tài chính ban đầu cho rằng bà Bích với các bị cáo “lập hồ sơ khống” để quyết toán nhằm chiếm đoạt tiền Nhà nước. Sau đó, hội đồng giám định đã đính chính cụm từ “chứng từ khống” thành “chứng từ không hợp lệ”. Trước tòa, giám định viên tư pháp Trần Thị Hồng Phương cũng khẳng định 712 chứng từ trong hồ sơ các bị cáo thanh toán là chứng từ “không hợp lệ” chứ không phải “chứng từ khống”.

Theo Hội đồng xét xử, nếu cho rằng chứng từ không hợp lệ thì số tiền bị cho là thất thoát đã được Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng chi nhưng chi không đúng mục đích hoặc giấy tờ thu chi dùng để thanh toán không hợp lệ chứ các bị cáo không tư túi.

Quá trình kháng cáo kêu oan của bà Bích luôn có sự quan tâm của cụ bà Nguyễn Thị Cúc (đeo kính), Chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất.

Đây là mấu chốt quan trọng để xác định hành vi của các bị cáo. Hội đồng xét xử cũng chỉ ra rằng nếu chứng từ không hợp lệ mà Kho bạc Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng thanh toán để rút tiền thì cán bộ kho bạc phải chịu trách nhiệm với khoản tiền thất thoát.

“Các bị cáo uất ức gì là cơ quan cấp dưới nên không thể tự tung tự tác mà làm cái gì cũng báo cáo Sở Công Thương Sóc Trăng nhưng cơ quan chủ quản đã thiếu giám sát dẫn đến buông lỏng quản lý. Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng không làm hết trách nhiệm, thiếu kiểm tra chứng từ thanh toán, để Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng rút tiền liên quan đến những chứng từ được cho là không hợp lệ mà không cán bộ nào bị xử lý là bỏ lọt tội phạm”, chủ tọa nhấn mạnh.

Vì những lẽ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại để tránh xử oan sai người vô tội và tránh bỏ lọt tội phạm.

Đỗ Lan